Nghệ An: Một gia đình kiệt quệ vì bệnh tật
- Dược liệu
- 21:05 - 27/04/2018
Chị Lê Thị Hợi trong căn nhà rách nát của mình.
Đến nhà chị Hợi, đập vào mắt chúng tôi là ngôi nhà cấp 4 xập xệ, thấp lè tè. “Chui” vào nhà, cảm giác trống trải hiện rõ khi cánh cửa chính bung ra khỏi chốt, nhiều vết nứt chạy dài trên tường. Để tránh gió rét, chủ nhân ngôi nhà đã phải dùng các tấm ni lông hỏng che thay cánh cửa, “nút” các kẽ hở. Phía trên, những viên ngói như sắp tuột xuống, ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào nhà. Chị Hợi bảo, mùa hè còn ở được trong nhà, chứ mùa mưa dột khắp nơi đêm không ngủ được, còn mùa bão thì cả nhà phải đi ở nhờ nhà bà con. Mặc dù biết nhà đã quá xuống cấp nhưng gia đình chị Hợi không có tiền làm mới. Trước tình cảnh này, cách đây 5 năm người thân của chị Hợi đã giúp mua tấm lợp Fibro xi măng về dựng mái trước sân nhà, để khi trời mưa có nơi trú tránh.
Ông Nguyễn Công Ninh – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Phúc Thọ cho biết: “Cả xã chúng tôi chỉ còn lại ngôi nhà xập xệ thế này. Gia đình chị Hợi là hộ nghèo của xã nhưng là hộ nghèo đặc biệt. Nhà thì hư hỏng, người thì bệnh tật”.
Mặc dù bệnh tật nhưng chị Hợi vẫn tranh thủ làm việc phụ chồng, con.
Gia đình chị Hợi có 4 người, vợ chồng và 2 con, thì có 3 người bị bệnh. Chị Hợi và 2 con bị viêm gan B đã lâu. Tháng 7/2017, chị Hợi phát hiện bị ung thư vú. Trong khi đang điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội thì chị lại bị phát hiện thêm ung thư phổi. Mỗi chuyến ra Hà Nội tiêu tốn trên 10 triệu đồng. Sau 3 chuyến thì gia đình chị không thể “trụ” được nữa, xin chuyển về Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An. Từ đó đến nay chị đã phải đi truyền hóa chất thêm 8 lần, mỗi lần từ 5-7 triệu đồng. Vì chị Hợi còn bị thiếu máu nên mỗi lần truyền và điều trị kéo dài từ 15-20 ngày. Con gái lớn làm công nhân trong TPHCM, lấy chồng tận Sóc Trăng không thể thường xuyên về chăm mẹ. Vì thế, cậu con trai học xong lớp 12 phải bỏ luôn ước mơ học lên cao để ở nhà chăm mẹ. Anh Nguyễn Bá Hà, chồng chị làm thợ xây nhưng không thường xuyên có việc, nên mỗi tháng chỉ được 3-4 triệu đồng. Khi chưa bị bệnh, ngoài 4 sào lúa chị Hợi còn bán thêm rau dưa ở chợ, nhưng từ khi bị bệnh mọi nguồn sống đều trông cả vào chồng.
Ngôi nhà rách nát nhưng không thể có tiền sửa chữa
Chị Hợi tâm sự: “Nói thật là bây giờ tôi bị bênh nan y rồi thì coi như chết lúc mô không biết. Chỉ thương con, thương chồng, nhất là thằng cu con. Nó không được đi học đã đành, nhưng đến cái nhà chui vô chui ra cũng không nên hồn. Sợ rồi nhìn cái nhà, nhìn hoàn cảnh của tôi không có đứa con gái mô dám lấy nó. Tôi chỉ ước sửa lại được cái nhà cho nó rồi sau đó có mệnh hệ chi cũng an lòng”.
Mọi giúp đỡ xin gửi về Báo Lao động và xã hội, báo điện tử Dân Sinh, số 3, ngõ 7,đường Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hoặc: Chị Lê Thị Hợi, xóm 15, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.