THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:12

Nghệ An: Vì sự tiến bộ của phụ nữ - Bước chuyển biến mạnh

Cụ thể hóa chủ trương về Bình đẳng giới

Trong xây dựng kế hoạch hằng năm, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Nghệ An đã chú trọng tham mưu UBND tỉnh Nghệ An về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện bình đẳng của phụ nữ về lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe... 

Đặc biệt, bám sát mục tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước" và Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2011-2020, Ban VSTBPN phối hợp với Hội LHPN tỉnh tham mưu cho tỉnh về công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ; tham mưu triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chính sách liên quan đến công tác phụ nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng, nhằm đảm bảo các mục tiêu về bình đẳng giới, tăng tỷ lệ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị, quản lý nhà nước...

Nghệ An: Vì sự tiến bộ của phụ nữ - Bước chuyển biến mạnh - Ảnh 1.

Gặp mặt nữ cán bộ lãnh đạo chủ chốt Nghệ An

Cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị cũng chủ động triển khai chương trình hành động VSTBPN với các mục tiêu thực hiện quyền bình đẳng trên các lĩnh vực; chỉ đạo phát động sâu rộng phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"…

Đặc biệt, để giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tăng cường tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, miền núi và phụ nữ dân tộc thiểu số, các cấp ủy, chính quyền, sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã triển khai nhiều nội dung, chương trình, đề án nâng cao trình độ, kỹ năng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động. Theo đó, hằng năm đã tổ chức tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn. Với sự định hướng, hỗ trợ của hội phụ nữ các cấp, nhiều mô hình, phong trào phụ nữ làm kinh tế, giúp phụ nữ thoát nghèo… đã triển khai hiệu quả.

Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có lao động nữ, là một trong những mục tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An nhằm góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập và góp phần vào xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Được biết, thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng đối với công tác này.

Tỉnh uỷ Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 07/6/2010 về việc tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; UBND tỉnh đã xây dựng các Đề án: Đẩy mạnh xã hội hoá dạy nghề đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Đề án đào tạo lao động kỹ thuật tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012-2020; Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nghệ An đến năm 2020. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành các Quyết định về giải quyết việc làm, phát triển doanh nghiệp như: Quyết định số 3947/QĐ-UBND ngày 26/9/2011 về việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2015; quyết định số 2316/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2015 về việc ban hành đề án giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020; đề án đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân Nghệ An; chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020...

Nghệ An: Vì sự tiến bộ của phụ nữ - Bước chuyển biến mạnh - Ảnh 2.

GQVL cho lao động nữ Nghệ An

Tỉnh tiến hành lồng ghép giới trong thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất, đề án giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An; thực hiện có hiệu quảcác Chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo; tập trung nhiều giải pháp để nâng tỷ lệ phụ nữ được vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao tính bền vững trong xoá đói giảm nghèo;tổ chức hàng trăm khóa bồi dưỡng pháp luật, kiến thức thị trường, kiến thức quản lý cho đội ngũ doanh nhân, trong đó, chú trọng cả doanh nhân nữ, góp phần tăng tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệptrên địa bàn tỉnh.

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ vào trong các dự án NGO, như các Dự án: "Mở rộng phát triển chuỗi giá trị mây/lùng cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số nghèo tỉnh Nghệ An 2013 - 2016"; "Giám sát và phân tích chính sách đối với người nghèo tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam-Giai đoạn 2"; "Tăng cường năng lực chính phủ để hỗ trợ người di cư dễ bị tổn thương ở khu vực tiểu vùng sông Mê Kông và Malaysia"; phối hợp với các tổ chức SODI, KOICAvà KAUW tổ chức 17 lớp đào tạo nghề nail, spa, tóc; tin học, may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn và dệt thổ cẩm các nghề tin học, may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn cho 363 phụ nữ.

Nhân rộng mô hình hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo

Giám đốc Sở LĐ-TB & XH tỉnh Nghệ An, Phó trưởng ban thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Đoàn Hồng Vũ cho biết: "Trong những năm qua, Nghệ An đã tập trung chỉ đạo xây dựng, nhân rộng mô hình hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững. Đến nay toàn tỉnh Nghệ An có 2.019 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi với nhiều ngành nghề đa dạng như: Chuyên canh sản xuất rau màu, kinh tế vườn đồi, phát triển trồng rừng, kinh tế trang trại/VAC, chế biến hải sản, chăn nuôi, phát triển nghề truyền thống... cho thu nhập bình quân hàng năm trên 50 triệu đồng trở lên".

"Vấn đề hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho nữ thanh niên, đặc biệt đối với nữ thanh niên khu vực nông thôn, khu vực miền núi được quan tâm triển khai. Hàng năm, tổ chức và chỉ đạo các huyện, thành, thị tổ chức hoạt động hướng nghiệp cho học sinh THPT; hướng dẫn, phổ biến các nội dung về xuất khẩu lao động, tạo điều kiện cho nữ thanh niên tìm được việc làm, tăng thu nhập, làm chủ cuộc sống. Ngoài ra, ở các địa phương có các làng nghề truyền thống, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo nhân rộng mô hình và khuyến khích nữ thanh niên tham gia học tập và làm việc trong các làng nghề" – ông Đoàn Hồng Vũ cho biết thêm.

"Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ nông thôn đã được tỉnh Nghệ An quan tâm triển khai. Chủ trương phát triển và mở rộng các khu công nghiệp của tỉnh và đưa người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã tạo điều kiện cho nhiều lao động, trong đó có lao động nữ,có việc làm mới và thu nhập ổn định. Chính sách phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo điều kiện, cơ hội cho số phụ nữ khởi nghiệp và làm chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng đô thị, ngày càng tăng lên, tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của họ. Phụ nữ vùng nông thôn nghèo, dân tộc thiểu số đã được vay vốn ưu đãi, đặc biệt, hầu hết phụ nữ làm chủ hộ đã được vay vốn phát triển sản xuất,được tạo điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, và nâng cao tính bền vững trong xoá đói giảm nghèo" – Giám đốc Đoàn Hồng vũ nhấn mạnh.

Được biết, hàng năm, Ban VSTBPN Tư pháp Nghệ An đã lồng ghép với các hoạt động chuyên môn, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh và các chi nhánh đã thụ lý và thực hiện nhiều vụ việc, tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật về tận thôn, xóm, bản trên địa bàn các huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai… Trong số các đối tượng được tư vấn, bảo vệ quyền lợi tại các phiên tòa, trợ giúp pháp lý lưu động có hơn 1/4 đối tượng là phụ nữ và trẻ em.

Song song với đó, Ban VSTBPN tỉnh Nghệ An đã chủ động phối hợp kiểm tra, giám sát tại các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp về thực hiện Luật Bình đẳng giới; các chính sách, pháp luật đối với lao động nữ; công tác cán bộ nữ; chính sách đối với hộ nghèo… Qua đó, đã kịp thời tuyên truyền, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện có hiệu quả các nội dung, chỉ tiêu các nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ.

Đánh dấu sự phát triển trên nhiều lĩnh vực

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, cán bộ nữ nói riêng luôn được tỉnh Nghệ An quan tâm, coi đây là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành các văn bản nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, tạo cơ chế đảm bảo phụ nữ được tham gia nhiều hơn vào các quá trình ra quyết định.

Nghệ An: Vì sự tiến bộ của phụ nữ - Bước chuyển biến mạnh - Ảnh 3.

Các nữ doanh nhân Nghệ An (ảnh Báo Nghệ An)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cấp ủy đảng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 04 - NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình phát triển nguồn nhân lực 2006 - 2010, trong đó chú trọng thực hiện Đề án 02 - ĐA/TU về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ cơ sở, cán bộ trẻ có triển vọng". Hàng năm ban hành các văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy các cấp triển khai công tác quy hoạch cán bộ, trong đó yêu cầu ưu tiên cán bộ nữ. Đặc biệt Ban Thường vụ tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 18/4/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác bình đẳng giới.

Để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, UBND tỉnh Nghệ An đã xây dựng Kế hoạch chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết 11/NQTW của Bộ chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, công tác cán bộ nữ của tỉnh, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011- 2015, giai đoạn 2016-2020; đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 – 2020. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trên một số lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ nữ được quan tâm và thực hiện bảo đảm theo đúng quy trình, quy định.

Đội ngũ cán bộ nữ ngày càng trưởng thành, đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, tăng cường nắm bắt, triển khai tốt chỉ đạo của tỉnh, nhất là về xây dựng Nghệ An xanh - sạch - đẹp; mỗi phụ nữ phát huy vai trò nòng cốt trong gia đình, là hạt nhân vận động các thành viên tham gia tích cực các hoạt động xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, tế bào lành mạnh của xã hội.

Nghệ An cũng đã tăng cường tuyên truyền về bình đẳng giới, đa dạng hóa hình ảnh của nữ giới với các vai trò và vị thế trong thời kỳ đổi mới Với sự quan tâm của tỉnh, phụ nữ Nghệ An ngày càng phát huy khả năng,có nhiều cống hiến trên mọi lĩnh vực, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bùi Đình Long cho biết: "Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác này trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương, các Ban VSTBPN từ cấp tỉnh đến cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới và chính sách pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ; tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc thực hiện công tác bình đẳng giới; đẩy mạnh công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bình đẳng giới và hoạt động VSTBPN ở các sở, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An".

"Trong thời gian tới, Nghệ An cần thực hiện tốt hơn nữa công tác bình đẳng giới, để dù ở đâu mỗi cá nhân sẽ được bảo đảm và hưởng thụ đầy đủ quyền con người, vươn lên và phát triển trong xã hội. Cần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và giảm nghèo bền vững" – Phó Chủ tịch Bùi Đình Long nhấn mạnh.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh