THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:42

Nghề đặc thù: Nhiều áp lực, khó tuyển sinh

 

Thực hành nghề lắp đặt điện

Lịch học khô cứng

Đã từng cho con theo học ngành thể dục nghệ thuật chuyên nghiệp, chị Nguyễn Thị Hằng ở phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội cho biết: Con gái thứ hai của chị khi còn nhỏ, nhận thấy con có năng khiếu về môn thể dục nghệ thuật. Sau nhiều lần vợ, chồng bàn bạc, trò chuyện với con và tham khảo ý kiến của chuyên gia, bạn bè,… gia đình đã quyết định cho con theo học thể dục nghệ thuật chuyên nghiệp từ lúc con lên 7 tuổi. Bắt đầu nhập học, con gái tỏ ra rất phấn khởi và yêu thích môn học này. Tuy nhiên, không lâu sau, áp lực trong học tập tăng lên, làm xuất hiện những vấn đề về tâm lý, sức khỏe của con. Từ đây, nỗi lo lại tiếp tục lan sang cả chị Hằng và gia đình.

Theo chị Hằng, toàn bộ thời gian học tập, sinh hoạt của con đều ở tại trường và chỉ về nhà vào chiều thứ 7, chủ nhật, đến sáng thứ 2, con lại trở về trường để tiếp tục một chu kỳ học tập mới. Có thể nói, đây là một thời khóa biểu học tập quá nặng nề đối với một cô bé mới chập chững ở đầu cấp tiểu học. Chỉ sau một học kỳ, con gái mỗi khi trở về nhà vào cuối tuần đều tỏ ra rất mệt mỏi và lo lắng, hầu như không muốn quay lại trường học vào đầu tuần sau. Về phía gia đình, mặc dù vợ chồng đã có sự chuẩn bị tâm lý kỹ càng, nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng thiếu vắng. Nỗi lo càng tăng thêm, khi cảm nhận thấy nguy cơ chấn thương, bệnh lý nghề nghiệp của con ngày càng hiện hữu. Không chịu nổi áp lực từ nhiều phía, chị Hằng đã xin nhà trường cho con nghỉ học chỉ sau chưa đầy một năm học tập.

Chương trình đào tạo linh hoạt

Sản phẩm đầu ra của các nhóm ngành đặc thù không sử dụng đại trà. Thời gian đào tạo, huấn luyện lâu dài, nhưng tuổi nghề rất ngắn do quy luật phát triển tự nhiên của con người, tuổi tác cao không đảm bảo và duy trì được thành tích, ảnh hưởng đến việc sử dụng nhân lực…

Theo các chuyên gia, trường hợp như của gia đình chị Hằng tương đối nhiều, theo đuổi ngành nghề đặc thù khó khăn hơn nhiều so với các ngành đại trà khác. Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh ở các ngành này cũng rất khó khăn, khi cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi vẫn còn nhiều hạn chế. Đối tượng tuyển sinh trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật từ độ tuổi còn rất nhỏ và được đào tạo trong nhiều năm, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành mang tính truyền nghề, tạo cho các em phát huy khả năng sáng tạo cao, đặc biệt đối với các ngành Âm nhạc, Múa, Xiếc.

Quá trình đào tạo nghệ thuật công phu, lâu dài và có hệ thống, sàng lọc năng khiếu. Đồng thời, với việc học chuyên môn là học văn hóa phổ thông trong trường nên việc học tập rất vất vả, thời gian lên lớp cả hai buổi mỗi ngày. Người học phải liên tục rèn luyện, thực hành trên sân khấu dưới tác động của tiếng ồn, nhạc đệm. Sự căng thẳng thần kinh với những giờ học trên cao, phải khổ luyện và dễ mắc phải các bệnh do ảnh hưởng nghề nghiệp ngay từ khi còn là học sinh như: thoái hóa cột sống, lệch cột sống, bong gân, sai khớp,… và rủi ro cao về tai nạn khi thực hành luyện tập.

Duy trì và phát triển giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, PGS. TS Lê Anh Tuấn - Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT&DL cho rằng, việc xây dựng chương trình đào tạo mở và linh hoạt là hết sức cần thiết, bởi như vậy sẽ giúp cho người học phù hợp với đặc thù lĩnh vực hoạt động, giải quyết linh hoạt vị trí của người lao động trong quá trình làm việc khi họ đã quá tuổi nghề, chuyển đổi vị trí công việc được ngay, mà không cần phải tham gia một khóa học đào tạo dài hạn nào khác.

 


PHƯƠNG MINH - ANH QUANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh