THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:29

Nghệ An: Nhiều hộ nghèo điêu đứng vì đa cấp

Gọi là căn nhà, nhưng thực tế chỉ là túp lều xiêu vẹo, rộng chưa đến 10m2 được lợp bằng pro xi măng nứt nẻ lỗ chỗ, đó là tài sản lớn nhất của bà Nguyễn Thị Luyến (SN 1952), ở xóm 4, xã Nam Lĩnh (huyện Nam Đàn). Bà Luyến, quê ở Nam Xuân, lấy chồng quê Nam Lĩnh. Sinh được một đứa con trai năm nay 11 tuổi, chồng bà đã qua đời. Một thân, một mình làm ruộng, chạy chợ nuôi con ăn học. Rồi một ngày đầu năm 2014, nghe theo lời phỉnh phờ ngon ngọt của công ty đa cấp, bà vét toàn bộ số tiền tích góp được, vay thêm ngân hàng 50 triệu với lí do vay tiền mua bò theo diện hộ nghèo, vay thêm bà con họ hàng gần 50 triệu để tham gia đường dây bán hàng đa cấp của Công ty cổ phần liên minh tiêu dùng Việt Nam. Cảnh mẹ góa con côi khốn khổ, nay càng khốn đốn hơn khi số tiền gần 100 triệu đồng đóng vào công ty có nguy cơ mất trắng.

Bà Luyến buồn bã cho biết: “Nghe họ nói ngon ngọt mình cũng tin, rằng tham gia một mã 8.450.000 đồng, sau 2 năm thì được 330 triệu trả trong 12 lần. Lần thứ 10 thì được xe máy SH. Nhưng gần 2 năm ni rồi có được nhận chi mô, lâu lâu nhận được năm chục nghìn hoặc một trăm nghìn do có người vô sau. Giừ muốn lấy lại tiền, mà họ có trả mô. Nợ thì bà con, ngân hàng cứ đòi liên tục, giừ nỏ biết mần răng”.Bà Tín là hàng xóm với bà Luyến, cho biết: “Đầu tiên nhiều người cũng định tham gia, nhưng sau họ nghi nên chỉ có khoảng 4 người tham gia. Tội cho bà Luyến thật. Đã không có ăn, giừ đang nợ nần nữa. Đúng là chó cắn áo rách”.

Bà Luyến cho phóng viên xem mấy gói hàng mà bà mua gần 100 triệu đồng.

Hàng trăm nông dân xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn cũng đang đứng ngồi không yên khi lỡ tham gia đóng tiền cho Công ty cổ phần liên minh tiêu dùng Việt Nam từ cuối năm 2014. Cả xã có 10 xóm thì xóm nào cũng có người “dính bẫy” đa cấp của công ty này, thậm chí có người mua trên 50 mã hàng với số tiền lên đến hơn 400 triệu đồng. Theo nhẩm tính của những người đã tham gia, tổng số tiền của các nạn nhân đa cấp ở đây không dưới 6 tỷ đồng.

Đi đến đầu xã, hỏi chuyện đa cấp, ai cũng kể rành rọt như chuyện trong nhà mình. Bà Minh, ở xóm 1 Nam Lộc, cười: “Nhà tui cũng may, ông định bán trâu để theo đa cấp. Tui phản đối không được, phải gọi cả chú, bác, anh em đến mới ngăn được đó, không giừ cũng nợ hàng đống”.

Riêng bà Nguyễn Thị Hiền đã dốc cả số tiền 70 triệu đồng dưỡng già và vay thêm để tham gia 9 gói sản phẩm. Bà Hiền nói: “Tui nghe thằng Thắng người của công ty giới thiệu cho cháu tui rồi cháu tui về nói tham gia để hưởng lợi. Tui nghĩ người trong làng, lại là cháu mình thì đời mô lừa mình, nên tin tưởng tham gia. Dừ thằng Thắng hấn đi mô tui mô biết”.

