Nghệ An: Tạo sự đột phá trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm
- Tây Y
- 15:07 - 10/01/2024
Công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với GQVL cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, UBND tỉnh Nghệ An đã thực hiện các đề án Đào tạo lao động kỹ thuật giai đoạn 2021-2025. Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030… đẩy mạnh thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn có thương hiệu uy tín đã và đang triển khai hiệu quả các dự án tại Nghệ An như: Tập đoàn Vingroup, FLC, TH, Mường Thanh… nhiều dự án lớn, sử dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động hiệu quả, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh đã góp phần giải quyết nhiều việc làm cho người lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác đào tạo nghề nghiệp gắn với GQVL cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp đã được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm tích cực và chủ động hơn. Một số doanh nghiệp đã tiếp cận, tìm đến các trường nghề để tuyển lao động có tay nghề thông qua việc ký kết hợp tác trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Một số trường tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên; cam kết giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp.
Được biết, năm 2023, Nghệ An đã giải quyết việc làm cho 47.919 người tăng 6.48% so với năm 2022 trong đó: Giải quyết việc làm trong tỉnh: 10.019 người, giải quyết việc làm ngoại tỉnh: 13.900 người, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 24.000 người (đạt 165.51% kế hoạch).
Chấp thuận nhu cầu sử dụng LĐNN cho 160 doanh nghiệp với 585 vị trí (trong đó có 198 vị trí chuyên gia, 36 vị trí giám đốc điều hành, 327 vị trí lao động kỹ thuật, 24 vị trí nhà quản lý). Tiếp nhận hồ sơ thẩm định cấp giấy phép cho 592 lao động nước ngoài (32 nhà quản lý 27 Giám đốc điều hành, 224 Chuyên gia, 309 Lao động kỹ thuật,), thu hồi 44 giấy phép lao động của lao động nước ngoài (Doanh nghiệp trả lại giấy phép do đã chấm dứt HĐLĐ).
Ngành LĐ-TB&XH Nghệ An đã phối hợp với Bộ CHQS tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức phiên giao dịch việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Tổ chức 03 Ngày hội việc làm năm 2023 tại các huyện Kỳ Sơn; Thanh Chương, Diễn Châu. Rà soát và tổng hợp tình hình lao động về quê dịp Tết Nguyên Đán và lao động bị mất việc làm.
Phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký cho hơn 5.000 người lao động dự thi tiếng Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2023. Tổ chức 10 lớp hội nghị tuyên truyền công tác giải quyết việc làm và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho hơn 1.000 người là cán bộ chính sách, khối xóm, thôn bản, người lao động trên địa bàn các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quế Phong,…
Tổ chức 07 lớp tập huấn công tác ATVSLĐ cho gần 1.000 người, gồm có 480 lãnh đạo, chuyên viên phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, cán bộ phụ trách lĩnh vực lao động, xã hội các xã, phường, thị trấn của 21 huyện, thành phố, thị xã và hơn 500 người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Liên minh Hợp tác xã chủ trì, phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức 02 lớp tập huấn cho hơn 200 người người sử dụng lao động, người lao động trong các làng nghề, hợp tác xã trên địa bàn thị xã Thái Hòa, huyện Nghi Lộc.
Tổ chức 03 lớp tập huấn pháp luật về lao động, tiền lương, BHXH cho 390 người là cán bộ quản lý nhà nước cấp huyện, người sử dụng lao động, NLĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 01 lớp tập huấn quản lý sử dụng lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam cho 130 cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An Đoàn Hồng Vũ cho biết: "Trong những năm tới, Nghệ An tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách giáo dục nghề nghiệp; sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đủ mạnh, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nâng cao số lượng lao động qua đào tạo nghề. Từng bước giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các đề án đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn với giải quyết việc làm đã được Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt. Đồng thời bảo đảm chương trình đào tạo sát thực tiễn, gắn với nhu cầu thị trường lao động".
"Đặc biệt trong năm 2024, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; thực hiện các chương trình giải quyết việc làm gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 05 năm của địa phương; quan tâm các dự án sử dụng nhiều lao động kỹ thuật; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ. Phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu về giải quyết việc làm. Tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Đề án giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh, năm 2024, giải quyết việc làm cho 47.000 lao động. Tăng cường triển khai thực hiện tốt kết nối cung cầu lao động cung- cầu lao động trong, ngoài tỉnh và thị trường lao động quốc tế" - Giám đốc Đoàn Hồng Vũ nhấn mạnh.