CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:01

Nghệ An: Có dấu hiệu không minh bạch trong hỗ trợ muối i-ốt cho người nghèo

Vì nghe nói muối có i-ốt còn bột canh thì không và do thói quen dùng muối nên gia đình chị Lô Thị Song ở xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An vẫn thừa gần chục gói bột canh i-ốt hỗ trợ theo Quyết định 102

Cấp muối bột canh thay muối i-ốt

Sáng 29/8, PV Báo Giao thông có mặt ở xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An và ghi nhận, bà con nơi đây chủ yếu là người dân tộc Thái, đời sống còn rất nhiều khó khăn.

Cầm trên tay gần 10 gói bột canh đã hết hạn sử dụng, chị Lô Thị Song (dân tộc Thái, bản Liên Sơn) buồn rầu cho biết: “Muối i-ốt thì thiếu, muối bột canh thì thừa dùng không hết để hỏng. Giờ cả gia đình lại đang phải kiếm tiền để mua muối dự trữ cho mùa đông tới”. Theo chị Song, những năm trước, gia đình được Nhà nước hỗ trợ 100% bằng muối i-ốt, dùng đến hết năm vẫn còn, ăn không hết để mùa đông cho trâu bò ăn chống bệnh. Nhưng từ năm 2017, muối bị cắt bớt và thay thế bằng muối bột canh.

Theo tìm hiểu, số muối và bột canh nói trên được tỉnh Nghệ An hỗ trợ theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ hộ nghèo ở xã vùng khó khăn bằng tiền hoặc hiện vật tương đương 80.000 đồng/người/năm; ở xã khu vực III vùng khó khăn mức này là 100.000 đồng/người/năm. Nếu hỗ trợ bằng hiện vật, các tỉnh lựa chọn trong danh mục hỗ trợ: Giống cây trồng, giống vật nuôi, thuốc thú y hoặc muối i-ốt.

Từ quyết định trên, ngày 22/6/2017, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 2709 về việc phê duyệt dự toán kinh phí và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn năm 2017. Theo đó, năm 2017 toàn tỉnh Nghệ An có 250.748 khẩu được thụ hưởng, với tổng kinh phí dự toán hơn 23,8 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ bằng hiện vật (muối i-ốt tinh và bột canh) cho các khẩu ở 10 huyện miền núi hơn 12,7 tỷ đồng. Các địa phương khác hỗ trợ bằng tiền mặt với tổng số tiền hơn 11,1 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng giao thẳng cho Công ty CP Thương mại miền núi Nghệ An ký hợp đồng trực tiếp với các đơn vị cung ứng để thu mua muối tinh i-ốt và bột canh, sau đó cấp phát đến trung tâm xã với định mức 2kg muối và 3kg bột canh cho một nhân khẩu.

100 triệu phải đấu thầu, 11 tỷ đồng lại “giao thẳng”

Trao đổi với PV, lãnh đạo Phòng Đăng ký kinh doanh; Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An khẳng định: Với số tiền hơn 11,9 tỷ đồng mua muối i-ốt và bột canh (đã trừ chi phí bốc xếp, vận chuyển) thì bắt buộc tỉnh phải tổ chức đầu thầu rộng rãi theo quy định của pháp luật. Ông Đậu Xuân Quyền, Trưởng phòng Ngân sách huyện, xã, Sở Tài chính Nghệ An thừa nhận: Về nguyên tắc, việc mua muối i-ốt và bột canh phải tổ chức đấu thầu rộng rãi, bởi theo quy định mua sắm hàng hóa bằng ngân sách trên 100 triệu đồng phải tổ chức đấu thầu.

Ngoài ra, một lãnh đạo xin giấu tên ở Công ty CP Muối và Thương mại Nghệ An cho biết: Muối i-ốt khác hoàn toàn với bột canh i-ốt. 1kg bột canh i-ốt chỉ có khoảng 70% muối i-ốt còn lại là phụ gia và hương liệu nhưng giá thành lại cao hơn rất nhiều so với muối i-ốt. Mục đích sử dụng của mỗi loại muối cũng khác nhau.

Lý giải về việc làm “lạ đời” của tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Tâm Long, Phó phòng Chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết: Giai đoạn 2010 - 2016, chính sách này giao thẳng cho các huyện thực hiện, Ban Dân tộc và Sở Tài chính kiểm tra, giám sát thực hiện. Tuy nhiên, mỗi huyện mua muối một nơi khác nhau nên chất lượng muối không đảm bảo. Năm 2017, UBND tỉnh giao Công ty CP Thương mại miền núi Nghệ An thực hiện nhằm thống nhất một sản phẩm muối, kiểm soát chất lượng theo chỉ số QC và có bao bì, nhãn mác riêng để đảm bảo công khai, minh bạch.

Còn ông Đậu Xuân Quyền lại bao biện rằng: “Nguyên tắc theo Quyết định 102 và Thông tư liên tịch số 01 là muối i-ốt. Nhưng để tạo điều kiện cho đồng bào được tiếp cận đa dạng sản phẩm nên Nghệ An đưa thêm bột canh i-ốt vào”(?).

Theo Báo Giao Thông

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh