Nghệ An: Địa phương buông lỏng khai thác tài nguyên cát, sỏi?
- Pháp luật
- 18:33 - 18/09/2015
Từ TP Vinh, ngược theo đường đê tả Lam, đoạn sông các xã Hưng Long, Hưng Xá (huyện Hưng Nguyên) chỉ vài km, luôn có 5-6 xà lan công suất lớn ngày đêm hút cát khiến nhiều diện tích hoa màu của người dân xã Hưng Xá đã bị "hà bá" nuốt chửng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phận, Chủ tịch UBND xã Hưng Xuân, phân bua: “Các bến này được UBND xã cho thuê đất từ hàng chục năm nay. Dù biết ảnh hưởng đến hành lang an toàn giao thông đường sắt Yên Xuân, nhưng vì đã lỡ ký hợp đồng cho thuê đất(???), nên phải chờ đến khi hợp đồng đáo hạn, chúng tôi mới có thể xử lý”.
Theo quan sát của chúng tôi, ngay chân cầu đường sắt Yên Xuân (km 331+111, tuyến đường sắt Bắc-Nam) tình trạng sạt lở đang đe dọa mất an toàn chạy tàu. Năm 2014, dãy bờ kè bằng bê tông, rọ đá ở đây nứt toác, đổ sập xuống sông, cách mặt đường sắt tàu chạy không xa.
Bên chân cầu đường sắt Yên Xuân, việc khai thác, tập kết cát sỏi vẫn ngang nhiên hoạt động.
Trước thực trạng đó, Sở GTVT Nghệ An đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và báo cáo trực tiếp với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, kiến nghị khẩn trương có dự án xây kè kiên cố để trả lại nguyên trạng bờ sông, đảm bảo an toàn chạy tàu cung đường sắt này. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng cầu đường sắt Yên Xuân và giao UBND tỉnh Nghệ An thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
Tuy nhiên, hiện tại việc khai thác cát sỏi, và hàng loạt bãi tập kết cát vẫn mọc lên san sát, mỗi ngày có cả trăm lượt tàu khai thác cát cỡ lớn cập bến cung cấp cho những điểm tập kết này. Hệ thống kè bảo vệ ven cầu Yên Xuân vừa được gia cố, nâng cấp hàng chục tỷ đồng nhưng trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng diễn ra từng ngày, không chỉ người dân mà ngành đường sắt cũng bức xúc.
Ông Nguyễn Thế Thông, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lí đường sắt Nghệ Tĩnh, chán nản: “Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với địa phương, phản ánh về việc hành lang cầu, tàu thuyền neo đậu hút cát dưới cầu gây mất an toàn đường sắt nhưng không được giải quyết”.Theo người dân xã Hưng Xuân phản ánh, tại khu vực chân cầu đường sắt Yên Xuân hiện có 4 bãi tập kết cát. Bên phải gồm 2 bãi của doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Văn Quý (SN 1964) trú tại xóm 9, xã Hưng Xuân làm chủ và doanh nghiệp Lê Thị Hưng (SN 1984); phía trái cũng gồm 2 bãi của doanh nghiệp Nguyễn Văn Cường (SN 1947) và Trần Văn Hợi (SN 1974), cùng trú tại xã Hưng Xuân làm chủ.
Nghe chúng tôi phản ánh, ông Trần Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên đưa ra cam kết ngắn gọn: “Huyện đang tập trung xử lí tình trạng khai thác thổ phỉ, còn bãi tập kết cát sỏi, sắp tới chúng tôi cũng sẽ xử lí triệt để”. Trong khi đó, theo tiết lộ của ông Chủ tịch xã Hưng Xuân: “Một trong bốn điểm trái phép nói trên do vợ một cảnh sát giao thông công an huyện Hưng Nguyên làm chủ, bãi này hoạt động từ năm 2001 đến nay”.
Được biết, trên địa bàn huyện Hưng Nguyên hiện có 18 bãi tập kết cát sỏi, nhưng có đến 13 điểm là hoạt động không phép. Đáng chú ý, việc khai thác cát sỏi trái phép không chỉ diễn ra ở các huyện trên, mà còn xuất hiện ở nhiều huyện thị có tuyến sông chảy qua. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cần vào cuộc xử lý triệt để, không để dây dưa kéo dài.