THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:27

Nghệ An: Huy động tổng lực giảm nghèo bền vững

 

Nghệ An hiện 03 huyện nghèo được hưởng chính sách đầu tư theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và huyện Quỳ Châu là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được hưởng cơ chế đầu tư theo Quyết định số 293 (nay là Quyết định 275) của Thủ tướng Chính phủ. Toàn tỉnh, có 99 xã đặc biệt khó khăn và 184 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi thuộc diện đầu tư của Chương trình 135; 12 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển.

Năm 2018, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến đến cơ sở; sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là đã tạo được sức lan tỏa, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Nhiều vườn chanh leo ở miền Tây Nghệ An, giúp dân giảm nghèo nhanh và bền vững.

UBND các cấp, các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện khá nghiêm túc, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện ngày càng tốt hơn về nguồn lực để hỗ trợ cho các huyện nghèo vươn lên thoát nghèo.

Kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh đã góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 5,54%.

Từ kết quả đạt được, Nghệ An đang tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, huy động các nguồn lực để giảm nghèo nhanh và bền vững, trọng tâm là các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Đầu năm 2018, Nghệ An còn 65.435  hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,54%. Theo đánh giá của sở Lao động-thương binh và xã hội Nghệ An, công tác giảm nghèo trên địa bàn Nghệ An thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bền vững, nguy cơ nghèo và tái nghèo còn cao. Cùng với đó, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm chưa ổn định; một số hộ nghèo chưa chí thú làm ăn, còn trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà nước và cộng đồng…

Bảo tồn giống lúa thơm ở Kỳ Sơn(Nghệ An), một hướng thoát nghèo bền vững

Năm 2018 tổng nguồn lực Nghệ An huy động thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn đạt: 3.400.243 000 000 đồng.

Trong đó ngân sách Trung ương đầu tư theo mục tiêu Chương trình giảm nghèo là 3.285.743 triệu đồng, bao gồm: Chương trình 30a, Hỗ trợ đầu tư các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu và các thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng miền núi; mô hình giảm nghèo; hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế người nghèo, người cận nghèo; vốn vay tín dụng ưu đãi Ngân hàng chính sách xã hội. 

Ngân sách địa phương đầu tư hỗ trợ theo Quyết định số 56 của UBND tỉnh là 10.000,0 triệu đồng. Xã hội hóa huy động các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp hỗ trợ khoảng 104.500 triệu đồng.

Theo đó, Nghệ An đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 1,5 - 2%, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3%; hộ cận nghèo giảm từ 1 - 2%. Đồng thời, đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được thụ hưởng đầy đủ chính sách giảm nghèo, trợ giúp xã hội và các chính sách xã hội khác.

Cán bộ kỹ thuật hỗ trợ nông dân kỹ thuật trồng chanh leo ở Quế Phong(Nghệ An)

Để đạt mục tiêu trên, Nghệ An, huy động các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương, ngân sách tỉnh, tranh thủ nguồn vốn của các dự án trên địa bàn, nguồn vận động… để phục vụ cho công tác giảm nghèo bền vững.

Cùng với nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và cộng đồng về chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và giảm nghèo; thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo…là các giải pháp nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo, vận động xã hội hoá hỗ trợ giảm nghèo, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Nghệ An đã xác định phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và nhà nước, xác định đối tượng ưu tiên, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, nâng cao nhận thức cho người nghèo, phát huy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo, xoá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Các địa phương hỗ trợ người dân nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo có hiệu quả về giảm nghèo; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác giảm nghèo, cá nhân vượt khó vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh những kết quả đạt được còn có nhiều hạn chế như phần lớn hộ nghèo lại đông con, thiếu vốn sản xuất và kinh doanh, thiếu việc làm, lười lao động, thời gian nhàn rỗi còn nhiều; trong gia đình có người mắc các tệ nạn xã hội như nghiện ma tuý, nghiện rượu, cờ bạc, mại dâm,….Tình trạng du canh du cư, di cư tự do trái phép của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, công tác tái định cư di dời dân một số dự án đầu tư thủy điện chưa đảm bảo làm hạn chế kết quả thực hiện chính sách của nhà nước và mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn.

Nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, huyện còn hạn chế, chủ yếu là ngân sách Trung ương. Một số chính sách hỗ trợ trực tiếp (như hỗ trợ tiền, gạo,…) không khuyến khích được sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, tạo ra tư tưởng ỷ lại, trông chờ.

 Cấp ủy, chính quyền một số địa phương trong thời gian qua chưa dành sự quan tâm chỉ đạo đúng mức đối với công tác xóa đói giảm nghèo. Một số địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm nghèo gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, chưa xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của địa phương.

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh