THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:14

Xây dựng cộng đồng thân thiện với người tự kỷ

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm chụp hình lưu niệm cùng đại biểu tham dự Hội thảo

Vụ trưởng Lê Kim Dung tặng hoa và quà lưu niệm cho các diễn giả

Đây là lần thứ hai sự kiện được diễn ra tại Việt Nam, tiếp nối thành công năm 2016 khi lần đầu tiên “Ngày Việt Nam nhận thức về Tự kỷ” được tổ chức tại Hà Nội đã thu hút rất nhiều người tham gia, gây được tiến vang và sự chú ý của cộng đồng.

Ngày 2/4 đã được Liên Hiệp Quốc chọn là “Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ”, với mục đích khuyến cáo các quốc gia tăng cường sự quan tâm đến hội chứng này. Theo chuyên gia về tự kỷ của LHQ: Tự kỷ là một dạng khuyết tật suốt đời được phát hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hay địa vị xã hội. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội; khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ/phi ngôn ngữ về hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại.

Bà Lê Kim Dung, chủ tọa phiên 3 với chủ đề "Các giải pháp giáo dục" cho người tự kỷ tại Hội thảo

Trong khuôn khổ của sự kiện, Hội thảo chính sách ASEAN “Tự kỷ - vấn đề, nhu cầu và giải pháp” đã được tổ chức nhằm đáp ứng lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc hướng tới tự chủ và tự quyết cho người tự kỷ. Hội thảo đã tổng quan các chính sách hiện có nhằm hỗ trợ người tự kỷ và nhu cầu của người tự kỷ, đồng thời giới thiệu các mô hình giải pháp hiện có về phát hiện sớm, can thiệp sớm, giáo dục hoà nhập, và hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ. Bên cạnh đó, các khách mời cùng các diễn giả và các nhà hoạch định chính sách đã có những đối thoại thẳng thắn về những khó khăn và thuận lợi từ các chính sách hiện có, qua đó đưa ra góp ý cho các giải pháp tiếp theo nhằm cải thiện cuộc sống của trẻ tự kỷ và người tự kỷ tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm chào mừng sự có mặt của các vị khách quốc tế, thứ trưởng bày tỏ mong muốn lắng nghe sự chia sẻ cũng như kinh nghiệm của các khách mời về những giải pháp cho tự kỷ. “Chúng tôi rất trân trọng sự có mặt của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, các doanh nghiệp, các gia đình có người tự kỷ ở Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta trao đổi, thảo luận, tìm hiểu các nhu cầu và giải pháp thiết thực cho vấn đề tự kỷ mà chúng ta cùng quan tâm”-Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.

Thứ trưởng cho biết, trong những năm vừa qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam đã luôn có các chương trình đa dạng, xây dựng chính sách, thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, trong đó có khuyết tật tự kỷ. “Chúng tôi ủng hộ các hoạt động của Mạng lưới tự kỷ Việt Nam và các Bộ, ngành, tổ chức, đơn vị khác, với mục đích thúc đẩy một xã hội chăm sóc toàn diện cho tất cả mọi người, để đảm bảo cho trẻ em và người có chứng tự kỷ được có một cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa”.

Song song với Hội thảo, sự kiện còn có Hội thao thân thiện dành cho người tự kỷ với các môn thi bơi, chạy, nhảy bao bố, bật xa tại chỗ, kéo co với sự tham dự của hơn 300 trẻ và 300 cha mẹ, giáo viên, tình nguyện viên của 8 tỉnh thành trong cả nước và 8 trung tâm, trường chuyên biệt tại TP. Hồ Chí Minh là: TT phục hồi chức năng, Khai Trí, Ước mơ, Tuổi Ngọc, Ngọn Nến Xanh, ATC, Bim Bim, Từng bước nhỏ.

Phần thi bơi lội của các thí sinh có sự hỗ trợ của các tình nguyện viên diễn ra rất sôi nổi

Ngoài ra còn có sự hiện diện của MC Thanh Bạch, MC Đại Nghĩa, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, các nhóm hoạt động nghệ thuật ủng hộ người tự kỷ khác và hàng trăm sinh viên, học sinh thuốc các trường trung học, đại học làm tình nguyện viên.

Ban tổ chức chia sẻ, thông qua chuỗi hoạt động này chúng tôi mong muốn cộng đồng nhận thức đúng về tự kỷ, mở lòng tạo cơ hội và hỗ trợ đúng cách để người tự kỷ được sống bình đẳng, phát triển năng lực, đóng góp cho xã hội. Hãy cùng chúng tôi tạo ra một cộng đồng thân thiện với người tự kỷ.

LÊ HOÀNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh