THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:51

Nghệ An: Dân xâm canh hàng trăm ha rừng phòng hộ và đặc dụng

 

Đoàn liên ngành đi kiểm tra để xử lí

Xâm canh do thiếu đất sản xuất

Năm 2005, nước bạn Lào trao trả cho Việt Nam 113 hộ đồng bào người Mông di cư trái pháp luật. Các hộ được trao trả từ Lào về, không có đất sản xuất vì trước khi đi, bà con đã bán đất, bán ruộng hết, nên khi trở về trắng tay. Các hộ chủ yếu tại sáu bản Huồi Mới I, II, Huồi Xái I,II, Mường Lống và Nậm Tột. Để kiếm kế sinh nhai, các hộ này đã đi xâm canh xâm cư trái phép sang đất thuộc rừng phòng hộ và đặc dụng. 

Và Lỳ Pó, đã vượt biên sang Lào năm 2002, đến năm 2009 thì cả gia đình được trao trả về Việt Nam. Không có cái ăn, Và Lỳ Pò, sang Nậm Giải đốt rừng làm rẫy.

Khi được hỏi, có biết đốt rừng làm rẫy là phạm pháp không, Và Lỳ Pó, cười: “Không có ăn thì phải làm thôi, không biết chi mô”.

Ở bốn bản vùng trong, hầu hết các hộ dân đều xâm canh rừng phòng hộ và đặc dụng. Các gia đình xâm canh nhiều chủ yếu là những gia đình được trao trả từ Lào về do di cư trái phép về thiếu đất sản xuất. Nhiều hộ khác có đất sản xuất vẫn xâm canh.

Theo thống kê từ ban quản lí Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Tình trạng xâm canh đất rừng phòng hộ, đặc dụng diễn ra ở các tiểu khu 93, 96 (đất rừng đặc dụng), TK: 97, 104 (đất rừng phòng hộ) thuộc địa giới hành chính xã Nậm Giải.

Tổng số hộ xâm canh trái phép: 43 hộ đồng bào dân tộc Mông thuộc bản Mường Lống, Huồi Xái I, Huồi Xái II xã Tri Lễ. Trong đó có 16 hộ hộ xâm canh từ trên 10 năm, một số hộ làm nhà sàn kiên cố đưa gia đình, vợ con cùng sinh sống để chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà và làm nương rẫy. Còn lại các hộ mới xâm canh từ 3 đến 4 năm chủ yếu làm lán tạm, kho thóc và nương rẫy.

Có 43 lán trại, 42 kho thóc và chuồng nhốt gia súc dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng, đó là: Tại khoảnh 1, 3, 8 thuộc tiểu khu 104 (đất rừng phòng hộ) xã nậm Giải có 17 hộ xâm canh (03 hộ Huồi Xái 2 + 13 hộ Mường Lống). Khoảnh 1, 5 TK 97 có 02 hộ xâm canh. Tại các khoảnh 16, 17, 19, 21, tiểu khu 96 (đất rừng đặc dụng) có 24 hộ dân Huồi Xái 1, Huồi xái 2 xâm canh.

Những rẫy lúa được mọc lên sau khi rừng phòng hộ và đặc dụng tại địa bàn xã Nậm Giải bị người dân chặt đốt xâm canh.

 

Không thiếu đất sản xuất vẫn xâm canh

Từ năm 2013 đến nay, chính quyền địa phương từ huyện, xã chủ rừng và các lực lượng chức năng vẫn thường xuyên tuyên truyền tại thôn bản, kiểm tra đẩy đuổi tại hiện trường nhưng vì khu vực này giáp biên giới, đường sá đi lại khó khăn, tại hiện trường nếu thấy lực lượng chức năng thì các hộ bỏ trốn để lại chòi lán, các kho lúa và gia súc, cộng với ngôn ngữ bất đồng và đây là đối tượng đồng bào dân tộc Mông ở giáp biên, đa số các hộ mới bị nước bạn Lào trả về Việt Nam năm 2005 do vượt biên xâm cư trái phép, là vấn đề nhạy cảm nên rất khó xử lý.

Ông Đàm Thiên Thương, Phó bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ, cho biết: “Bốn bản phía trong gồm Huồi Xái I,II, Mường Lống và Nậm Tột, hiện tại có 135,8 ha ruộng lúa nước. Ngoài ra còn có đất màu trồng ngô, sắn, dưa nải, khoai sọ, đào Mông, đất sản xuất có thiếu đâu. Nhưng do thói quen du cánh du cư nên cứ phát, đốt làm rẫy một khu vực được 2-3 năm, đất hết màu mỡ họ lại chuyển sang phát đốt nơi khác. Rất khó khăn”.

Thò Thông Lỳ, Bì thư chi bộ bản Mường Lống, cũng là người xâm canh rừng phòng hộ và đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, thuộc địa giới hành chính xã Nậm Giải, nói: “Ta không có đất thì ta sang bên nớ ta nuôi dê, bò thôi. Dừ định đuổi ta đi thì không được”.

Ông Nguyễn Danh Hùng, Giám đốc Ban quản lí khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, cho biết: “Riêng xã Tri Lễ thì không thể thiếu đất được. Diện tích xã là rất lớn, nhưng do thói quen của đồng bào thôi. Chúng tôi đang đề nghị các cấp chính quyền, có giải pháp để xử lí dứt điểm tình trạng này, chứ để lâu đất rừng phòng hộ và đặc dụng bị xâm lấn thì rừng sẽ bị chặt phá nghiêm trọng”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lang Văn Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết: “Hiện tại theo thống kê có khoảng 325 ha rừng phòng hộ và đặc dụng bị xâm canh. Cái khó là có nhiều hộ đã làm rẫy sản xuất gần 20 năm nay ở đó rồi. Nhiều hộ ở Mương Lống thì không thiếu đất, nhưng họ xâm canh để chăn nuôi. Tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo. Chúng tôi cũng đã giao các xã phối hợp với chủ rừng để giải quyết dứt điểm tình trạng này”.

Nhiều diện tích bị xâm canh hàng chục năm nay

Cần có giải pháp dứt điểm

Từ trung tâm thị tứ Châu Thôn vào đến bốn bản vùng trong có khoảng 15 km, nhưng chúng tôi đã mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới vào được đến bản Huồi Mới I. Đường sá vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Đường lúc lên đèo cao ngất ngưởng, lúc lại xuống dốc sâu thăm thẳm. Trên đường có nhiều chiếc cầu tạm do người dân tự làm hết sức mong manh.

Điều đặc biệt là lúc chúng tôi đi trời nắng ráo nên khá thuận lợi, nhưng khi quay trở ra gặp trời mưa chúng tôi mới thấy hết sự khó khăn và nguy hiểm của con đường vào bốn bản người Mông này. Một người dân bị ngã xe trên đường, cho biết: “Riêng dốc Đỏ này, khi trời mưa chưa có ai đi qua đây không bị bổ (ngã) xe”.

Những lán tạm được người dân dựng lên để trú ẩn và chứa thóc và hoa màu trên diện tích rừng bị xâm canh.

Do đường sá xa xôi, nguy hiểm nên bốn bản này dường như cách biệt với thế giới bên ngoài. Người dân ít khi ra trung tâm thị tứ Châu Thôn. Còn bên ngoài không ai dám hoặc đủ khả năng để chở hàng vào buôn bán. Đây có lẽ cũng là lí do hạn chế việc tuyên truyền và ngăn chặn nên đây luôn là điểm nóng về xâm canh và tái trồng cây thuốc phiện.

Một cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, cho biết: “chủ rừng và chính quyền địa phương đã tuyên truyền khá nhiều. Đoàn liên ngành đã tuyên tuyền thông báo đến 3 lần trước đó, nhưng các hộ vẫn cố tình vi phạm không tháo giỡ, đồng thời một số đối tượng có hành vi kích động dân bản Mường Lống dùng gậy, dao nhọn dọa đánh đoàn liên ngành, và đặc biệt còn dùng súng kíp bắn 2 phát đe dọa”.

Ông Lang Văn Minh, cho biết thêm: “Huyện đã chỉ đạo các xã kiểm tra và phân loại đối tượng để xử lí. Cho bà con thời gian đến cuối năm nay để thu hoạch hết lúa và hoa màu. Sau đó sẽ có chính sách hỗ trợ bà con về đất nhà ở và đất sản xuất theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ. Và cuối cùng là chủ rừng trồng lại rừng để chăm sóc và phát triển”.

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh