THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:03

Nghệ An: Phát triển nguồn nhân lực để thu hút đầu tư

 

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã thực hiện tốt chủ trương quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 67 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm: 09 trường Cao đẳng, 14 trường Trung cấp, 22 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, 22 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Trong đó, có 03 trường chất lượng cao, 16 trường được Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn đầu tư trường nghề trọng điểm; với 12 lượt nghề cấp độ Quốc tế, 11 lượt nghề cấp độ Khu vực ASEAN, 36 lượt nghề cấp độ Quốc gia. Quy mô tuyển sinh đào tạo 130.000 HS,SV/năm. Cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư; chất lượng đội ngũ giáo viên từng bước được nâng lên, đáp ứng kịp thời nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn và nhu cầu của thị trường sử dụng lao động. Giai đoạn từ năm 2014-2018, bình quân mỗi năm toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho hơn 76.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 52% năm 2014 lên 61% năm 2018;  trong đó, qua đào tạo nghề tăng từ 46% năm 2014 lên 55,5 năm 2018. Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động được quan tâm và có bước đi triển bền vững. Số học sinh, sinh viên trình độ cao đẳng, trung cấp sau tốt nghiệp có việc làm đạt tỷ lệ 93,5%. Công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả; Mỗi năm giải quyết việc làm mới cho hơn 37.000 lao động; trong đó, xuất khẩu lao động hơn 13.000 người, nhất là các thị trường có thu nhập cao và ổn định; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động đúng hướng, giảm tỷ lệ lao động ngành nông, lâm, ngư nghiệp từ 62,8% năm 2014 xuống 51% năm 2018; tăng tỷ lệ lao động ngành công nghiệp, xây dựng từ 13,6% năm 2014 lên 23,8% năm 2018; tăng tỷ lệ lao động ngành dịch vụ từ 23,6% năm 2014 lên 25,2% năm 2018. Tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 2,85% đầu năm 2014 xuống còn 2,3% năm 2018.

Ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở Lao động-TBXH Nghệ An.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực lao động của tỉnh Nghệ An vẫn còn một số vần đề cần quan tâm như: tỷ lệ lao động kỹ thuật còn thấp, thiếu hụt lao động để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Đồng thời, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp, một số cơ sở đào tạo còn đào tạo theo năng lực sẵn có. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa phản ánh khách quan, kịp thời sự biến động của thị trường lao động; chưa đưa ra được các dự báo trung và ngắn hạn về thị trường lao động và tính hiệu quả chưa cao của hoạt động dịch vụ việc làm.

Dự báo dân số, nhu cầu nguồn nhân lực và giải quyết việc làm từ năm 2019 đến năm 2025: Dân số Nghệ An đến năm 2025 đạt khoảng 3.510.000 người, lực lượng lao động xã hội khoảng 2.101.880 người, Nhu cầu nguồn nhân lực để cung cấp các doanh nghiệp, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh 88.200 người, ngoại tỉnh 81.100 người, xuất khẩu lao động 97.700 người.  

Để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm, trước hết là cung cấp cho các doanh nghiệp, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Bắc Vinh, Nam Cấm, Hoàng Mai, Đông Hồi, VSip.. và việc làm  ngoại tỉnh, nước ngoài trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần phải thực hiện tốt các giải pháp sau:

Về phát triển nguồn nhân lực: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá, đa dạng nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp trong đó nguồn ngân sách nhà nước làm định hướng và có sự tham gia của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động; Chuẩn hoá đội ngũ nhà giáo để đáp ứng mục tiêu đào tạo; Tiếp nhận và sử dụng đồng bộ chương trình, giáo trình phù hợp với thị trường lao động cho các nghề trọng điểm cấp độ khu vực và quốc tế. Đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp. Hoàn thiện các chính sách, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài; hợp tác nghiên cứu khoa học; thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hợp tác đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Về giải quyết việc làm: Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển dịch vụ; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trên địa bàn tỉnh; Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trọng điểm như VSIP, WHA Hemaraj, Tập đoàn Hoa Sen, The Vissai, Masan, Vingroup, FLC..., nhất là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động kỹ thuật như: dệt may, sản xuất linh kiện và lắp ráp điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng, chế tạo sản phẩm kim khí, điện máy, ... sớm đi vào hoạt động để giải quyết việc làm cho lao động, hướng về xuất khẩu lao động có trình độ kỹ thuật. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với dịch chuyển lao động đáp ứng nhu cầu chuyển dịc cơ cấu kinh tế theo hương công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập. Hợp tác tốt với tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh để triển khai quy hoạch vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và cả nước để liên kết đào tạo và giải quyết việc làm. Xây dựng hoàn thiện mạng lưới thông tin thị trường lao động nhằm cập nhật, cung cấp kịp thời, chính xác thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động theo nghề, cấp trình độ đào tạo, vị trí việc làm. Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động Sàn giao dịch và các Văn phòng tư vấn giới thiệu việc làm của tỉnh để kết nối thông tin cung - cầu lao động giữa cơ sở đào tạo với cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người lao động. Thực hiện tốt chính sách chế độ bảo hiểm xã hội và khắc phục rủ ro về việc làm và thu nhập của người lao động. 

Trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những yêu cầu mới cho phát triển nguồn nhân lực tương lai. Điều này đòi hỏi Nghệ An cần có những đổi mới để có thể đào tạo ra những người lao động có trình độ năng lực vượt trội, khả năng làm việc với công nghệ thông minh và khả năng ngoại ngữ để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.           

Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động-TBXH Nghệ An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh