Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII: Cơ hội quảng bá văn chương Việt Nam ra thế giới
- Văn hóa - Giải trí
- 22:41 - 15/02/2019
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Ngày thơ Việt Nam 2019 bao gồm 3 sự kiện văn học: Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV; Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII. Trong đó, Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV diễn ra vào ngày 16/2 (tức ngày 12 tháng Giêng) tại Hà Nội xoay quanh chủ đề về sự phát triển chung của văn học thế giới và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII sẽ diễn ra vào ngày 17/2 (tức ngày 13 tháng Giêng) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, với chủ đề "Sông núi trên vai" hướng về biên cương Tổ quốc và kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2019). Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III là sự tiếp nối của Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương, được phát triển rộng quy mô với sự tham gia của đại biểu nhiều nước trên thế giới.
Điểm đặc biệt của Liên hoan thơ quốc tế năm nay là tham gia của hơn 200 đại biểu nước ngoài gồm những nhà thơ, nhà văn, nhà xuất bản, nhà nghiên cứu tiêu biểu đại diện cho nền văn học đương đại của 50 nước trên thế giới. Đêm thơ quốc tế sẽ diễn ra vào tối 18/2, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh). Ngày 19/2, khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII tại thành Xương Giang (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Tại lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ trưng bày những pa nô hình ảnh các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng với những bài thơ về chủ đề biển đảo, biên giới của chính các tác giả. Lễ bế mạc Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII sẽ được tổ chức vào tối 20/2 tại Hà Nội. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, trong Ngày thơ Việt Nam năm nay, việc quảng bá văn học Việt Nam với quốc tế sẽ được thực hiện một cách bài bản và kỹ lưỡng hơn để thế giới biết đến nhiều hơn về Việt Nam thông qua hoạt động thơ ca, qua đó quảng bá văn chương Việt Nam tới bạn bè thế giới.
Ảnh minh họa
Đại diện ban tổ chức cho biết, chủ đề chung là "Sông núi trên vai" nhưng các mảng đề tài sẽ mở rộng, không chỉ bó hẹp ở chiến tranh, biên giới mà còn là tình yêu quê hương đất nước. Một số tác phẩm sẽ xuất hiện trong Ngày thơ của các tác giả như: nhà thơ Hữu Thỉnh (2 bài thơ Thư mùa đông (viết về bảo vệ biên giới), Viết từ đảo nhỏ), Trần Đăng Khoa (bài thơ Đỉnh núi), nhà thơ Anh Ngọc (có bài thơ viết tặng cháu bé có cha là nhà báo hy sinh tại chiến tranh biên giới), nhà thơ Y Phương, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến…
Cũng trong dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam biên soạn 3 ấn phẩm: Khái quát 10 thế kỷ văn học Việt Nam; Tuyển tập thơ Việt Nam và Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại. Các ấn phẩm này đều in song ngữ Việt - Anh để giới thiệu văn học Việt Nam tới các đại biểu tham dự chuỗi hoạt động trong Ngày thơ 2019.
Trước đó, để chào đón Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII, ngày 11/2 (tức 7 Tết Kỷ Hợi), chương trình thơ nhạc đặc biệt mang tên Lanterns Hanging on the Wind (Những chiếc lồng đèn treo vào ngọn gió) được phát sóng trên nhiều đài phát thanh của các trường đại học và các đài phát thanh công cộng trên toàn lãnh thổ Mỹ. Theo đó, có 18 nhà thơ Việt Nam có thơ tham gia chương trình gồm có (xếp theo thứ tự phát sóng trên chương trình): Tuyết Nga, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Quang Thiều, Bùi Hoàng Tám, Trần Quang Quý, Giang Nam, Ngô Tự Lập, Nguyễn Bảo Chân, Ly Hoàng Ly, Lê Huy Mậu, Mai Văn Phấn, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Việt, Lê Anh Hoài, Đặng Nguyệt Anh, Vi Thùy Linh.
Được biết, dự án thơ nhạc nói trên do chương trình Melodically Challenged thuộc trường đại học công lập Georgia State University (tiểu bang Atlanta, Mỹ) sản xuất cùng với nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Bản dịch tiếng Anh của các bài thơ được thể hiện qua giọng đọc của nữ thi sĩ Jennifer Fossenbell, người đã có nhiều bài thơ về Việt Nam trong đó có bài “In Hanoi, Again” (Lại được ở trong lòng Hà Nội).
“Đây là lần đầu tiên một chương trình radio thơ của quốc tế phát sóng giọng đọc của nhiều tác giả Việt Nam song song với bản dịch tiếng Anh của các tác phẩm. Tất cả các tác giả tham gia chương trình đã ghi âm giọng đọc của mình cho chương trình, trong đó có nhà thơ Giang Nam, người đã đọc bài thơ “Quê hương” khi ông 88 tuổi, và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đọc bài thơ “Tin thì tin không tin thì thôi” trước khi ông qua đời vì căn bệnh ung thư. Bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ và “Thuyền và biển” được thể hiện qua giọng đọc ấm áp và đầy cảm xúc của em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ (nhà phê bình văn học, tiến sĩ Lưu Khánh Thơ) - nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cho biết.