Nghệ nhân trẻ nâng tầm áo dài Huế
- Văn hóa - Giải trí
- 07:19 - 22/01/2023
Cố đô Huế là nơi sản sinh ra chiếc áo dài ngũ thân từ đầu thế kỷ XVII, được nâng lên thành quốc phục của người Việt Nam dưới thời Nguyễn và đã kéo dài hàng trăm năm. Bởi vậy, Huế không chỉ là kinh đô của Việt Nam dưới hai triều đại quân chủ Tây Sơn (1788 - 1801) và triều Nguyễn (1802 - 1945) mà còn là kinh đô của trang phục Việt, kinh đô áo dài.
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau đổi mới, TP. Huế cũng là nơi đầu tiên khôi phục và đưa áo dài nữ vào học đường, công sở, để từ đó lan tỏa ra toàn quốc. Năm 2020, Huế lại một lần nữa đóng vai trò tiên phong trong việc phục hồi và đưa áo dài nam vào công sở, tạo ra hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, ngày càng lan tỏa tích cực trong đời sống cộng đồng xã hội.
Áo dài là sự kết hợp tổng hợp của các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thiết kế, thời trang, lại là sản phẩm phục vụ trực tiếp cho cuộc sống hàng ngày, cho du lịch văn hóa nên đặc biệt được xem trọng.Áo dài Huế đã được nghiên cứu, khai thác để phát huy giá trị từ khá sớm. Suốt 20 năm qua, trải qua các kỳ Festival văn hóa và Festival Nghề truyền thống, lễ hội áo dài vẫn được xem là một trong nội dung quan trọng, là chương trình “đinh” của các kỳ festival Huế. Áo dài cũng góp phần quảng bá rất lớn cho ngành du lịch của Huế, tạo nên sức hút mạnh mẽ của vùng đất Cố đô. Hiện, vùng đất cố đô có nhiều tổ chức, cá nhân đang gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị chiếc áo dài. Đó cũng là những tiền đề quan trọng để Huế triển khai Đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”.
Với những người thường xuyên theo dõi các chương trình, lễ hội áo dài, nhất là lễ hội áo dài trong khuôn khổ các kỳ festival Huế, cái tên Đặng Viết Bảo có lẽ đã rất quen thuộc. Tại Huế, nhà thiết kế (NTK) Viết Bảo là một trong số ít các NTK luôn tiên phong trong các xu hướng và anh hiện đang giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội May Thêu thời trang tỉnh Thừa Thiên - Huế. Với những thành tích xuất sắc trong việc duy trì, phát triển nghề áo dài Huế, tháng 9/2022, Viết Bảo đã được UBND tỉnh Thừa - Thiên Huế phong tặng Nghệ nhân áo dài Huế và kỹ thuật tạo chất liệu vải áo dài Huế.
Nghệ nhân Viết Bảo cho biết, anh sinh ra, lớn lên ở thành phố bên bờ sông Hương và bén duyên với công việc thiết kế thời trang từ khi học cấp 3. Đó là vào năm lớp 11, 12, những mẫu thiết kế của Viết Bảo liên tục được lựa chọn để các bạn sử dụng biểu diễn. Tất cả những thành tích thuở học trò đó đã tạo động lực, thôi thúc anh đi theo con đường thiết kế thời trang chuyên nghiệp sau này. Để biến ước mơ thành sự thật, anh quyết định thi và đỗ vào Khoa đồ họa mỹ thuật ứng dụng - Đại học Huế.
Thời sinh viên, Đặng Viết Bảo vừa học vừa làm với nghề tạo mẫu hoa văn in cho áo thun, đồng thời tham gia một số cuộc thi thiết kế thời trang. “Tôi nhớ hồi đó mình đã chiến thắng giải thưởng của hãng bút bi với số tiền 5 triệu đồng. Nhờ đó, tôi có đủ chi phí để dự thi chung kết cuộc thi thiết kế Thời trang Việt Nam. Sau cuộc thi, tôi tiếp tục theo học tại trường và xây dựng thành công thương hiệu thời trang chuyên may đo đồng phục cho các công ty, tổ chức, học sinh rất có tiếng tại Huế”, NTK Viết Bảo chia sẻ. Năm 2008, Viết Bảo thực hiện bộ sưu tập thiết kế áo dài đầu tay và đăng ký tham gia Lễ hội áo dài tại Festival Huế. Bộ sưu tập với 20 mẫu thiết kế cùng nghệ thuật thêu tay tinh xảo, đã được NTK Minh Hạnh, Tổng đạo diễn Lễ hội chọn mở màn chương trình. Kể từ đó, cái tênViết Bảo liên tiếp xuất hiện tại các kỳ festival với những bộ sưu tập của riêng mình.
Không chỉ tham gia lễ hội áo dài thuộc các kỳ festival Huế hay Festival nghề truyền thống Huế, Viết Bảo còn góp mặt trong nhiều sự kiện lớn, nhỏ liên quan đến áo dài diễn ra tại Huế, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Quảng Trị... trong các vai trò khác nhau. Ngoài ra, anh còn tham gia các sự kiện về ngành áo dài và tơ lụa tại Thái Lan, Úc, Lào… Đặc biệt, năm 2020, Đặng Viết Bảo là nhà sáng lập “Không gian Áo dài Huế” (tại TP. Huế), với mong muốn góp phần định vị du lịch, văn hóa Huế qua hình ảnh tà áo dài. Anh cũng là thành viên tích cực tham gia Đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam". Trong hầu hết các mẫu thiết kế, nghệ nhân Viết Bảo đều đề cao, vận dụng các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc vào sản phẩm. Đặc biệt, anh thường xuyên vận dụng tinh tế giá trị di sản văn hoá thế giới - quần thể di tích Cố đô Huế, danh lam thắng cảnh Huế để điểm xuyết trên tà áo dài.
Ngoài nghệ nhân Viết Bảo, ở Huế còn rất nhiều NTK trẻ đã xây dựng được thương hiệu, tên tuổi, sản phẩm của họ không chỉ tiêu thụ trong nước mà ở cả nước ngoài, tiêu biểu như, NTK Quang Hòa. Các mẫu thiết kế của anh vừa gìn giữ được các giá trị truyền thống, vừa đầy ắp ý tưởng sáng tạo để chuyển tải những thông điệp, giá trị nhân văn mới thông qua tà áo dài. Hiện Quang Hòa hợp tác với NTK Maria Elena Di Terlizzi của Italia thực hiện dự án “Áo dài Heritage - The Culture of tình thương”, với mục tiêu đẩy mạnh giao lưu văn hóa giữa hai nước, đặc biệt là lĩnh vực thiết kế thời trang. Hay như NTK Nguyễn Giang Thanh với việc thành lập VietCharm để quảng bá và lan tỏa áo dài Huế tại Úc. Chương trình Áo dài show - điểm sáng văn hóa dành cho du khách trong và ngoài nước tham quan Huế của Hoa hậu doanh nhân người Việt thế giới năm 2018 Nguyễn Lan Vy… Tại cuộc thi và triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 5 năm 2022 do Bộ VH-TT&DL tổ chức, nữ sinh viên người Huế (học Trường đại học Nghệ thuật Huế) Nguyễn Huỳnh Minh Thanh cũng đã vinh dự đoạt giải Khuyến khích với bộ sưu tập áo dài “Mộng Nhật Bình” lấy ý tưởng từ họa tiết của áo Nhật Bình thời Nguyễn.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, áo dài Huế tồn tại và phát triển như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến công lao của những nghệ nhân may áo dài đã lặng lẽ gìn giữ, truyền nghề. Bao năm qua, các nhà thiết kế Huế đã tiếp nối, gìn giữ giá trị áo dài truyền thống và không ngừng sáng tạo để chuyển tải những thông điệp, giá trị nhân văn cao đẹp thông qua những tà áo dài Huế. Từ đó, quảng bá vẻ đẹp áo dài Huế, bản sắc văn hóa Huế không chỉ ở lĩnh vực thời trang trong nước mà cả trên thế giới.