THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:37

Thương binh nhẹ chăm sóc thương binh nặng

 

Hình ảnh những thương binh, ngày đêm vật lộn với vết thương trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn luôn ám ảnh, khiến anh day dứt khôn nguôi. Và số phận run rủi, chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, anh chuyển ngành và không thể ngờ rằng mình lại về công tác đúng cái nơi mà bao năm đã khiến anh day dứt. Anh là bác sỹ, thương binh, Giám đốc Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An Phạm Thành Trụ.

Chúng tôi trở lại Khu Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An lúc đã gần trưa. Hỏi thăm anh Phạm Thành Trụ, được một nhân viên trẻ cho biết, Giám đốc đang xuống nhà ăn để kiểm tra các suất ăn trưa của các thương bệnh binh. Vẫn là hình ảnh quen thuộc, một người đàn ông rắn rỏi trong bộ blue trắng giản dị, đi hỏi thăm các thương binh ăn có ngon không, có no không.

Dẫn chúng tôi thăm một vòng Khu điều dưỡng, trở về phòng làm việc, anh Trụ vừa rót chén nước chè mời khách, vừa chậm rãi tâm sự: “Mình về đây đã hơn 20 năm rồi, bây giờ khu điều dưỡng cũng đã thay đổi rất nhiều. Nhưng những hình ảnh mình gặp lần đầu tiên thì mãi mãi vẫn không quên được”.

Sinh năm 1962, tại xã Vĩnh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), trong gia đình có bốn anh em trai đều tham gia quân ngũ. Bố tham gia bộ đội chống Pháp, các anh đều ra trận trước, người đã hy sinh, người thương binh, bệnh binh, cuộc sống hết sức khó khăn. Năm 1981, sau khi học xong lớp 10, như bao thanh niên thời bấy giờ, Phạm Thành Trụ, lên đường nhập ngũ vào Sư đoàn 869, Quân khu IX, chiến đấu tại chiến trường Campuchia.

Anh Phạm Thành Trụ kiểm tra suất ăn trưa của các thương binh.

Một chiều cuối thu năm 1988, trong rừng già đất bạn Campuchia, tình cờ anh đọc được bài báo viết về Khu Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An, nhìn những hình ảnh thương binh đói ăn, thiếu thuốc, bị xích chân tay lúc cường cơn, anh đã không cầm được lòng mình. Nhiều năm sau đó, những hình ảnh đó vẫn cứ ám ảnh anh. Trải bao đớn đau, khốc liệt trong chiến trường, càng khiến anh suy nghĩ và thương nhiều hơn những đồng đội của mình. Và rồi một sự kiện khủng khiếp hơn đã xảy ra khiến anh càng thương các thương binh hơn. Đó chính là một đồng đội đã hy sinh thay anh. Sự kiện này khiến nhiều đêm anh âm thầm khóc thương đồng đội.

Anh Trụ rưng rưng: “Lần đó, đơn vị mình tăng cường cho Trung đoàn II, Sư đoàn 330, chiến đấu ở Bát - Tam - Băng. Đêm đó đến phiên trực, nhưng mình bị sốt rét rừng lên cơn, nên đồng chí Út lên chốt trực thay. Không ngờ chốt bị tập kích, và kể từ đây anh Út không bao giờ trở về nữa”.Chiến tranh kết thúc anh trở về quê với nhiều vết thương trên cơ thể, nhưng vết thương lớn hơn luôn ám ảnh anh là vết thương lòng. Năm 1993, khi chuyển ngành anh cũng không ngờ được rằng, cơ quan mình về công tác lại chính là nơi ám ảnh mình bao năm qua. Chính điều này đã khiến anh gắn bó cuộc đời mình với công việc chăm sóc các thương binh đặc biệt này. “Lúc mình về công tác, thì Khu Điều dưỡng đang đóng tại xã Nghĩa Dũng (huyện Tân Kỳ). Thời đó đang khó khăn lắm. Vợ mình công tác tại Diễn Châu, đầu tuần đi, cuối tuần về vất vả, nhưng chăm sóc các thương binh ngày càng khỏe hơn mình cũng vui. Lúc đó phương tiện thiếu điều trị và quản lí khó khăn lắm. Lúc mình về vẫn chứng kiến những hình ảnh 2 đến 3 thương binh bị xích vào một giường khi cường cơn mà”.

Hơn 20 năm kể từ ngày thương binh Phạm Thành Trụ về Trung tâm để chăm sóc các thương binh đặc biệt nặng này. Từ một nhân viên y tế, anh được giao trọng trách cao hơn là đội trưởng đội kích động. Chứng kiến nhiều cảnh đau đớn, điên dại của các thương binh anh là người đầu tiên đã đề xuất từ cách quản lí và điều trị cơ học chuyển sang cách quản lí và điều trị mở (tức dùng khoa học y tế để quản lí và điều trị thương binh tâm thần). Chính đề xuất này đã thành công không ngờ. Cho đến bây giờ, không những cán bộ nhân viên quản lí và điều trị dễ dàng hơn, mà các thương binh cũng cảm thấy thoải mái và khỏe lên rất nhiều.

Những năm gần đây, với vai trò là bác sỹ tâm thần, anh mạnh dạn áp dụng liệu pháp tái thích ứng xã hội để điều trị cho thương bệnh binh tâm thần,liệu pháp chỉ một số đơn vị trong cả nước thực hiện, đó là thay vì cố định tại chỗ, đơn vị tăng cường thời lượng đưa thương bệnh binh về thăm nhà gặp lại người thân, điều dưỡng nghỉ mát, trở lại chiến trường xưa nơi các anh đã từng gửi lại một phần thân thể để có cuộc sống như ngày hôm nay. Chính liệu pháp này đã góp phần không nhỏ cho việc phục hồi trí năng trí nhớ cho bệnh nhân tâm thần. Hy vọng trong tương lai phương pháp này sẽ thành công hơn nữa và sẽ được áp dụng phổ biến cho nhiều đơn vị khác trên cả nước.

Anh Phạm Thành Trụ trăn trở: Nói thành công thì cũng chưa có chi nhiều. Mình thấy vui khi thương binh khỏe hơn và tỉnh táo. Hiện tại anh cùng đơn vị đang hoàn thành hồ sơ để kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Khu Điều dưỡng. Năm nay mình rất muốn làm lễ kỷ niệm vì nhiều bác thương binh yếu lắm rồi, không thể chờ được đến lễ kỷ niệm 40 năm và sắp tới cũng có nhiều cán bộ đơn vị nghỉ hưu. Mà hầu hết số nghỉ hưu này cũng là các đồng chí thương binh tiêu biểu cho công tác “Thương binh nhẹ chăm sóc thương binh nặng”. Đó là các thương binh: Lê Đình Bằng, Nguyễn Thị Mão, Hoàng Văn An, Thái Khắc Viết,... Họ là một trong những người có mặt từ những ngày đầu. Là những người lính đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng Khu Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An. Có họ Khu Điều dưỡng mới được như ngày hôm nay”.

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh