Nghệ An: Cần có biện pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở miền núi
- Dược liệu
- 20:32 - 05/03/2017
Mặc dầu được tuyên truyền thường xuyên nhưng tảo hôn vẫn diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An
Bỏ chữ lấy chồng
Khi về các xã Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm của huyện Quỳ Châu, nhắc đến chuyện con gái, con trai bỏ ngang “cái chữ” để lấy chồng sớm, người dân địa phương đều không thấy làm ngạc nhiên. Đây cũng là những xã có đến gần 100% người Thái sinh sống ở vùng sâu, vùng xa của huyện Quỳ Châu còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 60%. Bởi với họ, khi con gái đến tuổi cập kê trăng tròn (gần 16 tuổi – PV) thì gia đình phải lo chuyện gả chồng. Nếu đến tuổi 16 mà chưa có đám trai bản nào đến nhà cưa tán thì coi như đã ế. Chính vì quan điểm này mà với những ông bố, bà mẹ ở bản làng nơi đây, dù có học hết “cái chữ” mà không lấy được vợ, được chồng thì phải làm vía, mời thầy đến cúng. Ở bản Đôm, xã Châu Phong, nhắc đến câu chuyện của vợ chồng Vi Thị T và Sầm Văn C thì ai cũng biết. 14 tuổi, đang là học sinh lớp 9 của trường huyện nhưng sau một Tết về nhà ăn tết, T không đến trường nữa vì lý do phải lấy chồng là C (16 tuổi) ở bản kế bên. Đến nay, tuổi đời chưa đến 20 nhưng vợ chồng T và C đã có với nhau 2 mặt con. “Với người Thái thì quan điểm con gái, con trai đến tuổi 15,16 là đã có thể gả vợ, lấy chồng được rồi. Mặc dù biết là chưa đủ tuổi như quy định của pháp luật nhưng tập tục của bà con trên đây là như vậy. Tình trạng lấy chồng, lấy vợ sớm tuy có giảm nhưng hiện nay vẫn còn diễn ra” – ông Sầm Văn Chung ở bản Đôm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu cho biết.
Còn ở huyện Quỳ Hợp, nạn tảo hôn khi các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường đã trở thành vấn đề nhức nhối đối với các thầy cô và các đoàn thể xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ thì mỗi năm, trên địa bàn toàn huyện có khoảng trên 40 cặp vợ chồng tảo hôn. Nhiều xã hiện nay có nạn tảo hôn cao như Châu Thành, Liên Hợp, Châu Hồng, Châu Quang… mỗi năm đều có khoảng trên dưới 10 trường hợp tảo hôn. Thầy giáo Nguyễn Minh Đạt – Hiệu trưởng trường THPT Quỳ Hợp III cho biết: “Với đặc thù là trên 80% học sinh đồng bào Thái đang theo học nên chúng tôi rất chú trọng công tác giáo dục tư tưởng và ngăn chặn tình trạng lấy chồng, lấy vợ sớm của các em. Nhiều em đang học giữa chừng thì bỏ ngang ở nhà lấy chồng sau những ngày đi chơi Xuân. Thực tế, các em không muốn làm vợ, làm “ma” của nhà người ta sớm nhưng vì hủ tục, vì quan niệm của gia đình, dòng họ nên phải chấp nhận. Nhà trường đã thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành địa phương tuyên truyền nhưng tình trạng này vẫn chưa thể chấm dứt được …”.
Nhiều đứa trẻ nheo nhóc, không được phát triển bình thường là hệ quả của tảo hôn
Cần quyết liệt hơn
Nhiều năm nay, khi lên đến các huyện miền núi như Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn... chúng tôi thường bắt gặp những ông bố, bà mẹ ở tuổi 15, 16. Có nơi, thoắt nhìn những em gái đang bồng bế đứa nhỏ trên tay cứ tưởng họ bế em của mình. Nhưng khi tìm hiểu, chúng tôi mới biết, đó chính là con cái của các em gái đẻ ra khi tuổi đời của mẹ và con cộng lại chưa tới 20. Chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn theo quy định nên các cặp vợ chồng này sau khi sinh con đến tuổi đi học mới làm giấy khai sinh cho con mình. Thiếu kinh nghiệm nuôi dạy con cái, những đứa trẻ của các ông bố, bà mẹ tuổi 15, 16 còi cọc, da xanh xao như màu lá cây của cánh rừng nơi đại ngàn vùng cao. Chưa kể, có những cặp đôi “vợ chồng nhí” sau khi về chung một nhà đã đẻ liền 2,3 đứa con trong cảnh đói rách, thiếu ăn triền miên. Lấy chồng, lấy vợ sớm là khổ nhưng tình trạng này vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương miền núi của tỉnh Nghệ An trong suốt những năm qua.
Để giảm thiểu tình trạng này, từ ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”. Để thực hiện hiệu quả Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 01/10/2015, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã hành Kế hoạch 599/KH-UBND về “Kế hoạch thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ an”. Theo đó, UBND tỉnh đã trực tiếp giao cho các Sở, ban, ngành nhanh chóng vào cuộc, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể địa phương…thực hiện hiệu quả kế hoạch 599/KH-UBND trên địa bàn. Ban dân tộc tỉnh là một trong những đơn vị có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch dài hạn để tuyên truyền, vận động người dân xoá bỏ hủ tục lạc hậu, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Qua đó, việc xây dựng và nhân rộng mô hình làm tốt công tác này cũng đã được triển khai trên địa bàn trong những năm qua.
Tuy nhiên, để nâng cao nhận thức cho người dân về việc xoá bỏ nạn tảo hôn thì cần sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp hội, đoàn thể… Đặc biệt, cần chú trọng, nhân rộng hơn nữa các mô hình làm tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” để các gia đình hiểu rõ hơn về hệ quả của việc “ép” con cái lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị nhằm đẩy lùi vấn nạn tảo hôn, tiếp tục nhân rộng các mô hình xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.