Bảo hiểm thất nghiệp “Cứu cánh” cho người lao động
- Bài thuốc hay
- 21:22 - 02/10/2017
Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách BHTN đã thể hiện tinh thần đoàn kết của NLĐ và chủ sử dụng lao động đối với những lao động bị mất việc.Trái với nhiều địa phương khác phản ánh về việc gặp nhiều rắc rối trong khi làm thủ tục thì các bước hoàn thiện hồ sơ ở Nghệ An do Trung tâm dịch vụ việc làm và Sở LĐ-TB&XH thực hiện khá thuận lợi.
Cụ thể, khi người lao động đã được đóng BHTN đủ 12 tháng bị thất nghiệp hoặc bị chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật có đầy đủ giấy tờ bao gồm: đơn đề nghị hưởng, quyết định cho nghỉ việc của doanh nghiệp, bản photo copy hợp đồng lao động và sổ BHXH đến đăng ký ở Trung tâm dịch vụ việc làm thì trong vòng từ 7 - 10 ngày sẽ được Sở LĐ-TB& XH ký quyết định để được hưởng trợ cấp. Trong vòng khoảng 1 tháng sau sẽ được nhận tiền trợ cấp tại cơ quan BHXH - nơi địa phương người lao động đang cư trú.
Anh Trần Văn Dũng, trú xã Đà Sơn, huyện Đô Lương cho biết: “Do kinh tế khó khăn, công ty nơi tôi làm việc cắt giảm nhân lực nên bị mất việc làm. Tôi đã tới nộp hồ sơ hưởng BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An. Hiện tại, hàng tháng tôi được chi trả hơn 2 triệu đồng tiền BHTN, số tiền này đã giúp tôi rất nhiều trong lúc khó khăn như hiện nay. Bên cạnh đó, tôi cũng được Trung tâm Giới thiệu việc làm tư vấn và hỗ trợ tìm việc làm mới. Quả thực, đây là sự hỗ trợ rất lớn để tôi có thể tìm được việc làm, ổn định cuộc sống trong thời gian tới”.
Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp và tìm kiếm việc làm mới.
Với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tương đương 3 tháng lương (nếu đóng 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng BHTN) nên bảo hiểm thất nghiệp thực sự là một “cứu cánh” nếu chẳng may người lao động bị thất nghiệp. Quyền lợi người lao động được hưởng là rõ ràng nhưng theo một số người lao động thì họ chưa muốn nhận bảo hiểm thất nghiệp ngay khi mất việc, mà họ muốn tìm kiếm công việc khác để đóng bảo hiểm tiếp. Sau này khi rất cần thiết thì họ mới hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, ngụ xã Cát Văn, huyện Thanh Chương (Nghệ An), cho biết: “Vợ chồng em trước làm công nhân trong miền Nam. Sau khi công ty cắt giảm nhân sự do khó khăn, vợ chồng trở về quê. Tình làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm được các anh chị tư vấn là chưa nhận thì vẫn còn đó. Nếu đóng tiếp thì sau này nhận một lần luôn sẽ cao hơn rất nhiều. Vì thế bọn em quyết định chưa nhận mà về đi xin việc làm mới để đóng tiếp sau này nhận luôn”.
Trên thực tế, sau khi bị thất nghiệp, nhiều lao động người Nghệ An đã chủ động đi tìm việc làm mới tại các địa phương khác. Bởi vậy, BHXH Nghệ An chưa chi trả. Trong công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp, ngành LĐ-TB&XH và BHXH Nghệ An đã tích cực, nhanh chóng phối hợp từ khâu tiếp nhận đến chi trả, tạo thuận lợi cho người lao động. Trong 2 năm 2015, 2016 đã thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho 20.052 người, với số tiền hơn 38,6 tỷ đồng; có 35 lao động được hỗ trợ học nghề, tương ứng số tiền 151 triệu đồng.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, 9 tháng năm 2017 đã có 1224 lao động tới nộp hồ sơ BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, trong đó có 1039 lao động được hưởng BHTN hàng tháng. Bên cạnh đó,1006 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, chính sách BHTN đã góp phần tích cực giải quyết an sinh xã hội cho NLĐ. Khi tham gia BHTN, những LĐ mất việc làm không chỉ được trợ cấp một khoản kinh phí để trang trải cho cuộc sống, mà còn được giúp đỡ về mặt tinh thần, không phải lo lắng khi ốm đau, được hỗ trợ việc làm và đào tạo nghề…”.
Có thể thấy việc triển khai chính sách BHTN trong thời gian qua đã mang lại không ít lợi ích cho NLĐ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách BHTN vẫn còn những bất cập như: Một số doanh nghiệp còn chậm chốt sổ BHXH, hồ sơ giải quyết BHTN cho NLĐ làm ảnh hưởng đến việc nộp hồ sơ giải quyết BHTN của NLĐ sau khi mất việc; nhiều doanh nghiệp còn trốn đóng hoặc nợ BHXH nên khi giải quyết thủ tục BHTN cho NLĐ cơ quan BHXH không chấp nhận dẫn đến nhiều NLĐ bị mất cơ hội hưởng BHTN; một số NLĐ còn chưa nắm vững thông tin về BHTN…
BHTN đang là chỗ dựa cho NLĐ mất việc có thể ổn định cuộc sống, có điều kiện học nghề và tìm việc làm mới. Tuy nhiên, để họ được hưởng đầy đủ các quyền lợi từ BHTN, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần tuyên truyền tích cực hơn nữa để NLĐ hiểu về lợi ích của BHTN, chủ động tham gia và hưởng quyền lợi nếu chẳng may bị mất việc làm. Đồng thời, phối hợp tốt trong việc giám sát chặt chẽ việc tham gia BHTN, thực hiện các thủ tục về BHTN, của tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động. Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cũng cần chủ động thực hiện đầy đủ các thủ tục về BHTN, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, giảm bớt khó khăn cho người LĐ khi mất việc.