THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:37

Lấn chiếm đất lâm trường ở Bắc Cạn

Trong hai năm 2012 và 2013, trước tình trạng nhân dân ở các xã Đôn Phong, Dương Phong và Quang Thuận thuộc huyện Bạch Thông, canh tác trên đất lâm trường, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp (Công ty Lâm nghiệp) Bắc Cạn đã “cắt” cho nhân dân ba xã này 247 ha đất lâm nghiệp.
Thời gian gần đây, cùng với lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Bắc Cạn đến xã Quang Thuận, chúng tôi thấy, tình trạng nhân dân địa phương trồng cây ăn quả trên đất lâm trường vẫn tiếp tục diễn ra.
Quyền Tổng Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bắc Cạn Nguyễn Hải Đăng cho biết: “Đất lâm trường của chúng tôi quản lý có rừng, nhân dân địa phương phát phá những chòm nhỏ chừng gần một m2, nhưng dày đặc những chòm như vậy để trồng cây ăn quả. Từ xa không phát hiện được, đến gần thấy nhân dân đã trồng toàn cây ăn quả cao 70- 80 cm. Nếu phá cây ăn quả của dân sẽ xảy ra mâu thuẫn”.
Ông Đăng cũng thừa nhận, các lâm trường phối hợp với chính quyền nhiều xã còn hạn chế, bản thân một số lâm trường quản lý đất lâm nghiệp chưa thật sự hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ, công nhân lâm trường mỏng, trình độ hạn chế.
Sau khi sắp xếp lại, các lâm trường trên địa bàn tỉnh trực thuộc Công ty Lâm nghiệp Bắc Cạn, đang quản lý hơn 14 nghìn ha, trong đó có hơn bảy nghìn ha rừng tự nhiên, ba nghìn ha rừng phòng hộ và bốn nghìn ha đất rừng sản xuất. Tình trạng lấn chiếm đất lâm trường thời gia qua diễn ra trên đất rừng tự nhiên và đất rừng sản xuất.
Công ty Lâm nghiệp Bắc Cạn được giao quản lý, bảo vệ hơn mười nghìn ha rừng tự nhiên. Đây là nguồn dự trữ gỗ cho quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái nên không thể chuyển đổi và cũng không thể giao cho dân quản lý, bảo vệ. Sau khi giao trả cho địa phương gần mười nghìn ha đất rừng sản xuất, hiện tại, Công ty Lâm nghiệp Bắc Cạn với hơn 140 cán bộ, công nhân đang quản lý, kinh doanh bốn nghìn ha đất rừng sản xuất là không nhiều và phù hợp với khả năng.
Với bốn nghìn ha đất rừng sản xuất, mỗi năm, Công ty Lâm nghiệp Bắc Cạn trồng từ 500 đến 600 ha rừng, chu kỳ 8-9 năm khai thác, sau đó lại trồng rừng nên hiện nay không có đất trống, đồi trọc. Một trong những nguyên nhân mà nhân dân các địa phương lấn chiếm đất rừng sản xuất, rừng tự nhiên do các lâm trường quản lý là do chưa được cắm mốc, phân chia danh giới rõ ràng giữa đất lâm trường và đất của nhân dân.
Công ty Lâm nghiệp Bắc Cạn đã lập dự án thiết kế kỹ thuật, dự toán rà soát, cắm mốc danh giới đất quốc doanh và đã thống kê, đo, vẽ, trích lục bản đồ địa chính và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với 96% diện tích đất được giao quản lý. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, UBND tỉnh Bắc Cạn lại giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện dự án này. Thay đổi đơn vị thực hiện và thiếu kinh phí, nên chưa biết đến bao giờ, việc cắm mốc danh giới đất lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh mới hoàn thành.
Khi nào Công ty Lâm nghiệp Bắc Cạn chưa làm tốt việc phối hợp với chính quyền các xã trong việc quản lý đất quốc doanh, chưa hoàn thành việc cắm mốc danh giới đất lâm trường, tình trạng lấn chiếm đất lâm trường sẽ còn diễn ra, ngày càng phức tạp, thậm chí xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn giữa các lâm trường với người dân địa phương.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh