THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:03

Nghệ An chú trọng khai hoang phục hóa mở rộng diện tích canh tác ở vùng cao

 

Kỳ Sơn là huyện có diện tích tự nhiên lớn thứ hai của tỉnh Nghệ An sau huyện Tương Dương với 2.094,84km2, nhưng diện tích đất bằng chỉ có 1%, còn lại là đồi núi dốc hiểm trở, việc sản xuất lương thực để đáp ứng nhu cầu của người dân trước đây chủ yếu dựa vào sản xuất nương rẫy. Trong khi đó, nương rẫy chỉ sản xuất được 1 vụ trong năm nên tình trạng thiếu đói xẩy ra thường xuyên. Những năm gần đây với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, Mặt trận, các đoàn thể và sự nỗ lực của đồng bào trong việc khai hoang ruộng nước đã cung cấp một lượng lương thực không nhỏ cho bà con, làm giảm việc phát rừng làm rẫy và góp phần quan trọng trong bảo vệ rừng trên địa bàn. 

Theo thống kê, trước năm 2000 diện tích trồng lúa nước của huyện chỉ có 190 ha. Nhận thấy tiềm năng số diện tích có thể khai hoang được là rất lớn, UBND huyện đã lập “Đề án khai hoang và xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất”. Từ 2002 đến 2010 toàn huyện đã khai hoang được gần 700 ha lúa nước. Nâng tổng diện tích lúa nước toàn huyện lên hơn 1.000ha hiện nay.

Để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, trong những năm qua huyện đã đầu tư xây dựng mới nâng cấp hàng chục công trình thủy lợi, cung cấp hàng trăm km đường ống nhựa để tưới nhỏ lẻ. Song song với sản xuất đại trà, trong những năm qua huyện Kỳ Sơn đã xây dựng được hàng mô hình lúa nước vụ xuân ở vùng sâu, vùng xa và nhân ra diện rộng. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm như bón phân hóa học, phân chuồng, nhất là đưa giống lúa lai vào gieo cấy thay thế các giống lúa cũ đạt trên 70-80% diện tích. Điển hình trong phong trào là các xã Chiêu Lưu, Hữu Kiệm, Hữu Lập, Na Loi, Tà Cạ, Mỹ Lý, Mường Ải và Na Ngoi. Năng suất, sản lượng lúa nước ngày càng gia tăng đã đáp ứng, ổn định nhu cầu lương thực của nhân dân địa phương.

Sử dụng máy múc để tạo nên những thửa ruộng nước ở Kỳ Sơn (Nghệ An).

Sử dụng máy múc để tạo nên những thửa ruộng nước ở Kỳ Sơn (Nghệ An).

Tại huyện Quỳ Châu, từ lâu phong trào khai hoang, mở rộng diện tích lúa nước đã được bà con đồng bào người dân tộc Thái rất quan tâm nên diện tích hàng năm không ngừng được mở rộng. Theo số liệu báo cáo từ Phòng NN&PTNT huyện Quỳ Châu thì tổng diện tích ruộng lúa nước khai hoang được thêm trong năm 2018 là trên 120ha; năm 2019 diện tích khai hoang là gần 65ha; năm 2020 diện tích khai hoang thêm được gần 10ha.

Châu Phong là xã “điển hình” trong phong trào khai hoang lúa nước. Vì thế, diện tích lúa nước được khai hoangtrong những năm qua luôn đứng đầu toàn huyện. Năm 2018 tổng diện tích lúa nước được khai hoangở xã này đạt gần 50ha, năm 2019 là khoảng 3ha, năm 2020 cũng khoảng 3ha.

Gia đình ông Vi Văn Tuyển, ở bản Đôm 2, xã Châu Phong, cho hay: Nhờ sự vận động của các cấp chính quyền, những năm gần đây gia đình tôi đã khai hoang, phục hóa được gần 1ha ruộng lúa nước. Sau khi vào canh tác, nhờ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc từ ngành nông nghiệp nên năng suất lúa đạt cao, giờ gia đình tôi đã không còn lo thiếu gạo để ăn.

Ngoài Châu Phong thì ở huyện Quỳ Châu, nhiều xã cũng rất tích cực khai hoang mở rộng diện tích lúa nước để góp phần đảm bảo nhu cầu lương thực cho địa phương. Như xã Châu Bính khai hoangđược hơn 60ha, Diên Lãm gần 50ha, Châu Nga gần 25ha…

Do đặc thù ở vùng cao thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra triền miên nên những thửa ruộng khai hoang được không ổn định. Cứ sau mỗi trận mưa lụt thì không ít diện tích ruộng lúa bị cuốn trôi, sạt lở, thậm chí bị san phẳng là không ít.

Còn nhớ mùa mưa lũ năm 2016, khi đó huyện Quỳ Châu là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nhất ở Nghệ An. Vào năm đó, một cơn lũ quét từ xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa quét qua địa bàn xã, Châu Nga, Châu Hội (huyện Quỳ Châu) khiến cho 10 bản tan hoang.

Khi đó, cầu cống, đường sá, nhà cửa và nhiều tài sản khác của người dân nơi đây bị lũ cuốn trôi. Không chỉ nhà cửa, cơ sở hạ tầng mà 70 ha lúa mùa của người dân Châu Hội cũng bị nước lũ san phẳng và vùi lấp.

Theo ông Nguyễn Sỹ Luận – Chủ tịch UBND xã Châu Hội thì diện tích lúa nước của toàn xã là 154ha. Tuy nhiên, sau đợt lũ quét vào năm 2016 toàn xã đã bị sạt llở, cuốn trôi mất 70ha diện tích. Sau nhiều nỗ lực khôi phục, phục hóa thì đến năm 2021 xã đã khôi phục lại để sản xuất được 48ha, còn lại 22ha đã không thể khôi phục được.

Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu, do ảnh hưởng của mưa lụt nên diện tích lúa nước hàng năm của huyện bị xói lở là không nhỏ. Vì thế, huyện đã khuyến khích bà con các xã khôi phục, mở lại những diện tích ruộng lúa bị thiệt hại, vì thế diện tích ruộng lúa được phục hóa hàng năm không ngừng được gia tăng. Đơn cử như trong năm 2018 diện tích lúa nước được phục hóa của toàn huyện là gần 50ha; năm 2019 diện tíchphục hóa hơn 10ha; năm 2020 cũng phục hóa được thêm 12ha. Trong năm 2021 này, diện tích ruộng lúa được phục hóa dự kiến cũng khoảng vài chục héc ta.

Những cánh đồng mới được khai hoang rr huyện Quỳ Châu.

Những cánh đồng mới được khai hoang rr huyện Quỳ Châu.

Cụ thể như tại xã Châu Hội, diện tích đất ruộng lúa được phục hóa năm 2018 là hơn 16ha; năm 2019 là hơn 3h; năm 2020 là gần 3,5ha. Tại xã Châu Hoàn, diện tích phục hóa năm 2018 là gần 10ha. Xã Diên Lãm phục hóa được gần 9ha vào năm 2018, năm 2020 là gần 2ha. Hay điển hình như xã Châu Phong năm 2018 phục hóa được khoảng 8ha; năm 2019 khoảng 1ha; năm 2020 khoảng 2ha…

Anh Vi Văn Hoài, ở xã Châu Hội, là một trong nhiều gia đình bị lũ quét năm 2016 khiến cho khoảng 1ha ruộng lúa tự khai hoang của gia đình bị mất trắng. Tuy nhiên, sau vài năm nỗ lực khôi phục thì đến nay số diện tích lúa nước cơ bản đã được phục hóa lại để có thể sản xuất. Trận lũ quét năm 2016 khiến cho ruộng lúa của gia đình bị “hà bá” nuốt trôi toàn bộ nên gia đình không còn đất sản xuất. Được sự động viên của chính quyền và sự giúp đỡ của anh em bà con nên sau vài năm nỗ lực kè bờ bằng đá kiên cố, rồi thuê máy xúc, máy ủi san đất chia bờ…đến nay gia đình đã khôi phục lại được ruộng để sản xuất. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, nay gia đình đã làm những bờ kè kiên cố hơn để “chống chọi” lại với nguy cơ sạt lở ruộng lúa do mưa lụt” – Anh Hoài, cho hay.

Theo ông Lô Thanh Sơn – Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Châu, tại các huyện miền núi nói chung và huyện Quỳ Châu nói riêng tình trạng lũ quét, sạt lở đất khiến cho không ít diện tích đất lúa bị mất. Tuy nhiên, để thích ứng với thiên tai thì chính quyền và người dân đã không ngừng cải tạo, khôi phục lại ruộng đất để canh tác. Trong 3 năm trở lại đây, huyện đã hỗ trợ các xã khai hoang, phục hóa diện tích đất lúa để sản xuất với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng nên người dân rất phấn khởi và hăng hái sản xuất, ổn định cuộc sống, sản xuất thích ứng dần được với biến đổi khí hậu.

HOÀNG TÙNG - YÊN BÌNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh