THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:32

Nghệ An: Vùng hạ du có nguy cơ bị lũ lụt đe dọa?

  

Ngày 19/8, ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, ảnh hưởng cơn bão số 4, địa bàn huyện Kỳ Sơn mưa to, nước sông Nậm Mộ dâng cao gây lũ lụt trên diện rộng. Tại trường mầm non Mường Típ và bản Xốp Típ, nước dâng cao lại chảy xiết đã làm ngập cuốn trôi nhà ở, phòng học; Trường PTDTBT THCS Mỹ Lý, tại bản Xốp Tụ và Trường mầm non Mường Ải.

Trường tiểu học Mường Ải, bùn, đất, rác... tràn vào 4 phòng ở của giáo viên. Trường PTDTBT THCS Chiêu Lưu có 1 học sinh lớp 6 bị chết đuối do nước cuốn trôi. Tại trường mầm non thị trấn, tiểu học thị trấn, trụ sở Phòng GD&ĐT, nước sông làm ngập toàn bộ nhà ở, phòng học và các công trình khác. Tổng thiệt hại ước tính ban đầu gây ra tổn thất cho ngành giáo dục Kỳ Sơn hơn 3.5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồng Hoa cho biết thêm. “Ngày tựu trường sắp tới, cơ sở vật chất, đồ dùng học sinh bị cuốn trôi và hư hỏng khiến cho ngành giáo dục huyện rất khó khăn”, 

Tại huyện Con Cuông, ông Lê Thanh An - Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: “Hiện tại, lũ đã rút dần, cuộc sống nhân dân vùng ngập lụt đang rất khó khăn và từng bước được khắc phục. Năm học mới đang đến gần nhưng Trường Phổ thông DTNT THCS Con Cuông vẫn chìm trong lũ, bàn ghế sách vở và đồ dùng cá nhân bàn ghế của 300 học sinh và 36 thầy, cô giáo bị hư hỏng hoàn toàn và không thể sử dụng được. Ngoài ra, điểm trường Thanh Nam - Tiểu học xã Bồng Khê cũng còn bị ngập hơn 1m nữa. Thiệt hại ước tính hơn 2 tỷ đồng”.

Ðề phòng nguy cơ lũ lớn

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có 447 hồ đầy nước, các hồ còn lại đạt 70% đến 90% dung tích thiết kế; 2 hồ lớn nhất là hồ Vực Mấu đang xả cửa tràn số 3 với lưu lượng xả 107,1 m3/s và hồ Sông Sào đang xả cửa tràn số 1 và số 2 với lưu lượng xả 170 m3/s. Nếu các hồ đồng loạt phải xả thì nguy cơ lũ lớn ở hạ du.

 

  

Theo thống kê thiệt hại ban đầu của tỉnh Nghệ An, 5 người chết, 1 người mất tích, 19 nhà dân bị sập, 1.928 nhà bị ngập, 247 hộ dân phải di dời khỏi vùng nguy hiểm. Hơn 10.000 ha lúa, hoa màu, cây trồng hàng năm bị ngập, 11.751 con gia cầm, gia súc bị cuốn trôi, chết, gần 900 ha thủy sản bị ngập… Đặc biệt, lũ từ miền núi đổ về, nhà máy thủy điện xả lũ khiến các huyện miền xuôi Nghệ An có nguy cơ ngập úng trên diện rộng.

Hiện, tỉnh Nghệ An đang khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân. Các cơ quan thường trực cứu hộ cứu nạn như bộ đội, công an sẵn sàng phương tiện, lực lượng để làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn. Cắm các biển cấm, thông báo tại các khu vực nước ngập sâu... nguy hiểm uy hiếp đến tính mạng người dân. Cấm người dân đi vớt củi, đánh bắt cá trên sông suối khi đang có lũ. 

Để chủ động phòng, chống hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi xảy ra ngập úng do xả lũ, nhằm bảo vệ an toàn tính mạng người dân, bảo vệ tài sản, công trình, cơ sở sản xuất của nhân dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An có kế hoạch chống ngập úng và ứng phó khi ngập lụt để ổn định xã hội, tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Đức Long (TH)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh