Ngày Quốc tế Lao động 1/5: Ngày hội của công nhân và người lao động
- Văn hóa - Giải trí
- 17:10 - 30/04/2017
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với công nhân.
Ngày Quốc tế Lao động có nguồn gốc từ cuộc đấu tranh của những người công nhân Mỹ, ngày 1/5/1886. Những người công nhân bãi công, biểu tình đòi giới chủ thực hiện ngày làm 8 giờ. Cuộc đấu tranh bắt đầu từ Chicago đã nhanh chóng lan sang Washington, New York, Boston…
Ngày 1/5/1886, công nhân toàn thành phố Chicago tiến hành bãi công, 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mittinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập”, cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cùng ngày đó, các Trung tâm công nghiệp ở nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia.Cuộc biểu tình bị đàn áp nặng nề. 3 năm sau đó, Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Cộng sản II, họp tại Paris, Pháp đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước. Theo đó, năm 1890 lần đầu tiên ngày Quốc tế lao động 1/5 được tổ chức trên quy mô thế giới.
Ngày 1/5 ở các nước xã hội chủ nghĩa, đã coi là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ở các nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, ngày 1/5 là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.
Ở Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3/2/1930, ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, là giai cấp lãnh đạo cách mạng, đóng vai trò nòng cốt trong khối liên minh Công – Nông. Phong trào đấu tranh ngày 1/5/1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 – 1931. Từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc chí Nam, nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mít tinh, tuần hành thị uy, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, công nhân và nông dân mít tinh chào mừng Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Đây là lần đầu tiên, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên phạm vi toàn quốc đoàn kết đấu tranh tỏ rõ sức mạnh vô địch, sứ mệnh lịch sử, nghị lực phi thường của khối liên minh Công – Nông.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ công nhân.
Trong cao trào cách mạng 1936-1939, thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức công khai. Đặc biệt cuộc mít-tinh ngày 1/5/1938, tại Khu Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội), với hơn 25 nghìn người tham gia đã trở thành cuộc mít-tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ, biểu dương sức mạnh của nhân dân lao động (NDLĐ).
Ngày 18/2/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 22c quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5. Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức kỷ niệm mít-tinh trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Để từ đó, Ngày Quốc tế Lao động (1/5) hằng năm là một trong những ngày lễ lớn của đất nước, ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong 30 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Khu vực công nghiệp đóng góp hơn 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nhà nước. Nghị quyết số 20 Hội nghị T.Ư 6 (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng xác định “Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...”.
Với hơn 9,6 triệu đoàn viên tại hơn 125 nghìn công đoàn cơ sở. Nhờ làm tốt công tác, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách; chủ động sáng tạo, đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động nhằm thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), hành động sát thực, ý nghĩa hơn với vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ. Gần 90 năm qua Công đoàn Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, chức năng là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ .
Việt Nam chính thức ký kết và thực hiện Hiệp định TPP, là cơ hội, đồng thời là thách thức đối với NLĐ và tổ chức công đoàn. Những tiêu chuẩn về trình độ, năng lực làm việc, kỹ năng... tạo ra những cuộc “chạy đua” nhằm cạnh tranh về việc làm, tiền lương, thu nhập, các chế độ an sinh xã hội và cơ hội phát triển... Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân; bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở các công trình phúc lợi phục vụ cho công nhân; sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân”.
Để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, hàng năm, Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 77-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chọn tháng 5 hằng năm là “Tháng Công nhân”. Trong “Tháng Công nhân”, người lao động sẽ được đón nhận những niềm vui mà công đoàn, doanh nghiệp, người sử dụng lao động dành cho họ. Đó là những “Ngày hội công nhân lao động” ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; phong trào “Ở đâu công nhân khó, ở đó có công đoàn”, gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề bức xúc cho công nhân; hoạt động tôn vinh những công nhân giỏi nghề, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Giờ đây Ngày Quốc tế Lao động (1/5) đã trở thành ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.