THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:41

Nghề “độc” bên dòng Đa Nhim

Ly quê nhưng không "ly khai" văn hóa.

 Không biết có phải là “thiên mệnh” hay không nhưng xem ra việc chọn dòng sông “nước mắt” Đa Nhim để sinh sống và làm nghề gốm và nghề nhẫn bạc bỗng “linh ứng” đến kỳ lạ với cộng đồng người thiểu số Churu ngày nay. Nếu mất đi hai nghề này cũng nghĩa là mất một phần linh hồn của Tây Nguyên.

Một nhóm nhỏ người Chăm rời khỏi quê cũ tiến về phía thượng nguồn và chọn vùng đất “nước mắt” Đa Nhim này để làm nghề gốm ấy đã tự chọn cho tên làng của mình là “Krăng Gọ”, có nghĩa là “làng gốm”. Làng Krăng Gọ của người Churu ven dòng Đa Nhim ấy nay là một thôn thuộc xã Pró của huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Làng Krăng Gọ cách Đà Lạt chỉ vài mươi cây số nên với cái nghề “chân chạy” của mình, năm nào tôi cũng có dịp đến Pró đôi ba bận. Chẳng dám nói ra nhưng mấy năm sau này, mỗi lần gặp lại bà Ma Wơng (73 tuổi) hay chị Ma Phương (49 tuổi, con gái bà Ma Wơng) ở làng gốm Krăng Gọ là một lần nỗi buồn trong tôi lại đầy lên với cấp số nhân.

Ya Tuất đang là người duy nhất trong cộng đồng người Churu Lâm Đồng nắm được bí quyết của nghề làm nhẫn bạc truyền thống của người Churu 

Tuy nhiên, sự chạnh lòng ấy của tôi xem ra không thấm vào đâu so với nỗi buồn của chính người trong cuộc – chị Ma Phương và bà Ma Wơng, những nghệ nhân thực thụ của làng gốm Krăng Gọ, trước sự mai một của nghề truyền thống mà họ đã mang theo từ gần ngàn năm nay khi quyết định ly khai cộng đồng người Chăm ở phía duyên hải miền Trung. Đến giờ, khi hỏi về nguồn gốc tộc người, người làng gốm Krăng Gọ nói riêng và người Churu ở Nam Tây Nguyên nói chung đều bảo rằng họ có họ hàng gốc gác từ người Chăm ở phía biển. Bà Ma Wơng còn khẳng định rằng “Nghề làm gốm của Krăng Gọ chính là nghề gốm xưa kia của làng gốm Bàu Trúc – nghề gốm của người Chăm thuộc tỉnh Ninh Thuận”.

Bà nói tiếp: “Cái nghề gốm của Krăng Gọ là do vợ chồng ông tổ Poklong Chanh truyền lại đấy! Poklong Chanh chỉ truyền lại cho phụ nữ người Chăm, phụ nữ người Churu chứ không truyền cho đàn ông”. Trong một lần gặp Inrasara, một trong những nhà nghiên cứu văn hóa Chăm khá nổi tiếng hiện nay, tôi được anh giải thích: “Người Chăm rất nổi tiếng với các nghề liên quan đến kỹ thuật nung đất

.

Nghệ nhân Ya Tuất bảo rằng nghề làm nhẫn bạc phải được sự cho phép của Yàng mới được “hành nghề” 

Dọc duyên hải miền Trung, đất sét bên những dòng sông có nhiều ưu điểm để “kỹ nghệ” nung đất của người Chăm ngày càng phát triển. Sản phẩm gốm, như gốm Bàu Trúc chẳng hạn, là một trong những minh chứng”.

Trong một lần đến Bàu Trúc (làng gốm nổi tiếng của người Chăm ở Ninh Thuận, cách Phan Rang chỉ khoảng 10km), tôi khá bất ngờ trước kỹ thuật làm gốm của người Chăm tại đây: Không khác mấy so với cách làm gốm của người Churu ở Lâm Đồng! Khác chăng là kỹ thuật làm gốm của người Chăm ở Bàu Trúc nay đã tiến xa một cách đáng kể so với người Churu trên đất Lâm Đồng; còn về kỹ thuật “cơ bản” là vẫn thế!  Một trong những điều mà tôi nhận ra về sự giống nhau đó là kỹ thuật “bàn xoay”:

Với những làng gốm khác của các cư dân khác, nhất là với người Việt, thì bàn xoay thực sự là “bàn xoay” – bằng nhiều hình thức, nghệ nhân làm cho cái bàn xoay ấy quay tròn. Còn với cộng đồng người Chăm, và cả người Churu, “bàn xoay” chỉ là một tấm ván hay một vật gì đó tạo được mặt phẳng để nghệ nhân đặt cục đất sét lên trên rồi dùng chính hai bàn tay của mình “xoay tròn” quanh mặt phẳng ấy để tạo nên sản phẩm gốm. “Chính nhờ kỹ thuật tự xoay tròn quanh “bàn xoay” đó mà nghệ nhân gốm mới có thể thả hồn vào sản phẩm của mình.


Sản phẩm làm ra theo kỹ thuật đó không chỉ là một vật dụng thông thường mà là một sản phẩm được hình thành từ sự sáng tạo của nghệ nhân” – Inrasara giải thích với tôi. Có lần, tôi thử đặt vấn đề với Inrasara: “Như vậy, qua một nghề truyền thống là nghề gốm, cũng đã phần nào chứng minh được nguồn gốc tộc người của người Churu ở Lâm Đồng?”.

Nhà văn hóa Chăm này dè dặt: “Hiện có khá nhiều giả thiết về nguồn gốc tộc người của người Churu, và giả thiết nào xem ra cũng “đứng vững” cả. Điều quan trọng trong các tiêu chí về tộc người đó là ý thức dân tộc!”. Nghe anh nói, tôi chợt nhớ ra hiện tượng “đóng băng trên biên”: Có thể, tộc người Churu ly khai cộng đồng mình bằng cách đi về phía núi để tìm đất sống mới nhưng những gì thuộc về văn hóa đặc trưng của cộng đồng thì họ không thể “ly khai” được! Và, một trong những minh chứng đó là nghề làm gốm!

 Đang mất dần một phần hồn Tây Nguyên.

Hôm rồi, tôi lại về thăm lại làng Krăng Gọ. Bà Ma Wơng vẫn không dừng tay bên “bàn xoay” đặc trưng của người Chăm và tất nhiên của cả người Churu, ngước mặt lên nhìn tôi, giọng không vui: “Giờ thì trong làng còn có mấy nhà làm gốm nữa đâu! Khác xưa nhiều rồi…”.

Bà nói như vừa muốn thông báo với tôi một thông tin “thời sự” nhưng cũng đồng thời vừa nhắc nhớ tôi rằng nghề gốm xưa ở làng này nhộn nhịp lắm như tôi từng chứng kiến chứ không phải vắng hoe như bây giờ. Mà quả thật là như vậy! Hồi mấy chục năm trước, hai anh cán bộ xã Pró là Jrông Thu và Tôrông Cường (hiện hai người này là Phó Chủ tịch và Chủ tịch HĐND xã Pró) đã dắt tôi đi tham quan khắp làng gốm Krăng Gọ.

Chị Ma Well giúp chồng làm nhẫn bạc 

Nhớ lại lúc ấy, nghĩ chỉ lấy tư liệu cho một bài báo nhỏ thôi mà đi những vài chục gia đình làm nghề gốm ở Pró thì quả thực là không cần thiết. Tuy nhiên, vì “nể nang” sự nhiệt tình của hai cán bộ xã, tôi đã phải ở lại Pró những mấy đêm liền để nghe bà con kể về gốc gác của nghề, về những câu chuyện cổ liên quan đến nghề gốm của bà con Churu Pró.

Cũng nhờ “la cà” dạo ấy mà tôi “nằm lòng” mấy thứ sản phẩm gốm của dân Pró thường hay làm là gó đăm dùng để nấu cơm gia đình; gó rồng là “chị cả” (gó đăm là em) như cái lu to đựng nước, đựng gạo hoặc dùng để nấu trong đám tiệc; apu là cái bình đội đầu; glá có cái miệng rất to dùng nấu canh; còn gó krẹt thì đựng canh đi làm đồng; cái bló từ đáy đến miệng đều bằng nhau dành cho phụ nữ nấu nước gội đầu; krơ dưng dùng để vừa ăn cơm nhưng cũng vừa là cái nắp đậy; rồi “quan trọng” nữa là cái krơ để uống rượu (Jrông Thu từng bắt tôi uống ba bát theo kiểu “vào ba…” bằng cái krơ như thế)…

Hồi ấy, trẻ em gái khoảng năm bảy tuổi nếu không đi học thì suốt ngày ngồi bên bà, bên mẹ để “học nghề” chứ không chạy lông nhông như bây giờ. “Cái Ma Phương của già hồi mười mấy hay hai mươi năm trước gì đó cũng ngồi bên mình như đứa cháu này đây. Nhờ vậy mà cái “tay gốm” của nó nhanh và chính xác hơn những đứa gái khác!” – bà Ma Wơng, mẹ của Ma Phương, đã nói với tôi như vậy từ hồi hơn hai mươi năm trước.

Cũng nhờ ngồi bên bàn xoay của mẹ từ khi còn bé nên lớn lên, khi trở thành một thiếu nữ, Ma Phương được huyện cử xuống làng gốm Bàu Trúc để học hỏi thêm nghề gốm (hồi năm 2006). Học về, Ma Phương phổ biến lại cho chị em trong làng, ai cũng thích thú.

Mới đây, sau lần đi tham gia “Những ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội” (cuối tháng 8 đến đầu tháng 9.2012) về, gặp tôi, Ma Phương khoe: “Ở Hà Nội, khi chúng em làm cái krơ, cái bló, cái apu… chỉ bằng hai tay, ai ai cũng thích hết á! Có người còn hỏi thăm địa chỉ và số điện thoại rồi hứa có dịp vào Lâm Đồng sẽ đến thăm làng gốm Pró của người Churu của chúng em. Vui lắm!”.

Vợ chồng nghệ nhân Ya Tuất biểu diễn làm nhẫn bạc trong một lễ hội 

Rồi, bỗng giọng Ma Phương chùng xuống: “Ừ, mà kể cũng lạ! Không hiểu sao khi nói đến “làng gốm Pró của người Churu”, ai cũng cảm thấy thích thú nhưng nghe xong câu chuyện, họ thường hỏi lại là “Làng Pró ở đâu vậy?”. Vậy, nghĩa là sao?”. Dĩ nhiên là tôi không đủ “thẩm quyền” để trả lời câu hỏi của Ma Phương. Vì thế, tôi “đành” tìm đến anh Nguyễn Tấn Xí, Chủ tịch xã Pró, để “nhờ” anh. Nguyễn Tấn Xí là một cán bộ xã khá năng nổ. Nhà anh Xí ở thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương). Anh là cán bộ tăng cường cho xã Pró.

Hằng ngày, ông chủ tịch xã này vượt những hơn mười cây số để từ nhà đến trụ sở làm việc. Mà, Xí không “sống” bằng “nghề” chủ tịch xã nên cứ sáng sớm, sáng nào cũng vậy, cỡ 4 giờ là anh phải thức dậy để tưới nước hoặc chở phân cho vườn rau – nguồn sống chính của gia đình; rồi sau đó mới “áo quần bảnh bao” lên con ngựa sắt phóng một mạch đến trụ sở làm việc và tít tận chiều tối mới lọ mọ về được đến nhà (Ngọc Thanh, Trưởng đài Truyền thanh truyền hình huyện Đơn Dương xác nhận thông tin này với tôi).

Chủ tịch xã Nguyễn Tấn Xí nghiêm giọng: “Hiện chúng tôi biết rõ nghề gốm truyền thống của bà con bị mai một nhưng không vì thế mà nản lòng. Một mặt, chúng tôi vừa động viên bà con cố duy trì nghề và một mặt, chúng tôi đang tìm kiếm “đầu ra” cho sản phẩm bằng nhiều cách; trong đó, du lịch là một trong những hướng mà chúng tôi đang nhắm tới!”.

Nghe anh Xí “nêu quyết tâm”, tôi thực sự mừng, nhưng không vì thế mà lạc quan tếu. Bởi lẽ, theo cách tính của Ma Phương thì quả là chưa thể loại bỏ những trăn trở của người dân làng gốm truyền thống Pró qua một bên được: Trung bình, cứ hai ngày, một người dân ở đây làm được 5 sản phẩm gốm và mỗi sản phẩm ấy chỉ bán được (neus như bán được) trung bình ba chục ngàn đồng! Nếu trừ vốn bỏ ra thì công lao động của nghề này quả là bèo bọt!

Thôi, tôi không muốn “trăn trở” hơn nữa bởi chuyện vốn liếng hay kinh tế như kiểu Ma Phương vừa “trình bày” mà chỉ đau đáu một nỗi niềm: Khi nghề gốm “bàn xoay” không tự xoay đặc trưng này của người Churu ở Lâm Đồng hoàn toàn “trùng khớp với kỹ thuật làm gốm của người Chăm ở Ninh Thuận mất đi thì vài mươi năm sau, hoặc cũng có thể cả trăm năm sau, khi nói về nguồn gốc tộc người thì cộng đồng người dân tộc thiểu số Churu này sẽ lấy gì làm “bằng chứng”? Và, tôi lại chợt nghĩ, trong lịch sử, người Churu có gốc gác từ người Chăm ấy khi rời cộng đồng để ngược lên vùng núi non Nam Tây Nguyên đã rất có lý khi chọn vùng đất ven sông Đa Nhim có nhiều đất sét như các vùng đất ven dải miền Trung để sinh sống và làm nghề gốm; song, không hiểu sao họ lại đặt tên cho dòng sông ấy lại là “nước mắt” – Đa Nhim.

Thi Hoàng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh