Nghệ An: Ô nhiễm nghiêm trọng tại các nhà máy và cơ sở chế biến bột cá
- Dược liệu
- 01:03 - 01/06/2017
Bài 3: Cần có giải pháp
Bài toán khó
Trước việc hầu hêt các cơ sở sản xuất, chế biến bột cá, hải sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. PV đã tìm đến các cơ quan có thẩm quyền để tìm hiểu nguyên nhân cũng như giải pháp xử lý. Tuy nhiên, hầu hết những người có trách nhiệm đều trả lời chưa thật sự rõ ràng và theo như những người này thì có một cái khó trong quá trình xử lý, đó là do có sự phân cấp quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến này; mặt khác một phần cũng có nguyên nhân do chế tài xử lý.
Nhiều cơ sở sản xuất theo quy mô gia đình nên không có vốn lớn để đầu tư hạ tầng xả thải
Theo lãnh đạo Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An, để xẩy ra tình trạng các đơn vị sản xuất, chế biến bột cá gây ô nhiễm là do các chủ cơ sở này còn xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường, hơn nữa hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến này thuộc thẩm quyền quản lý của cấp huyện do Cam kết bảo vệ môi trường của những đơn vị trên đều do cấp huyện phê duyệt, vì vậy Chi cục bảo vệ môi trường cũng như Sở TN&MT nhiều khi không nắm rõ cũng như khó kiểm tra, xử lý.“Hầu hết các đơn vị sản xuất, chế biến bột cá trên địa bàn tỉnh đều làm cam kết bảo vệ môi trường và do cấp huyện phê duyệt nên thuộc thẩm quyền quản lý, xử lý của các huyện. Sở TN&MT mà trực tiếp là Chi cục bảo vệ môi trường chỉ tham gia xử lý hai đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này là Công ty Minh Thái Sơn và Công ty Hải An ở KCN Nam Cấm vì có sự chỉ đạo từ UBND tỉnh.
Theo thông tin tôi nắm được, đến nay riêng Công ty Minh Thái Sơn họ đã hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường khá tốt, nhưng Công ty Hải An dù có động thái đầu tư hệ thống xử lý môi trường nhưng chưa ổn, dù đơn vị này đã bị đình chỉ từ năm 2013 nhưng thời gian gần đây vẫn lén lút hoạt động và tiếp tục gây ô nhiễm” – Ông Hoàng Mạnh Trinh – Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm – Chi cục bảo vệ môi trường Nghệ An, cho biết.
Dù đã bị xử lý nhiều lần, thậm chí đình chỉ hoạt động nhưng Công ty Hải An vẫn lén lút hoạt động và tiếp tục xả thải gây ô nhiễm môi trường
Ông Lê Văn Thuận – Trưởng phòng TN&MT huyện Diễn Châu lại cho rằng: “Vấn đề môi trường của các đơn vị sản xuất, chế biến bột cá đang được huyện rất quan tâm. Riêng Công ty Trung Trinh chúng tôi đình chỉ hoạt động vì xây dựng sai quy hoạch, nằm trong khuôn viên cảng cá Lạch Vạn, lý do là do Sở NN&PTNT cho họ thuê đất từ trước. Đối với Công ty Suri Viêt – Trung thì Sở TN&MT mới kiểm tra và đã có kết luận kiểm tra cũng như hướng khắc phục. Đây là đơn vị làm Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nên thuộc thẩm quyền quản lý và xử lý của cấp tỉnh”(?).
Ông Đậu Đức Năm – Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳnh Lưu, cho biết: “Hiện nay huyện Quỳnh Lưu có 3 cơ sở sản xuất, chế biến bột cá ở các xã Ngọc Sơn, Quỳnh Yên và Quỳnh Minh. Hàng năm huyện cũng có tổ chức kiểm tra, xử lý các đơn vị này. Riêng Cơ sở sản xuất Minh Thường, ở xã Quỳnh Yên chúng tôi đã có kiến nghị với Sở TN&MT để kiểm tra xử lý về tình trạng ô nhiễm môi trường của đơn vị này vào năm 2013”.
Theo ông Năm, cái khó trong xử lý vấn đề môi trường của các cơ sở sản xuất, chế biến bột cá không phải do phân cấp quản lý vì cấp trên cũng có thẩm quyền kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, cái khó lại nằm ở chế tài xử lý mùi phát sinh trong quá trình chế biến cá. “Đúng là các cơ sở sản xuất, chế biến bột cá trên địa bàn huyện đều làm Cam kết bảo vệ môi trường, tức là thuộc thẩm quyền quản lý của cấp huyện. Tuy nhiên, tỉnh cũng có thẩm quyền kiểm tra, xử lý. Cái khó ở đây là nằm ở chế tài xử lý; sở dĩ như vậy là mùi hôi tanh của cá chưa có trong Quy chuẩn môi trường của Việt Nam, không xác định được đó là mùi của loại chất gì và quan trắc của ta cũng chưa đo được”, ông Năm giải thích.
Giải pháp nào
Trước thực trạng gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, chế biến bột cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhiều người có trách nhiệm cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hầu hết các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này đều được xây dựng từ nhiều năm trước, công nghệ khá cũ kỹ, lạc hậu; hơn nữa một nguyên nhân khác có vai trò quyết định, đó là chủ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến bột cá chưa thực sự chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường mà chỉ chú trọng đến lợi nhuận trong quá trình sản xuất, kinh doanh; thậm chí nhiều đơn vị sẵn sàng chấp nhận bị phạt khi vi phạm vấn đề môi trường chứ không chịu đầu tư công nghệ để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường mà đơn vị của mình gây ra.
Công ty Hải An lén lút hoạt động và tiếp tục xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng
Cũng phải thừa nhận thêm một thực tế rằng, chế tài đối với các hành vi gây ô nhiễm của ngành chức năng chưa kịp thời, chưa đủ sức răn đe cũng là một nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa thật sự mặn mà với việc bảo vệ môi trường. Cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường còn thấp kém, hầu hết các huyện chưa quy hoạch được các khu công nghiệp tập trung.
Qua tìm hiểu, hầu hết các cơ sở chế biến thủy sản đều vi phạm quy định về việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, lập đề án và xin giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, thực hiện chương trình giám sát môi trường, công tác nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
Cán bộ PC 49 – Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra đơn vị sản xuất, chế biến bột cá
Để giải quyết bài toán môi trường, cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động, tạo điều kiện để mọi người tiếp cận kiến thức về pháp lý trong lĩnh vực môi trường, các vấn đề liên quan đến tác động môi trường, tạo chuyển biến trong nhận thức về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo môi trường ở những cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản nói chung và bột cá nói riêng.
Ông Bạch Hưng Cử - Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Nghệ An, nói: “Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở các cơ sở sản xuất, chế biến bột cá là bài toán khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý để lập lại trật tự của loại hình hoạt động này, trả lại môi trường lành mạnh cho cộng đồng”.