CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:30

Tôn vinh nét đẹp Tràng an trong Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội

BTC cho biết, đây là một trong những hoạt động góp phần vào phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô sau hơn 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19. Đồng thời, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; khai thác, tôn vinh tà áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam làm nguồn sáng tạo, là sản phẩm của các loại hình du lịch độc đáo và hiệu quả.

Theo kế hoạch, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 sẽ diễn ra tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Sân khấu chính của Lễ hội tại sân khấu Đền Bà Kiệu dọc theo trục đường phố Đinh Tiên Hoàng đến ngã tư giữa phố Đinh Tiên Hoàng, phố Hàng Khay, phố Tràng Tiền, phố Hàng Bài và triển lãm áo dài trong không gian tượng đài Lý Thái Tổ.

ca0a6445-d29c-4125-a773-716a0b0cc4e2-7295

Lễ khai mạc dự kiến diễn ra từ 20 giờ đến 21 giờ 30 ngày 2/12, tại đền Bà Kiệu gồm 3 chương: Chương 1 mang tên "Truyền thống và lịch sử áo dài theo dòng thời gian với Hà Nội, với Huế, với thành phố Hồ Chí Minh".

Chương 2 mang tên "Thăng hoa áo dài Việt như một nguồn tài nguyên vô tận trong du lịch, là sản phẩm kết tinh di sản truyền thống, văn hóa bản địa và sáng tạo hiện đại", gồm chương trình biểu diễn của các thương hiệu lữ hành, lưu trú, ẩm thực, các bộ sưu tập áo dài của các hãng hàng không, các khách sạn, nhà hàng.

Chương 3 mang tên "Áo dài - Nét đẹp văn hóa, biểu tượng của vẻ đẹp và tâm hồn người phụ nữ Việt Nam và mang phong cách, tâm hồn người Việt, người Hà Nội đến với bạn bè và du khách quốc tế đến từ năm châu với các màn biểu diễn áo dài của người mẫu chuyên nghiệp trong nước và quốc tế".

Theo Sở Du lịch Hà Nội, việc tổ chức Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 là cơ hội để quảng bá tà áo dài 3 miền Bắc - Trung - Nam; tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu, giao lưu, hợp tác, ký kết cùng phát triển giữa các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội với các nhà thiết kế thời trang áo dài, các nghệ nhân, nghệ sĩ. Với hoạt động này, Ban tổ chức mong muốn lan tỏa tình yêu và niềm tự hào của mỗi người phụ nữ Hà Nội với trang phục áo dài truyền thống, mong muốn giá trị của áo dài sẽ được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và xa hơn nữa là di sản văn hóa thế giới.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh khẳng định, áo dài luôn gắn bó với đời sống của người Việt Nam, là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Trang phục áo dài song hành với phụ nữ Việt trên mọi miền đất nước và có mặt ở nhiều quốc gia.

Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, nét đặc trưng của áo dài được thể hiện ở tính phổ cập trong đời sống xã hội, trong các tầng lớp nhân dân: Từ nhà giáo, học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, diễn viên, nghệ sĩ... Áo dài chính là thành quả lao động của các nghệ nhân, những người sáng tạo, thiết kế và làm nên chúng qua nhiều khâu, công đoạn, như: Trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa, may đo, thêu vẽ hoa văn trang trí, kết hợp với các ý tượng sáng tác đều phản ánh vẻ đẹp, bộc lộ tâm hồn, tính cách và nhân sinh quan của người Việt. Áo dài Việt Nam không đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng cả một bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý, quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam.

Có thể nói, trang phục áo dài lâu nay được coi là biểu tượng trang phục của người Việt Nam, hàm chứa những giá trị lịch sử văn hóa, xã hội và nghệ thuật độc đáo. Trải qua thời gian, trang phục áo dài đã đi vào đời sống của người dân Việt Nam, là nguồn cảm hứng để các văn nghệ sĩ sáng tác nên những tác phẩm hội họa, thi ca, âm nhạc, văn chương, thời trang, đồng thời cũng là thông điệp thể hiện bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Áo dài nữ là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng, làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người phụ nữ Việt Nam. Lễ hội không chỉ góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa về lịch sử, giá trị thẩm mỹ của áo dài Việt Nam, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người trong gìn giữ, phát huy di sản văn hóa trang phục dân tộc.

DUY LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh