Nghệ An: Nhiều giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động
- Bài thuốc hay
- 22:14 - 08/07/2018
Trong những năm qua, Nghệ An liên tục có những chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai công tác huấn luyện an toàn lao động và thực hiện chủ trương xã hội hóa, phát huy các nguồn lực đầu tư cho hoạt động ATVSLĐ. Năm 2017, công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn về công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ được các cấp, các sở, ngành, các đơn vị sản xuất kinh doanh đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng: Xây dựng và phát sóng hơn 650 tin, bài, phóng sự trên sóng phát thanh, truyền hình và trên các website; phát hành hơn 28.000 tờ rơi, pano, apphích, băng rôn khẩu hiệu; tập huấn cho hơn 15.000 lượt người.
Công tác huấn luyện ATVSLĐ tiếp tục được quan tâm đổi mới về nội dung và phương pháp huấn luyện để phù hợp với từng ngành nghề, công việc. Sở Lao động-Thương binh & xã hội Nghệ An, đã phối hợp với các sở Xây Dựng, sở Công Thương, Cảnh sát PCCC tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, sở Thông tin và truyền thông, hội Nông Dân, Liên minh hợp tác xã, Trung tâm y tế dự phòng, Ban quản lí Khu kinh tế Đông Nam và các huyện, thành, thị, thực hiện công tác huấn luyện, điều tra, tuyên truyền về công tác ATVSLĐ.
Nhiều giải pháp được áp dụng để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động
Các địa phương, đơn vị cũng tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các doanh nghiệp trên địa bàn; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; tổ chức lớp huấn luyện… góp phần không nhỏ vào việc nâng cao ý thức về ATVSLĐ của các đơn vị, tổ chức trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra đã tập trung vào các doanh nghiệp, cơ sở có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ; tăng cường hình thức thanh, kiểm tra đột xuất, kiên quyết đình chỉ, tạm dừng sản xuất đối với các máy móc, thiết bị, vị trí không đảm bảo điều kiện an toàn đồng thời xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm về pháp luật lao động. Sau các đợt thanh tra, kiểm tra đều tiến hành tổng hợp, đánh giá, chấn chỉnh, nhắc nhở các cơ sở có cùng lĩnh vực để rút kinh nghiệm. Năm 2017, Cảnh sát PCCC tỉnh phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tiến hành kiểm tra PCCC tại 6.949 lượt cơ sở, phương tiện, lập 697 biên bản vi phạm hành chính, xử phạt, nộp Ngân sách Nhà nước 934.450.000 đồng, ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với 02 cơ sở vi phạm nghiêm trọng quy định về PCCC; yêu cầu các cơ sở kịp thời khắc phục những thiếu sót trong công tác đảm bảo an toàn PCCC.
Sở LĐ – TB&XH chủ trì, phối hợp tiến hành 13 cuộc thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện các quy định về pháp luật ATVSLĐ tại 113 doanh nghiệp, đã kịp thời xử lý các trường hợp sai phạm, lập biên bản và xử phạt hành chính 542 triệu đồng/34 đơn vị.
Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị, kết hợp cải tiến công nghệ, tăng năng suất, hiệu quả lao động với bảo đảm ATVSLĐ, trang bị phương tiện bảo hộ cho người lao động. Tuy nhiên, do một số người lao động trình độ văn hóa, tay nghề bậc thợ chưa cao, chưa có tác phong công nghiệp và cũng chưa hiểu biết đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, có hại cần đề phòng trong sản xuất nên ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ chưa cao. Theo thống kê, báo cáo từ các đơn vị, doanh nghiệp, năm 2017 trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 29 vụ tai nạn lao động làm 29 người bị nạn, trong đó có 09 người chết/09 vụ, 20 người bị thương nặng/20 vụ.
Công tác điều tra TNLĐ nghiêm trọng (chết người, làm bị thương nặng từ 02 người trở lên) đã có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong đoàn điều tra TNLĐ của tỉnh (Sở LĐ-TBXH, Sở Y Tế, LĐLĐ tỉnh), giữa Đoàn điều tra TNLĐ tỉnh với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an, Viện kiểm sát nhân dân các địa phương.
Điều này cho thấy cần đề cao trách nhiệm của chủ sử dụng lao động và người lao động trong nỗ lực chung tay đảm bảo ATVSLĐ. Từ đó, đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động cao trong việc đảm bảo an toàn sản xuất, bảo vệ tính mạng của chính doanh nghiệp cũng như người lao động.