CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:57

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về Lao động, Người có công và Xã hội

 

Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, chính sách việc làm, tiền lương...

Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, người có công và xã hội phù hợp với Hiến pháp năm 2013, phù hợp với các hiệp định thương mại và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đặc biệt đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, tạo lập đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động trong nước gắn với hội nhập quốc tế. Tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc giám sát, điều tiết cung - cầu lao động, nâng cao chất lượng công tác dự báo và thông tin thị trường lao động. Các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ được tăng cường, đặc biệt là phát huy vai trò trung tâm của các Trung tâm Dịch vụ việc làm khu vực trong kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động với các địa phương có nguồn lao động lớn; đa dạng hoá các hoạt động giao dịch việc làm. Tăng tần suất, nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch việc làm tại địa phương; kết nối hệ thống thông tin thị trường lao động địa phương với hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ân cần trò chuyện, thăm hỏi các em thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tiêu biểu vươn lên trong học tập. Ảnh: Tuấn Anh

Đẩy mạnh thực hiện chính sách việc làm thông qua các dự án, hoạt động sử dụng vốn ngân sách nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương, từng vùng, miền theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng việc làm. Thúc đẩy chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp, chú trọng giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp do việc tích tụ, tập trung ruộng đất hoặc thu hồi đất phát triển công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng; cho thanh niên và sinh viên mới tốt nghiệp. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, xuất khẩu lao động cho nhóm lao động yếu thế, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, thanh niên nông thôn. Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động làm việc ở nước ngoài, bảo vệ tốt quyền lợi của người lao động, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý và nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định, quy trình cấp phép cho lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong sử dụng lao động người nước ngoài cũng như công tác quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam của các cơ quan quản lý nhà nước.

Dự thảo cũng chỉ rõ, trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương theo hướng tăng cường thương lượng, thỏa thuận tiền lương theo nguyên tắc thị trường gắn với tăng năng suất lao động và hiệu quả công việc. Thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo lộ trình phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động đang làm việc và đối với người nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí. Đổi mới cơ chế quản lý tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước theo hướng gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản trị doanh nghiệp, tạo thuận lợi hơn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đồng thời đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014; Bộ luật Lao động; Luật Việc làm; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước  đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014... Tăng cường thực hiện cơ chế đối thoại và thỏa thuận về tiền lương, quan hệ lao động giữa các bên, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ. Chủ động theo dõi, nắm bắt phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, nhằm giảm thiểu các vụ đình công, lãn công của người lao động. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, thích ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế. Ưu tiên, tập trung đầu tư hình thành mạng lưới các trường chất lượng cao cũng như nâng cao chất lượng đào tạo một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phát triển đa dạng các hình thức dạy nghề cho lao động nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch, đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nhân lực của đất nước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tặng quà gia đình ông Phạm Văn Thanh, hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn Thành phố Nam Định. Ảnh : Mạnh Dũng

Hoàn thiện chính sách người có công với cách mạng

Chính sách đối với người có công với cách mạng được tiếp tục hoàn thiện, nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công phù hợp với lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu đảm bảo hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư cùng nơi cư trú. Xử lý dứt điểm các trường hợp tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công, đặc biệt đối với liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin”; đôn đốc hoàn thành thực hiện đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công có khó khăn về nhà ở. Quy hoạch, đầu tư nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình - phục hồi chức năng đáp ứng yêu cầu điều trị, phục hồi chức năng, sức khỏe cho người có công. Đầu tư, tôn tạo các nghĩa trang liệt sỹ, công trình tưởng niệm liệt sỹ. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng.

Đặc biệt, chính sách giảm nghèo sẽ đổi mới, từ tiếp cận đơn chiều (dựa vào thu nhập) sang đa chiều (dựa vào các yếu tố khác ngoài thu nhập). Triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, tập trung nguồn lực trước hết vào thực hiện ở những nơi khó khăn nhất, nghèo nhất để giảm nghèo bền vững; tổng kết các mô hình giảm nghèo, an sinh xã hội đã và đang thực hiện có hiệu quả ở địa phương để có cơ sở hoàn thiện và nhân rộng ra các địa phương khác. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chính sách giảm nghèo hướng tới thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhất là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; chuyển dần sang hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng, nhằm khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo... Nhân rộng các mô hình hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo bền vững có hiệu quả.  Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội như rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội phù hợp với thực tiễn đất nước và hội nhập quốc tế; mở rộng đối tượng, nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện được hưởng trợ giúp xã hội. Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đối tượng bảo trợ xã hội theo hướng phát hiện sớm, can thiệp, trợ giúp kịp thời những người dân có vấn đề xã hội; tiếp nhận đối tượng trong trường hợp khẩn cấp, ngắn hạn; hỗ trợ chăm sóc và phục hồi đối tượng tại gia đình, cộng đồng. Phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, nhân đạo phi Chính phủ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận để hỗ trợ, chăm sóc đối tượng dựa vào cộng đồng, tạo điều kiện, cơ hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội có cuộc sống ổn định, hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất, bảo đảm người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao quà và học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Quảng Ninh. nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2016.  Ảnh: Tuấn Anh

Tăng cường công tácthanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật, chính sách lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách lĩnh vực lao động, người có công và xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, sẽ tập trung xử lý, làm chuyển biến rõ nét những vấn đề xã hội còn bức xúc, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm. Thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo. Xử lý nghiêm các đối tượng không thực hiện, thực hiện không đầy đủ quyết định thanh tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định thu hồi. Thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, không để tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm các quy định về kê khai tài sản, minh bạch thu nhập...

Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH cũng sẽ đặc biệt quan tâm đến xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em; tạo sự chuyển biến tích cực về cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, đồng thời mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ và phúc lợi xã hội dành cho trẻ em. Hỗ trợ bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em vùng nông thôn nghèo, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em và trẻ em giữa các vùng, miền. Nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em. Ngoài ra, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai và phòng, chống tệ nạn mại dâm: Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quản lý người nghiện ma túy. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cải cách hành chính, triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tiếp tục quy hoạch, đầu tư phát triển các cơ sở sự nghiệp thuộc Bộ, ngành. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, hoạch định, tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, đề án về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Cũng theo Dự thảo, trong giai đoạn này sẽ mở rộng diện tham gia và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng; các hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động. Tăng cường quản lý nhà nước về công tác an toàn - vệ sinh lao động, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Tăng đầu tư cho hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe cho người lao động hỗ trợ duy trì khả năng tham gia lao động cho người lao động sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người lao động tham gia cải thiện điều kiện và môi trường lao động giảm.

Chỉ tiêu của ngành LĐ-TB&XH giai đoạn 2016 - 2021

Tạo việc làm, phát triển thị trường lao động:- Giải quyết việc làm cho 7.500.000 - 8.000.000 người, gồm: Tạo việc làm trong nước cho 7.000.000 - 7.500.000 người (trong đó: tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 3.500.000 lao động); số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 500.000 người). - Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động đạt 50% vào năm 2020.nGiáo dục nghề nghiệp:- Tuyển mới 10.750 .000 người (trong đó, trình độ trung cấp và cao đẳng là 1.350.000 người; trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 9.400.000 người). - Tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo đạt 9.451.000 người (trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 991.000 người).

Đến năm 2020 đảm bảo 99% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; phấn đấu 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công.nBảo trợ xã hội: 100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 85% các đối tượng người khuyết tật được tiếp cận tối thiểu một trong các dịch vụ trợ giúp xã hội.

Đến năm 2020 có 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; 85% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

Tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý đạt 90% vào năm 2020; giảm tỷ lệ điều trị cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm cai nghiện xuống còn 6%; số người bán dâm được tiếp cận tối thiểu một trong các dịch vụ hỗ trợ xã hội khoảng 75.000 lượt người (trong đó, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho 25.000 lượt người).

Huyền Minh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh