THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:41

Huyện Ứng Hòa (Hà Nội): Bấp bênh làng nghề làm tăm

Làm nghề theo phong trào…

Từ đầu làng đến cuối xã, những đống nguyên liệu bằng tre, nứa chất cao ngun ngút, trải dài theo những con đường liên thôn như rồng rắn uốn lượn, khiến cho người ta không khó để nhận ra nghề làm tăm hiện đang rất phát triển tại xã Quảng Phú Cầu. Anh Nguyễn Văn Quyến (45 tuổi), chủ cơ sở làm tăm ở Quảng Phú Cầu cho biết, từ thời ông bà, bố mẹ anh đã làm tăm, nhưng trước kia chủ yếu làm thủ công, quy mô nhỏ, cũng không ai nghĩ làng nghề giàu lên được nhờ vào việc làm từng chiếc tăm bé tí xíu. Khoảng 7-8 năm trở lại đây, khi thị trường tiêu thụ được mở rộng, sản phẩm được xuất khẩu, cũng là lúc hàng loạt hộ dân bỏ tiền đầu tư mua máy chẻ tự động, rồi thu mua vàu (tre đã được chẻ) sơ chế về làm tăm hương, tăm xỉa răng... Những gia đình không có điều kiện đầu tư máy móc sản xuất thì đi làm thuê, không lo hết việc, tiền công bình quân tới 150 - 170.000 đồng/người/ngày.

Có lẽ chưa bao giờ nghề làm tăm ở Quảng Phú Cầu lại phát triển như bây giờ, khi gần như nhà nào cũng đua nhau làm. Lợi nhuận từ công việc làm tăm đã thôi thúc người dân phát triển và mở rộng quy mô sản xuất đến chóng mặt. Như gia đình anh Quyến, ban đầu chỉ sản xuất làm nhỏ lẻ, chỉ đầu tư mua máy chẻ khoảng chục triệu đồng. Nhưng chỉ sau 5 năm đầu ra ổn định, anh đã mở cả xưởng sản xuất, đầu tư thiết bị cả chục tỷ đồng, thường xuyên thuê hơn 30 nhân công. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất của anh Quyến thu mua khoảng 200 tấn nguyên liệu và xuất đi 50 tấn thành phẩm.

Đầu tư nhiều máy móc, nhưng làm tăm cũng phải qua nhiều công đoạn thủ công. 

Ông Lê Văn Dịu, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho hay, nghề làm tăm ở xã đã có từ rất lâu, xuất phát từ nghề đan lát, hồi còn làm thủ công, chẻ tăm bằng tay mấy chục năm về trước. Đến nay nghề ngày càng phát triển, người dân chuyển sang làm tăm bằng máy hiện đại, chủ yếu được nhập từ Đài Loan, Trung Quốc. Sản phẩm vàu thô được các cơ sở sản xuất tăm hương thu mua, phơi khô, sau đó được đưa vào hệ thống máy chẻ tự động để cho ra những chiếc tăm hương tròn đều tăm tắp, mang bán buôn cho tiểu thương các tỉnh, nhưng chủ yếu vẫn là xuất khẩu ra nước ngoài như Ấn Độ và các nước Trung Đông.

Theo lời ông Dịu, toàn xã có 1,4 vạn dân, với 6 làng được công nhận là làng nghề, khoảng 250 cơ sở sản xuất lớn nhỏ. Đa số người dân Quảng Phú Cầu sống bằng nghề làm tăm, bên cạnh đó còn có nghề buôn bán, chế biến phế liệu. Mỗi ngày các cơ sở sản xuất tăm trong xã thu mua khoảng 500 tấn nguyên liệu là tre, nứa. Trước đây là các tỉnh Tây Bắc, giờ chủ yếu mua từ các tỉnh miền Trung, Lào và Campuchia.

Không chỉ tạo việc làm cho dân trong xã, ghề làm tăm ở Quảng Phú Cầu còn giúp cho hàng nghìn lao động ở vùng lân cận có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Sản xuất tăm chủ yếu bằng máy, nhưng nhiều công đoạn vẫn phải làm thủ công, từ khâu chẻ, phơi, lột, chọn lọc... đều phải qua bàn tay con người.

Nhiều nguy cơ đe dọa sự bền vừng của làng nghề

Theo tìm hiểu, mặc dù phát triển khá nhanh, nhưng hàng trăm cơ sở sản xuất tại xã Quảng Phú Cầu đều làm theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, không có sự quy hoạch bài bản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hệ lụy thì ngày càng rõ nét: Làng nghề “được” trùm phủ bởi mùn gỗ, khói bụi từ các xưởng tăm và các cơ sở thu mua, chế biến phế liệu; nước thải cũng được xả ra môi trường một cách vô tội vạ.

Không khó nhận ra là tại các xưởng tăm, ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là bụi mùn gỗ rất đậm đặc, trong khi tại các cơ sở này không có máy hút xử lý bụi mùn gỗ, người lao động gần như không có thiết bị bảo hộ, không có chuyên môn, kiến thức về vận hành máy móc, tiềm ẩn nguy xảy ra tai nạn lao động. Chưa kể, hàng nghìn lao động từ nhiều nơi đổ về Quảng Phú Cầu làm nghề, nhưng việc quản lý lao động ở các cơ sở sản xuất lại hết sức nan giải, khiến cho quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự địa phương.

Nghề làm tăm ở Quảng Phú Cầu tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. 

Được biết, nhiều hộ dân ở Quảng Phú Cầu cũng đã đầu từ các lò sấy để giảm khó khăn trong quá trình xử lý nguyên liệu và ô nhiễm môi trường. Hiện trên địa bàn có không dưới 50 lò sấy nguyên liệu với công suất hàng chục tấn mỗi ngày. Điều bất cập là, những lò sấy thủ công lại nằm lọt giữa khu dân cư, ống khói thiết kế thấp nên hàng ngày vẫn nhả khói đen kịt bủa vây làng nghề. Khắc phục tình trạng này cũng có thể  áp dụng công nghệ hơi nước, nhưng do chi phí rất cao nên không phải nhà nào cũng dám đầu tư.

Đặc biệt, dù là làng nghề sản xuất tăm với nguyên liệu vàu thô rất dễ gây cháy, nhưng công tác phòng cháy, chữa cháy ở Quảng Phú Cầu lại rất hạn chế, nhiều cơ sở chỉ trang phương tiện phòng, chữa cháy theo kiểu… tùy hứng của các ông chủ. Theo phản ánh của người dân, hầu như năm nào cũng có hỏa hoạn xảy ra, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, ông Lê Văn Dịu cho biết, hiện nay, ngoài sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội về nguồn vốn thì địa phương cũng không hỗ trợ được gì nhiều cho các cơ sở sản xuất. Đáng lo ngại khi các làng nghề trong xã không có bãi tập kết nguyên liệu, nên từ đầu làng đến cuối xóm, bất kể đường lớn hay nhỏ thì cũng nhan nhản những đống nguyên liệu xếp chồng lên nhau. Làng nghề bị bao vây bởi tre, nứa khiến cho giao thông đi lại cũng rất khó khăn.

Ai cũng vui vì sự phát triển của làng nghề và sự giàu có của người dân. Tuy nhiên, cùng với đó là bộn bề khó khăn, kể cả những vấn đề nhức nhối đang hiển hiện ở các làng nghề làm tăm tại Quảng Phú Cầu. Thực trạng này nếu không sớm được giải quyết thì các làng nghề khó mà phát triển bền vững. 

Bài và ảnh: Chu Lương/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh