CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:19

Nghề làm heo đất

Ngay từ đầu tháng 12 hàng năm, những người làm heo đất đã bận rộn sản xuất cho kịp sản phẩm bán vào dịp Tết. Chúng tôi tới gia đình anh Nguyễn Văn Út ở ấp 4, thấy anh đang đổ đất sét vào khuôn.

Đất sét trộn keo được xay nhuyễn thành bột sền sệt màu nâu thẫm rồi đổ vào từng khuôn tạo thành hình dạng chú heo. Công đoạn này được gọi là “heo sống”. Sau đó, từng khuôn heo được dỡ ra phơi nắng. Cuối cùng đưa vào lò nung trong vòng 8 giờ mới tạo thành phẩm.

Theo anh Út, nghề này phải có kinh nghiệm, vì heo đất rỗng bên trong nên khi nung dễ bị nổ dây chuyền, hỏng cả mẻ hàng, mất luôn cả chục triệu đồng.

Một số hộ sản xuất sau khi làm ra những con heo thô, chuyển luôn sang giai đoạn sơn, vẽ màu để cho ra những chú heo thành phẩm đem tiêu thụ. Nhưng đa phần công đoạn sơn, vẽ màu cho heo do các hộ khác đảm nhận.

Công đoạn này phải là nghệ nhân thạo nghề mới vuốt được những đường cong, vẽ cây cỏ, hoa lá sặc sỡ trên thân heo đất. Chính vì vậy, có hộ chuyên bán đất sét, có hộ chuyên nặn và nung heo, có hộ làm trang trí, hoàn thiện sản phẩm.

Chúng tôi ghé qua hộ chuyên “trang điểm” heo đất của chị Trương Thị Kim Oanh, ở ấp Bình Thuận 2, xã Thuận Giao, có hơn 20 năm trong nghề gia công cho heo đất. Tại cơ sở của chị, 4 công nhân đang miệt mài làm việc.

Chị Kim Oanh, chủ cơ sở cùng chị Trúc Lan đang sơn heo.

Chị Oanh cho biết, so với cách đây vài năm, nghề heo đất không hút hàng như trước. Heo thô sau khi mua về cần được sơn lớp nền. Sau đó,  được bàn tay khéo léo của những người thợ thoăn thoắt tô lên các lớp màu xanh, đỏ, vàng ngộ nghĩnh. Sau khi lớp sơn nền khô, những chú heo này được chuyển sang cho thợ vẽ.

Chị Trần Thị Diễm, 30 tuổi phụ trách công đoạn thổi sơn, vừa trang điểm cho heo, vừa trò chuyện: “ Làm nghề sơn heo đất không nặng nhọc nhưng phải khéo léo, tỉ mỉ, do đó thường thích hợp với lao động nữ. Bình quân mỗi tháng tôi thu nhập được khoảng 3 triệu đồng”.

Chị Trần Thị Trúc Lan, phụ trách điểm mắt, trang trí  đường nét cho heo, cho biết: “Khâu vẽ được thực hiện bằng tay nên mỗi chú heo đều có những nét mặt, chi tiết khác nhau. Heo đất thô màu nâu của đất sau khi được sơn phết, trang điểm, làm đẹp trở nên lộng lẫy với đủ loại màu sắc rực rỡ, từ cô bé lọ lem đã biến thành nàng công chúa...”

Anh Nguyễn Hiệp Tín, ở khu phố Bình Đức, phường Lái Thiêu có hơn chục năm lăn lộn trong nghề, là chủ cơ sở gia công “trang điểm” heo đất cho biết, chuyên thu mua heo đất từ các cơ sở sản xuất ở phường Thuận Giao (thị xã Thuận An), An Phú (thị xã Dĩ An), các cơ sở ở huyện Tân Uyên về hoàn thiện trước khi xuất bán.

Theo anh Tín, thời điểm bán hàng đắt nhất trong năm là vào tháng khai giảng, học sinh bắt đầu đi học, được cha mẹ cho tiền, phụ huynh hoặc học sinh mua heo về bỏ ống để dành. Heo đất của gia đình anh làm ra được bán đi các tỉnh Tiền Giang, An Giang và các tỉnh miền Tây, miền Đông, và sang cả thị trường Campuchia. 

Tấn Hùng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh