THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:18

Nghệ An đào tạo nghề cho hơn 360.400 lao động

Tại Nghệ An, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được củng cố theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô, mở thêm ngành nghề mới mà xã hội cần nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường sử dụng lao động. Tham mưu UBND tỉnh giải thể Trường trung cấp nghề Công nghệ và Truyền thông; sáp nhập các Trung tâm Dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện. Nâng cấp trường Trung cấp Việt Anh lên thành Trường Cao đẳng.

Nghệ An: Đào tạo nghề cho hơn 360.400 lao động - Ảnh 1.

Tư vấn học nghề cho lao động tại TTDVVL Nghệ An

Đến nay, toàn tỉnh có 67 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 09 trường Cao đẳng, 14 trường Trung cấp, 22 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 22 cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 03 trường được Chính phủ lựa chọn đầu tư xây dựng trường chất lượng cao, 16 trường được Bộ Lao động - TB và XH lựa chọn đầu tư ngành nghề trọng điểm theo các cấp độ, với: 13 nghề cấp độ Quốc tế, 11 nghề cấp độ khu vực ASEAN, 36 nghề cấp độ Quốc gia.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề không ngừng được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, tập trung, khắc phục dần tình trạng đầu tư dàn trải. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý từng bước được chuẩn hóa. Quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo bước đầu đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Ước giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh tổ chức tuyển sinh đào tạo cho 360.466 người; gồm: Cao đẳng 24.984 người, Trung cấp 43.855 người, Sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 291.627 lượt người; đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 52 % đầu năm 2015 lên 65% năm 2020 (tăng 13%).

Chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên; tỷ lệ học sinh Cao đẳng, Trung cấp tốt nghiệp đạt trên 95% (khá giỏi chiếm 31%); qua các kỳ thi tay nghề cấp Quốc gia và Khu vực ASEAN, học sinh học nghề của tỉnh đều đạt giải cao. Một số ngành nghề bước đầu đã đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động trong và ngoài nước như: cơ khí, công nghệ ô tô, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng, kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, điện công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, v.v.

Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm, thu nhập ổn định đạt gần 78,6% (học sinh học cao đẳng, trung cấp đạt trên 93%). Và chủ yếu làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế; các doanh nghiệp trong và ngoài nước với mức lương khởi điểm bình quân từ 5,5 - 6 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nghề sau khi tốt nghiệp 100% lao động đều có việc làm thu nhập cao, từ 12-15 triệu đồng/tháng như : Hàn, cơ khí, điện, điện tử, quản trị khách sạn, công nghệ ô tô, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị nhà hàng,..

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh