THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:39

Nghề muối lao đao, diêm dân loay hoay đi tìm lối thoát

 

Nghề muối trước nguy cơ bị xóa sổ

Khoảng 10 năm về trước, diêm dân còn ăn nên làm ra với nghề làm muối, thế nhưng thời huy hoàng ấy đã qua rồi. Nghề muối lúc này đang lao đao trước nguy cơ bị xóa sổ bởi không còn hội tụ đủ những yếu tố đúng như câu nói “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để diêm dân trụ vững với nghề.

Trước những năm 2000, toàn xã Hải Châu (huyện Tĩnh Gia) có 10 thôn thì 6 thôn tập trung sản xuất muối, tuy nhiên khi thị trường biến động, các xí nghiệp thu mua làm ăn thua lỗ buộc phải đóng cửa đã kéo theo muôn vàn hệ lụy. Nhận thấy “nghề không nuôi nổi thân”, nhiều người chán nản và quay lưng với nghề truyền thống.

 

 

Qua khảo sát, hiện chỉ có người dân tại thôn Yên Châu, Bắc Châu và một số ít ở Nam Châu còn gắn bó với nghề bạc bẽo này, bởi bỏ nghề thì không biết sống bằng gì.

Trong những năm qua, diện tích sản xuất muối trên địa bàn huyện Tĩnh Gia giảm chóng mặt. Nếu như năm 2011, toàn huyện có 178,3 ha thì đến nay chỉ còn trên dưới 72 ha tập trung tại xã Hải Châu, riêng 3 xã Hải Bình, Hải Thượng và Hải Hà đã không thể duy trì.

Dưới cái nắng hè như đổ lửa, cánh đồng muối ở xã Hải Bình vào thời điểm này trước đây vốn vào mùa cao điểm, thế nhưng nay hoang vắng không một bóng người.

Bà Trần Thị Xoa, một diêm dân xã Hải Bình cho biết: “Trước đây, cứ đến độ nắng tháng 5-6 là thời điểm vàng để làm muối, nhà nào nhà ấy tập trung toàn bộ nhân lực ra đồng làm muối. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, bà con bỏ nghề hết do môi trường bị ảnh hưởng. Nghề chúng tôi gắn bó bao năm nay, giờ không theo được nữa, đất thì bỏ hoang, thật là chua xót”.

Một diêm dân khác ngậm ngùi chia sẻ: “Chúng tôi đã gắn bó với nghề làm muối bao năm nay, miếng cơm manh áo gia đình trông chờ vào đấy cả, giờ đây mất việc, cuộc sống vô cùng khó khăn, thanh niên thì còn đi làm công nhân, đi thuê đây thuê đó, còn những người lớn tuổi như chúng tôi thì biết sống bằng gì”.

Nguyên nhân khiến nghề muối bị thu hẹp

Bắt đầu từ giữa năm 2006, Khu kinh tế Nghi Sơn chính thức được triển khai trên địa bàn huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Hàng loạt công trình lớn, nhỏ mọc lên không ngừng đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương này. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng thì cũng mang lại cho người dân nghèo nơi đây những cái giá mặn chát.

Các dự án trong KKT Nghi Sơn, đặc biệt là các công trình nằm sát khu vực đồng muối. Bên cạnh việc thu hồi đất làm diêm dân mất đất canh tác, thì quá trình xây dựng đã phá vỡ kết cấu hạ tầng, làm hư hỏng toàn bộ hệ thống cống lấy nước đầu vào của những diện tích còn lại.

 

 

Cụ thể, việc hàng trăm xe tải vận chuyển hàng hóa suốt ngày đêm cho hệ thống tàu biển ở các cảng Nghi Sơn, Đại Dương cũng như quá trình san lấp mặt bằng, thi công Cảng Quốc tế gang thép Nghi Sơn và Dự án đường Đông Tây 4 đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và làm tắc nghẽn dòng chảy, không thể có nước để cung cấp cho cánh đồng làm muối.

Tình trạng kéo dài nhiều năm nhưng không có phương án khắc phục khiến cho vô số ruộng muối bị bỏ hoang. Cùng với đó, các hạng mục công trình phục vụ cho nghề muối đã xuống cấp trầm trọng khó có thể phục hồi.

Ông Vũ Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Hải Hà (huyện Tĩnh Gia) cho biết, địa phương có 2 nghề truyền thống là đánh bắt hải sản và sản xuất muối. Kể từ khi Khu kinh tế Nghi Sơn được thành lập, việc thi công các dự án quy mô lớn (Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn, Cảng gang thép Nghi Sơn, Nhà máy dầu ăn, các bến cảng…) đã làm hư hỏng hệ thống cống tiêu, cống tưới, mương, hồ đê bao.

Để phục vụ dự án, gần 60 ha ruộng mối bị thu hồi, toàn xã Hải Hà lúc này chỉ còn 20,9 ha nhưng không thể sản xuất, đồng nghĩa với việc hàng trăm lao động chính thức mất nghề, mất việc, mất thu nhập, đi kèm với đó là nỗi lo cơm áo gạo tiền và một tương lai hết sức mờ mịt.

Ông Đặng Duy Tân, chủ tịch UBND xã Hải Châu, địa phương duy nhất còn diêm dân bám trụ với nghề cũng chân thành chia sẻ: “Xã có trên 70 ha nhưng thực chất chỉ sản xuất khoảng ½ diện tích, phần vì nhường đất cho dự án, sâu xa hơn bắt nguồn từ cơ chế thị trường, giá cả quá rẻ mạt nên bà con bỏ nghề là xu thế tất yếu”. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh