Tài nguyên các dòng sông đang bị hủy diệt
- Tây Y
- 14:29 - 06/03/2015
Đánh cá bằng xung điện
Con sông Bàn Thạch hiền hoà nằm bên cạnh trung tâm thành phố và bao đời nay cung cấp một nguồn lợi thủy sản dồi dào, tạo kế sinh nhai cho hàng trăm hộ dân. Nhưng những năm gần đây, dân chài rất bức xúc khi một số đối tượng dùng xung điện để bắt cá khiến cho nguồn lợi thủy sản ngày càng bị cạn kiệt.
Ông Nguyễn Hậu, chuyên đi chài lưới trên con sông này cho biết: “Mấy năm trước, một ngày tôi có thể chài được 10kg cá thì nay, cùng lắm một ngày được 5 kg. Theo tôi nguyên nhân là ngoài các tác động của môi trường, thì việc rất nhiều người dân sử dụng điện để bắt cá đã tiêu diệt “tiệt nòi” các loại cá”.
Có mặt trên sông Bàn Thạch, chúng tôi chứng kiến nhiều ghe thuyền đánh bắt thuỷ sản bằng xung điện ngang nhiên hoạt động giữa ban ngày mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ các ngành chức năng. Các ghe thuyền thường có hai người, trang bị đầy đủ các vật dụng như bình điện, dây điện, máy biến áp, cần vớt cá v.v.
Đánh cá bằng xung điện.
Với hình thức xung điện, họ bắt được cá một cách dễ dàng và nhanh chóng. Chứng kiến cảnh tượng này, chúng tôi không khỏi xót xa và cảm thấy bất công thay cho những ngư dân đang bắt cá bằng các phương tiện thủ công ngoài kia.
Mọi hoạt động đánh bắt thuỷ sản diễn ra công khai, thường xuyên qua nhiều khúc sông Bàn Thạch thuộc địa bàn các xã Tam Thăng, phường Tân Thạnh, phường Phước Hòa, phường Hòa Hương, phường An Phú (TP.Tam Kỳ) nhưng dường như không hề bị phát hiện và xử lý. Điều này làm chúng tôi thật sự cảm thấy khó hiểu !?
Khai thác cát lộng hành...
Một vấn nạn đang gây bức xúc trong dư luận, là việc lộng hành khai thác cát ở thượng nguồn sông Tam Kỳ. Khu vực này (bị đập Phú Ninh chặn dòng) thuộc địa phận thôn Phú Ninh (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ), và nằm cách trung tâm thành phố khoảng 4 km.
Theo phản ánh của ông Đào Đình Vân, ông Lê Ngọc Anh và nhiều người dân khác ở thôn Phú Ninh thì nơi đây không hề yên bình từ nhiều năm nay. Ông Đào Đình Vân nói: “Tình trạng khai thác cát diễn ra từ 2 năm trở lại đây.
UBND xã cho biết đã hợp đồng với một cá nhân cho khai thác cát ở khúc sông này để lấy cát làm đường bê tông nông thôn”. Còn ông Lê Ngọc Anh cho biết: “Từ khi các máy hút của cá nhân mà UBND xã hợp đồng cho hút cát tại đây hoạt động, rất nhiều người dân thấy thế cũng trang bị ghe thuyền và hút cát theo. Có đến hàng chục ghe thuyền ngày đếm tận thu cát trên đoạn sông này”.
Khai thác cát trái phép nhưng chưa bị cơ quan chức năng xử lý.
Chúng tôi đến khu vực thượng nguồn sông Tam Kỳ, rất dễ dàng nhận thấy bãi tập kết cát với nhiều đống cát cao nằm “chình ình” và đang chờ được chuyển đi. Trong khi đó, dưới sông, có đến hàng chục ghe thuyền vô tư hút cát.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Ngọc cho biết, việc khai thác cát ở khu vực thượng nguồn sông Tam Kỳ này đã được UBND TP. Tam Kỳ cho phép từ 2 năm nay để phục vụ chương trình bê tông hóa giao thông và kiên cố hóa kênh mương của xã, với khối lượng cho phép khai thác mỗi năm là 1.440 m3 cát (diện tích mặt là 1.800 m2, độ sâu là 0,8 m), thời gian khai thác phải kết thúc trước ngày 30/9 hằng năm và đơn vị thi công được xã hợp đồng cũng đã dừng thực hiện khai thác đúng thời gian quy định.
Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, đơn vị thi công có thể đã tận thu nhiều hơn mức cho phép nên làm sạt lở một ít đất đai hai bên bờ sông. “Còn việc người dân tự ý khai thác trái phép, chúng tôi có nắm được tình hình, nhưng việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn nên chưa thể xử lý được trường hợp nào.
Thời gian tới, xã sẽ tăng cường ra quân để xử phạt các hộ dân khai thác cát trái phép” - Ông Yên cho biết thêm.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các ngành chức năng của TP. Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam cần vào cuộc để ngăn chặn tình trạng hủy hoại nguồn tài nguyên trên các con sông trên địa bàn Tam Kỳ. Thiên nhiên đang kêu cứu.
Và con người cũng đang hết sức bức xúc. Nhưng sự quản lý và xử phạt của các ngành chức năng và các cấp chính quyền vẫn còn khá lỏng lẻo và chưa đủ sức răn đe.