Gia Lai: Nhiều hộ thoát nghèo nhờ học nghề và XKLĐ
- Tây Y
- 20:10 - 04/09/2017
Từ mô hình hay
Có một mô hình vận động XKLĐ mà Gia Lai đã áp dụng thành công và triển khai sâu rộng là mô hình cộng tác viên XKLĐ và dạy nghề. Mạng lưới này sẽ hoạt động theo tính kết nối từ thôn buôn đến tỉnh. Đặc biệt, hầu hết các cộng tác viên trong mô hình này là các già làng, trưởng bản. Già làng Y Moong ở xã Ia Ka (huyện Chư Păh) cho biết: “Trên thực tế, thanh niên người địa phương, nhất là thanh niên người dân tộc ngại tìm việc làm ở nước ngoài vì thiếu vốn ngoại ngữ cần thiết. Họ cũng ngại đi học nghề và học ngoại ngữ. Chính vì tâm lý như vậy nên việc vận động đi học nghề để XKLĐ những năm trước thật gian nan. Nhưng từ khi có mô hình này thì khác hẳn. Đây là mô hình hay, sau khi các già làng được tập huấn về công tác XKLĐ, về tác dụng của việc học nghề phù hợp sẽ về truyền thụ lại cho người trong buôn như thế sẽ dễn dàng hơn, nhanh hiểu. Hơn nữa, do độ tin cậy của người trong buôn với các già làng khá cao nên các già làng truyền tải chính sách rất hiệu quả”.
Tích cực học nghề để đi XKLĐ
Nhờ tính thiết thực này mà đến này Gia Lai đã tuyển được hơn 300 cộng tác viên dạy nghề và XKLĐ ở khắp các buôn. Một phần nhờ sự tận tình của các cộng tác viên này mà từ năm 2012 đến 2017, bình quân mỗi năm Gia Lai đã đào tạo trên 10.000 lao động nông thôn và đưa được khoảng trên trên 400 lao động đã có nghề đi xuất khẩu mỗi năm. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay tỉnh Gia Lai đã đưa 1735 người đi XKLĐ ở một số nước, như: Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả-rập Xê-út, Đài Loan, Lào và Campuchia, Úc.
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Gia Lai thì mô hình cộng tác viên dạy nghề và XKLĐ là mô hình rất thiết thực nên nhân rộng ra các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Mô hình nếu duy trì và phát triển hiệu quả sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều địa phương.
Đến nhưng thành quả cao
Từ mô hình trên, nhiều người nghèo đã vươn lên làm giàu sau khi được học nghề và đi XKLĐ. Ở xã Ia Ka (huyện Chư Păh) trước đây nhiều người chỉ ước mơ được sống trong nhà xây kiên cố thì giờ đây, đến Ia Ka không ít người phải ngỡ ngàng. Nhiều ngôi nhà ván gỗ lụp sụp, được thay thế bằng những những ngôi nhà mái bằng, nhà ống kiên cố. Trong căn nhà mới xây với đầy đủ tiện nghi, bà Y Nhút vui mừng kể: “Để có được cơ ngơi như vậy, đó là nhờ gia đình tôi có hai đứa con đi học nghề may, nghề hàn sau đó được đưa đi XKLĐ đấy. Năm 2013 với số vốn vay mượn và được sự hỗ trợ của Nhà nước, hai đứa con tôi đi làm việc ở Đà Loan, tiền gửi về đều đều”. Cách gia đình bà Y Nhút không xa, gia đình anh Đinh Y Nông cũng đã có sự đổi khác. Cuộc sống trước đây của hai vợ chồng anh gặp rất nhiều khó khăn. Ra ở riêng với hai bàn tay trắng, phải bươn trải hai héc ta rẫy cũng không đủ sống, cái nghèo vẫn đeo bám. Từ khi đi học nghề xây dựng và đi XKLĐ cuộc sống của vợ chồng anh thay đổi rất nhiều.
Nhiều gia đình đã vươn lên nhờ XKLĐ
Tại xã Ia Chía, Ia Pếch (huyện Ia Grai), nhiều hộ dân nghèo khó cũng đã vươn lên nhờ XKLĐ. Gia đình anh Nguyễn Tỵ, trước đây hai vợ chồng ở căn nhà một gian hai trái. Hằng ngày, vợ chồng anh phải thức khuya dậy sớm tranh thủ lo việc nương rẫy, thế nhưng đang tần tảo sớm tối làm ăn thì không may tai họa ập đến, vợ anh mất do mắc bệnh ung thư, bỏ lại anh và đứa con gái chưa đầy 4 tuổi. Nghèo đói cũng ập xuống, anh quyết định gửi con cho bố mẹ đẻ để cùng nhiều người trong xã đi học nghề tiện sau đó xin đi XKLĐ. Chỉ mới nửa năm sang Đài Loan lao động, anh và nhiều người đi cùng đã gửi về cho người thân 35 triệu đồng để trả nợ nần và sắm sửa đồ đạc. Bên cạnh nhà anh Tỵ, ông Ka Linh, có con là Ka Hưng đi XKLĐ ở thị trường Malaysia từ năm 2015 hồ hởi cho biết: “Cám ơn cái chương trình XKLĐ của Nhà nước, thằng Ka Hưng đi làm nghề gò hàn gần hai năm mà gửi về nhà cho gia đình được gần 70 triệu đồng rồi. Số tiền này sẽ dùng mua bò giống nuôi, chẳng mấy chốc sẽ giàu thôi”.
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Gia Lai thì; Các lao động, nhất là lao động sau khi học nghề khi xuất khẩu sang nước ngoài tác phong làm việc rất tốt. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác học nghề, XKLĐ. Tập trung tuyển chọn lao động có đủ điều kiện, có nhu cầu đi xuất khẩu, đồng thời nêu gương điển hình các cá nhân đã từng tham gia xuất khẩu để khuyến khích tinh thần các lao động ở vùng sâu, vùng sa tích cực tham gia để thay đổi cuộc sống của mình.