Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam (1/7): "Chung tay xây dựng, phát triển BHYT vì sức khỏe toàn dân”
- Dược liệu
- 23:39 - 29/06/2019
Ngày 16/6/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTG về việc lấy ngày 01 tháng 7 hàng năm là “Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam”. Ngày BHYT Việt Nam là dịp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức thực hiện tốt Luật BHYT với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, vì an sinh đất nước. Đây cũng là dịp để quán triệt sâu sắc và nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHYT - một bộ phận quan trọng trong chính sách tài chính y tế quốc gia, một trong những phương thức xã hội hóa công tác y tế thông qua huy động đóng góp của người dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước tạo nguồn tài chính cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Mục tiêu đến năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia BHYT
Quyền lợi BHYT của người dân ngày càng được bảo đảm, giúp người dân thấy được vai trò thiết thực của BHYT với an sinh của bản thân, gia đình và xã hội. Điều này được thể hiện qua số lượt khám, chữa bệnh BHYT liên tục tăng qua các năm, tương ứng với đó là số chi phí khám, chữa bệnh được chi từ Quỹ BHYT.
Nhờ tham gia BHYT, nhiều bệnh nhân mắc bệnh trọng đã được Quỹ BHYT chi trả hàng tỷ đồng chi phí điều trị
BHXH Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông BHYT, hướng người tham gia BHYT khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe kịp thời, giảm các chi phí hành chính, đồng thời phối hợp với Ngành y tế nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế tuyến cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử... nhằm giúp người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ được dễ dàng và thuận tiện ngay từ tuyến y tế cơ sở, vì mục tiêu phát triển BHYT toàn dân bền vững.
Nghị định 38/2019/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động là 1.490.000 đồng/tháng, tăng thêm 100.000 đồng so với hiện hành. Mức lương cơ sở tăng lên sẽ kéo theo mức hưởng BHYT tăng lên.
Theo đó, khi người bệnh khám, chữa bệnh (KCB) từ 1.7.2019 tại cơ sở không ký hợp đồng KCB BHYT (trừ trường hợp cấp cứu):
Cơ sở tuyến dưới và tương đương:
KCB ngoại trú: tối đa không quá 2,235 triệu đồng (hiện tại 2,085 triệu đồng).
KCB nội trú: tối đa không quá 745.000 đồng (hiện tại 695.000 đồng).
Cơ sở tuyến tỉnh và tương đương:
Tối đa không quá 1,49 triệu đồng tại thời điểm ra viện nếu KCB nội trú (hiện tại 1,39 triệu đồng).
Cơ sở tuyến trung ương và tương đương:
Tối đa không quá 3,725 triệu đồng tại thời điểm ra viện nếu KCB nội trú (hiện tại 3,475 triệu đồng).
KCB tại nơi đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT không đúng quy định (thẻ BHYT không có ảnh hoặc không có giấy tờ chứng minh nhân thân):
KCB ngoại trú: tối đa không quá 223.500 đồng (hiện tại 208.500 đồng).
KCB nội trú: tối đa không quá 745.000 đồng (hiện tại 695.000 đồng).
Chi phí cùng chi trả của những lần KCB đúng tuyến trong năm (kể từ ngày tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục) vượt quá 6 tháng lương cơ sở nhưng chưa được hưởng ngay tại cơ sở KCB:
Thanh toán chi phí thực tế vượt quá 8,94 triệu đồng (hiện tại 8,34 triệu đồng).
Cấp giấy xác nhận không cùng chi trả trong năm cho người bệnh.
Ngoài ra, các trường hợp dưới đây cũng được hưởng BHYT với mức 100%:
KCB một lần ít hơn 223.500 đồng (hiện tại 208.500 đồng).
Tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả trong năm nhiều hơn 8,94 triệu đồng (hiện tại 8,34 triệu đồng).
Gần đây, bệnh nhân N. có mã số BHYT: BT286862162XXX, tổng số tiền điều trị được quỹ BHYT thanh toán là hơn 12,9 tỷ đồng. Dự kiến số chi phí điều trị cho bệnh nhân này sẽ còn tăng cao; Bệnh nhân Đào Văn H. (Thái Nguyên có mức chi từ Quỹ BHYT lên tới 4,8 tỉ đồng); bệnh nhân Quách Thị Hoài A. (Bình Định; 2,6 tỉ đồng); bệnh nhân Nguyễn Trường S. (TP. HCM; 2,4 tỉ đồng); bệnh nhân Bùi Văn T. (Hà Nam; 1,8 tỉ đồng); bệnh nhân Lê Văn Q. (Khánh Hoà; 1,4 tỉ đồng); hay như bệnh nhân Phan Khắc H. (Hà Nội; 1,2 tỉ đồng)…
Mục tiêu đến năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia BHYT là hoàn toàn có khả năng thực hiện được và phấn đấu tới năm 2025 có trên 95% dân số có bảo hiểm y tế theo mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra.
Tin rằng với những mục tiêu đặt ra và những giải pháp cụ thể người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được phục vụ tốt hơn đó chính là đòn bẩy để thực hiện mục tiêu tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân.
Các thông điệp truyền thông Ngày BHYT Việt Nam:
* Thực hiện nghiêm Luật BHYT nhằm đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
* Sức khỏe cộng đồng gắn liền với BHYT toàn dân.
* BHXH, BHYT - Trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.
* Tham gia BHYT là quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
* BHYT chia sẻ gánh nặng chi phí khám chữa bệnh với người mắc bệnh mạn tính.
* Các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHYT.
* Tham gia BHYT để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
* Thực hiện BHYT hộ gia đình để chăm sóc sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình.
* Phát động cuộc vận động toàn dân tham gia BHYT, phấn đấu mục tiêu đạt trên 90% dân số tham gia BHYT vào năm 2020.
* BHYT - Tấm thẻ vàng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
* Toàn xã hội chung tay để 100% người dân có thẻ BHYT.