Toàn bộ số hàng mà người tham gia nhận được chỉ có 4 loại là viên đặt phụ khoa Hoa Thanh Xuân, phân vi sinh, can xi, trà giải độc gan. Các sản phẩm này về chất lượng cũng không ai khẳng định được là thật hay giả.

Ông Nguyễn Cảnh Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Lộc cho biết: “Đại đa số người tham gia đa cấp có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều nhà là hộ nghèo mấy chục năm, không đủ tiền mua một gói mà cũng đi vay cho bằng đủ để mua, rồi bán trâu, bán bò cho có tiền để tham gia, như hộ bà Thao, bà Thảo xóm 10, bà Tịnh xóm 8.... Nó như ma lực, không hiểu được. Xã cũng đã tuyên truyền, cảnh báo nhiều rồi. Hiện tại chúng tôi đang giao cho các xóm, tổ vay vốn ngân hàng chính sách thống kê con số tham gia nhưng nhiều hộ xấu hổ vẫn còn giấu. Hiện tại mới thống kê thì gần 30 hộ”.

Những nhân viên Công ty cổ phần liên minh tiêu dùng Việt Nam đã đi khắp nơi, buông lời rao giảng về kinh doanh đa cấp đầy hứa hẹn, khiến ai khi tham gia đều mơ đến số tiền khủng, tài sản giá trị để đổi đời. Nhưng rồi, tiền tri ân thì nhỏ giọt, xe máy xịn, ô tô tiền tỷ đâu chưa thấy nhưng giờ thì ăn không có, nợ nần chồng chất, vợ chồng, cha con chửi nhau, thậm chí vợ chồng bỏ nhau.

Quanh năm lam lũ, chắt bóp từng đồng nên thật đáng thương khi những người nông dân vì tin lời mà dốc cả gia sản, thậm chí vay mượn để tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp của Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam. Khi những người nông dân nhận ra sai lầm thì tất cả đã muộn.

Ông Nguyễn Văn Quý, ở xóm 4, xã Nam Lộc kể: “Có tiền tôi cũng không bao giờ tham gia đa cấp nữa. Đáng ra hơn 25 triệu đồng tôi dành để mua một con bò, sau 2 năm tôi đã có thể có 50 triệu rồi. Giừ tôi không tin công ty đó nữa”.

Ông Đinh Xuân Quế, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: “Huyện đã tuyên truyền nhiều rồi. Đa cấp về đây là chúng tôi chưa bao giờ đồng ý, nhưng nó cứ ngấm ngầm dưới dân, khó phát hiện được. Kể cả các hội chợ, sắp tới chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn”.Chánh thanh tra Sở Công Thương Nghệ An Nguyễn Trọng Lương, thì cho rằng: “Năm 2015 theo báo cáo của họ là có 1564 người tham gia. Nhưng chúng tôi nghĩ là hơn. Chúng tôi cũng đã kiểm tra và lập biên bản xử phạt Công ty cổ phần liên minh tiêu dùng Việt Nam này rồi nhưng là lỗi không báo cáo định kỳ và trả hoa hồng cho người chưa có thẻ. Hiện tại thì chúng tôi đang kiểm tra và làm báo cáo để báo cáo cấp cao hơn có biện pháp xử lí”.

Ông Hà Ngọc Lan, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Nam Đàn khẳng định: “Hiện tại đã nắm được hai xã là Nam Lĩnh và Nam Lộc, khoảng hơn 50 người tham gia. Chúng tôi đang tiếp tục thống kê. Đây rõ ràng là lừa đảo vì kể cả số hàng đó là thật thì số tiền cũng không thể cao như thế được. Cũng khó cho chúng tôi vì thỉnh thoảng Sở Công Thương vẫn có giấy giới thiệu cho các công ty đa cấp về các xã tổ chức hội thảo này nọ...”

HOÀNG TÙNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh