CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:57

Có một thương binh như thế

 

Thương binh Trần Văn Bình, đang tâm sự với phóng viên.

Kết thúc chiến tranh, anh trở về quê hương, cơ thể không còn trọn vẹn. Một phần cơ thể anh đã nằm lại chiến trường cho độc lập tự do của đất nước. Nhưng bản lĩnh của anh bộ đội cụ Hồ đã thôi thúc anh vùng dậy, trở thành doanh nhân thành đạt.

Với tỉ lệ thương tật 81%, vẫn phải điều trị ngoại trú ở bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Nhưng thương binh hạng ¼ Trần Văn Bình (SN 1956) đã thể hiện được bản lĩnh của một người lính, không khuất phục trược khó khăn, anh đã vượt qua tất cả. Giờ đây, anh đã là chủ của chuỗi cửa hàng kinh doanh gốm sứ, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 50 con em của đồng đội và gia đình chính sách.

Sinh ra ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, sau theo gia đình chuyển về khối 6, phường Đội Cung, TP. Vinh (Nghệ An), trong một gia đình có 2 anh em, sớm mồ côi bố khi mới 12 tuổi. Sớm chịu trong cảnh mẹ góa con côi nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Tháng 4/1974, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Trần Văn Bình cùng anh trai đã lên đường nhập ngũ. Anh Bình được phân công chiến đấu ở Sư đoàn 3, Quân khu V (Bình Định). Vào tháng 3/1975, giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước Trần Văn Bình đã bị thương ở chiến trường Hoài Ân, Bình Định, sau thời gian điều trị tại Bình Định, anh đã bình phục vết thương.

Khi đất nước giải phóng, chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc diễn ra. Toàn bộ Sư đoàn 3 của anh Bình phải chuyển ra làm nhiệm vụ ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang. Trong thời gian chiến đấu ở đây anh Bình đã bị thương lần thứ 2 vào tháng 5/1980, ở mặt trận Cao Lộc, Đồng Đăng, Lạng Sơn.

Lần này Trần Văn Bình bị thương rất nặng, đưa về điều trị tại Bệnh viện Sư đoàn 3, rồi Bệnh viên Quân Y 103. Sau khi điều trị và được chuyển về Trại điều dưỡng Thương binh nặng ở Thuận Thành, Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh), với tỉ lệ thương tật 81% (sọ não).

Cũng trong thời gian này anh Bình đã lập gia đình và có hai người con. Năm 1989, Trần Văn Bình được ra quân. Tuy nhiên, với tỉ lệ thương tật cao anh Bình phải nằm điều trị thường xuyên ở Bệnh viện Tâm Thần Nghệ An, đến nay vẫn đang điều trị ngoại trú.

Ông Bình, tại một cửa hàng, trong chuỗi cửa hàng gốm sứ của mình.

Trở về gia đình, bước đầu cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, vợ ở nhà mở lò gốm nhỏ, còn anh ngày nào cũng phải điều trị trong Bệnh viện. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, đồng đội và chính quyền địa phương cho vay vốn. Trần Văn Bình, muốn phát triển xưởng gốm của vợ. Do chưa có kinh nghiệm kinh doanh nên bước đầu gặp rất nhiều khó khăn.

Với ý chí của người lính Cụ Hồ, anh Bình tiếp tục vừa học vừa làm. Anh lần mò khắp mọi nơi, lặn  lội ra tận Hải Dương để học hỏi và phát triển kinh doanh. Sau thời gian dài lặn lội khắp nơi Trần Văn Bình đã có được những bài học quý báu, để ổn định sản xuất kinh doanh đồ gốm, sứ.

Tuy nhiên, do vết thương của chiến tranh để lại (chấn thương sọ não), cũng trong thời gian này, Trần Văn Bình phải thường xuyên nhập viện. Công việc kinh doanh đè nặng lên đôi vai của người vợ.

Sau bao tháng ngày vất vả, đến nay công việc kinh doan của thương binh Trần Văn Bình đã thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện nay, anh có 2 của hàng chuyên kinh doanh, phân phối mặt hàng gốm sứ. Lúc này, cuộc sống gia đình đã ổn định, con cái đều có công việc. Trần Văn Bình lại nhớ đến những người đồng đội cũ. Anh nhận 50 nhân viên là con em của đồng đội, gia đình chính sách vào làm, với mức lương một tháng từ 5 – 6 triệu đông/1người. Cửa hàng gốm sứ của Trần Văn Bình đã có uy tín trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh miền Trung.

Với ý chí không biết mệt mỏi của anh bộ đội Cụ Hồ, trong thời gian chiến đấu Trần Văn Bình đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều Huân, Huy chương các loại.

Ông Bình được UBND tỉnh Nghệ An, tặng bằng khen thương binh tiêu biểu vượt khó vươn lên năm 2012.

Năm 2013, Trần Văn Bình vinh dự được báo cáo điển hình Thương binh làm kinh tế giỏi, do Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An tổ chức và được UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen về những đóng góp của anh cho tỉnh. Năm 2016, anh được tặng bằng khen về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Khi cuộc sống đã khá giả hơn, Trần Văn Bình vẫn không quên đồng đội, gia đình chính sách và những hoàn cảnh khó khăn. Anh thương xuyên tổ chức các buổi từ thiện, thăm hỏi, tặng qùa chia sẻ với những khó khăn của đồng đội.   

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh