THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:08

Nghệ An: Vì sự tiến bộ phụ nữ Nâng cao vị thế phụ nữ trên mọi lĩnh vực

Được biết, trong những năm qua, Nghệ An là một trong những tỉnh có bước đột phá trong công tác về Bình đẳng giới và và nâng cao vị thế phụ nữ trên mọi lĩnh vực. Xin ông cho biết một số giải pháp trong công tác này?

Giám đốc Sở LĐ-TB & XH tỉnh Nghệ An Đoàn Hồng Vũ: Nghệ An có diện tích đất tự nhiên lớn nhất cả nước, địa hình đa dạng, phức tạp, dân số đông. Toàn tỉnh có 17 huyện, 3 thị xã và 1 thành phố, trong đó có 11 huyện miền núi; tổng số có 460 xã, phường, thị trấn, trong đó có 170 xã thuộc vùng khó khăn. Cuối năm 2019, dân số có 3.327.794 người. Trong đó, nữ 1.687.691 người, chiếm 50,17%, dân số khu vực thành, thị chiếm tỷ lệ 15,2%, khu vực nông thôn chiếm 84,9% tổng dân số toàn tỉnh Nghệ An.

Nghệ An: Vì sự tiến bộ phụ nữ - Bài 2: Nâng cao vị thế phụ nữ trên mọi lĩnh vực - Ảnh 1.

Giám đốc Sở LĐ-TB & XH tỉnh Nghệ An, Phó trưởng ban thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Đoàn Hồng Vũ

Trong mấy năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về BĐG và VSTBPN và Kế hoạch truyền thông về BĐG. Cùng với đó, huy động các nguồn lực và đảm bảo ngân sách nhà nước cho công tác BĐG và VSTBPN; sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí ngân sách nhà nước phân bổ cho lĩnh vực này. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện các văn bản của Trung ương và tỉnh về lĩnh vực BĐG và VSTBPN.

Việc quan tâm, phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó, có nguồn ngân lực cán bộ nữ, được tỉnh Nghệ An xác định là nhiệm vụ quan trọng. Các ngành có chức năng liên quan, như: ngành giáo dục- đào tạo, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, bộ đội biên phòng thường xuyên có sự phối hợp trong việc thực hiện công tác xóa mù chữ và chống tái mù chữ, trong đó, quan tâm đặc biệt đến phụ nữ dưới 40 tuổi; thực hiện các chương trình học bổng hỗ trợ trẻ em gái và phụ nữ tham gia học tập nâng cao trình độ, ưu tiên vùng nông thôn, dân tộc thiểu số; lồng ghép nội dung về bình đẳng giới vào công tác chuyên môn dạy - học từ các cấp học bậc học theo chương trình sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT.

Các nội dung về bình đẳng giới có được đưa vào giảng dạy ở các cấp học, trong chương trình đào tạo cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục, giáo viên các cấp học. Lồng ghép vấn đề về Bình đẳng giới vào chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Lồng ghép giới được coi là một nguyên tắc xuyên suốt và đã được thực hiện liên tục, nhất quán trong môi trường giáo dục của nhà trường ở tất cả các cấp độ cá nhân (giáo viên chủ nhiệm, học sinh, giáo viên bộ môn, nhân viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, phụ huynh) và cấp độ tổ chức (lớp học, tổ bộ môn, hội đồng giáo viên, ban giám hiệu, Đoàn – Đội, Hội phụ huynh...) Triển khai lồng ghép nội dung về giới và bình đẳng giới vào giảng dạy ở các cấp học.

Nghệ An: Vì sự tiến bộ phụ nữ - Bài 2: Nâng cao vị thế phụ nữ trên mọi lĩnh vực - Ảnh 2.

Gặp mặt nữ lãnh đạo, quản lý tỉnh Nghệ An

Triển khai lồng ghép giáo dục dân số sức khoẻ sinh sản vị thành niên vào chương trình của các cấp học và sách giáo khoa các môn Ngữ văn, Sinh học, GDCD, Địa lý, cũng như lồng ghép vào các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Chỉ đạo xây dựng thành lập bộ phận tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường học, bố trí cán bộ, giáo viên chuyên trách (hoặc kiêm nhiệm) làm công tác tư vấn tâm lý. Đa dạng hóa nội dung, xây dựng và nhân rộng mô hình tư vấn tâm lý nhằm triển khai có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường. Tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho 1.086 giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh

Tăng cường công tác tham mưu đề xuất đề án phát triển giáo dục thường xuyên, trong đó có cơ chế khuyến khích phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ sống tại địa bàn khó khăn tham gia. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng, câu lạc bộ học tập cộng đồng, để tổ chức các lớp xóa mù chữ cho người dân đạt hiệu quả. Hàng năm trong công văn triển khai nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có chỉ đạo mở rộng đối tượng xóa mù chữ lên 60 tuổi, trong đó ưu tiên phụ nữ, trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số, vùng địa bàn khó khăn.

Ở Nghệ An, công tác tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị như thế nào thưa ông?

Giám đốc Đoàn Hồng Vũ: Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị đã được tỉnh chú trọng triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Cán bộ nữ ngày càng được tạo điều kiện trong việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí sử dụng. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 đạt 30,8%/30% kế hoạch. Kết quả này cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể, minh chứng sự tiến bộ vượt bậc của tỉnh sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược.

Mặc dù hiện nay số cán bộ nữ giữ chức vụ chủ chốt trong các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể đã nâng lên, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ cán bộ nữ, tỷ lệ đạt còn thấp so với chỉ tiêu đề ra, hiện có 4/5 chỉ tiêu của mục tiêu chưa đạt so với kế hoạch giai đoạn đề ra, gồm: tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp, tỷ lệ nữ hội đồng nhân dân các cấp và tỷ lệ lãnh đạo chủ chốt là nữ ở cơ quan Đảng, tổ chức chính trị xã hội và cơ quan chính quyền các cấp.

Nghệ An: Vì sự tiến bộ phụ nữ - Bài 2: Nâng cao vị thế phụ nữ trên mọi lĩnh vực - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long trao Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2020

Trong đó, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ; tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch các cấp vẫn còn thấp; Một số ngành nghề đông nữ và nhiều lĩnh vực liên quan đến hoạch định chính sách chưa có cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt. Đa số cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cấp phó. Vẫn còn một số phụ nữ chưa nỗ lực rèn luyện, phấn đấu nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, còn tự ty. Trình độ cán bộ nữ một số cơ sở, nhất là vùng đặc thù chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra hiện nay.

Để đạt được kế hoạch đề ra so với Chiến lược Quốc gia bình đẳng giới còn khó khăn, thách thức đòi hỏi sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.

Việc giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động ở Nghệ An được thực hiện như thế nào thưa ông?

Giám đốc Đoàn Hồng Vũ: Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có lao động nữ, là một trong những mục tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An nhằm góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập và góp phần vào xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng đối với công tác này.

Trong giai đoạn 2011-2015, Nghệ An đã tạo 179.300 việc làm mới, trong đó, tỷ lệ nữ đạt 42.6% (bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 35.860 người); Năm 2019, giải quyết việc làm cho 37.948 người, tỷ lệ nữ đạt 42%/40% KH, Ước thực hiện năm 2020, tỷ lệ nữ được tạo việc làm mới đạt 45,2%, vượt kế hoạch giai đoạn đề ra.

Về tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp: Kết quả giai đoạn 2011- 2015 đạt 25%/ 30% KH giai đoạn; Đến tháng 12/2019 đạt 28%, ước thực hiện giai đoạn 2016-2020 đạt 27%, không đạt so với KH giai đoạn đề ra. Tỷ lệ nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật trong giai đoạn 2011-2015 đạt 14.96%. Đến tháng 12/2019 đạt tỷ lệ 18,9%, ước thực hiện năm 2020 đạt KH giai đoạn 2016-2020 đề ra là 20%. Tỷ lệ nữ vùng nông thôn nghèo, DTTS được vay vốn ưu đãi giai đoạn 2011-2015 đạt 78,4%, đến tháng 12/2019 đạt tỷ lệ 90%,ước thực hiện giai đoạn 2016 – 2020 đạt 92%, vượt 9,52% so với KH giai đoạn 2016-2020 đề ra.

Ngay từ năm đầu giai đoạn, Tỉnh uỷ tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 07/6/2010 về việc tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; UBND tỉnh đã xây dựng các Đề án: Đẩy mạnh xã hội hoá dạy nghề đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Đề án đào tạo lao động kỹ thuật tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012-2020. Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành các Quyết định về giải quyết việc làm, phát triển doanh nghiệp như: Quyết định số 3947/QĐ-UBND ngày 26/9/2011 về việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2015; quyết định số 2316/QĐ-UBND ngày 08/06/2015 về việc ban hành đề án giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020. Đề án đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân Nghệ An. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020...

Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã tiến hành lồng ghép giới trong thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất, đề án giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An; thực hiện có hiệu quả các Chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo; tập trung nhiều giải pháp để nâng tỷ lệ phụ nữ được vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao tính bền vững trong xoá đói giảm nghèo;tổ chức hàng trăm khóa bồi dưỡng pháp luật, kiến thức thị trường, kiến thức quản lý cho đội ngũ doanh nhân, trong đó, chú trọng cả doanh nhân nữ, góp phần tăng tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ vào trong các dự án NGO, như các Dự án: "Mở rộng phát triển chuỗi giá trị mây/lùng cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số nghèo tỉnh Nghệ An 2013 - 2016"; "Giám sát và phân tích chính sách đối với người nghèo tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam-Giai đoạn 2". "Tăng cường năng lực chính phủ để hỗ trợ người di cư dễ bị tổn thương ở khu vực tiểu vùng sông Mê Kông và Malaysia"; phối hợp với các tổ chức SODI, KOICAvà KAUW tổ chức 17 lớp đào tạo nghề nail, spa, tóc; tin học, may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn và dệt thổ cẩm các nghề tin học, may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn cho 363 phụ nữ.

Tập trung chỉ đạo xây dựng, nhân rộng mô hình hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững. Đến nay toàn tỉnh Nghệ An đã có 2.019 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi với nhiều ngành nghề đa dạng như: Chuyên canh sản xuất rau màu, kinh tế vườn đồi, phát triển trồng rừng, kinh tế trang trại/VAC, chế biến hải sản, chăn nuôi, phát triển nghề truyền thống... cho thu nhập bình quân hàng năm trên 50 triệu đồng trở lên.

Vấn đề hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho nữ thanh niên, đặc biệt đối với nữ thanh niên khu vực nông thôn, khu vực miền núi được quan tâm triển khai. Hàng năm, tổ chức và chỉ đạo các huyện, thành, thị tổ chức hoạt động hướng nghiệp cho học sinh THPT; hướng dẫn, phổ biến các nội dung về xuất khẩu lao động, tạo điều kiện cho nữ thanh niên tìm được việc làm, tăng thu nhập, làm chủ cuộc sống. Ngoài ra, ở các địa phương có các làng nghề truyền thống, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo nhân rộng mô hình và khuyến khích nữ thanh niên tham gia học tập và làm việc trong các làng nghề.

Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ nông thôn đã được tỉnh quan tâm triển khai. Chủ trương phát triển và mở rộng các khu công nghiệp của tỉnh và đưa người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã tạo điều kiện cho nhiều lao động, trong đó có lao động nữ,có việc làm mới và thu nhập ổn định.

Chính sách phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo điều kiện, cơ hội cho số phụ nữ khởi nghiệp và làm chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng đô thị, ngày càng tăng lên, tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của họ.

Phụ nữ vùng nông thôn nghèo, dân tộc thiểu số đã được vay vốn ưu đãi, đặc biệt, hầu hết phụ nữ làm chủ hộ đã được vay vốn phát triển sản xuất,được tạo điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, và nâng cao tính bền vững trong xoá đói giảm nghèo. Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An tiếp tục tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị đã được tỉnh chú trọng triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Nâng cao vị thế phụ nữ trên mọi lĩnh vực.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Kỳ sau:  Tạo bước đột phá trong công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ 

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh