Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu 5 vấn đề trước mắt Ngành LĐ-TB&XH cần tập trung giải quyết
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 23:45 - 14/04/2016
*Nỗ lực đổi mới vì sự phát triển của ngành LĐ-TB&XH
Ký kết biên bản bàn giao giữa nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Tại Lễ bàn giao, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, với trên 40 năm công tác của mình, bà đã có 11 năm gắn bó với Ngành, trong đó 5 năm trên cương vị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Đây là quãng thời gian có ý nghĩa, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong cuộc đời, trước hết là được sống, làm việc trong một tập thể đoàn kết, giàu ý chí, khát vọng vươn lên – một tập thể luôn luôn biết lắng nghe nên đã làm được nhiều việc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Trong 5 năm qua, cùng với sự chung tay, góp sức, ủng hộ của tập thể các đồng chí Lãnh đạo Bộ cùng đội ngũ công chức, viên chức của Bộ, Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, gặt hái được nhiều thành quả quan trọng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Đó là, lần đầu tiên Ngành đã tham mưu với Trung ương Đảng ban hành được một Nghị quyết đầu tiên về an sinh xã hội - Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”. Trong lĩnh vực lao động, việc làm, Bộ đã trình và được Quốc hội thông qua được 4 Luật, bao gồm: Bộ luật Lao động sửa đổi, Luật An toàn vệ sinh lao động, luật bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Những luật trên có tác động trực tiếp đến đảm bảo thực hiện chính sách đối với người lao động. Trong lĩnh vực người có công, Bộ đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để sửa đổi Pháp lệnh Người có công, tập trung cao trong việc kiểm tra, thanh tra xử lý sai phạm trong lĩnh vực này, đề xuất với Chính phủ triển khai Đề án tìm kiếm danh tính hài cốt liệt sĩ, phối hợp với Bộ Quốc phòng sửa đổi Pháp lệnh về Mẹ Việt Nam Anh hùng. Về lĩnh vực trợ giúp xã hội, Bộ đã giúp Đảng, Nhà nước nghiên cứu, ban hành chuẩn nghèo đa chiều, nâng mức trợ cấp xã hội cho đối với các đối tượng yếu thế v.v
Nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng bày tỏ sự tin tưởng vào tân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung – người đã có quá trình trưởng thành từ cơ sở, trải qua nhiều vị trí sẽ tiếp bước cùng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, xây dựng Ngành LĐ-TB&XH thành một tập thể đoàn kết, mạnh mẽ, đủ bản lĩnh, trí tuệ, tiếp tục đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ và những công việc mới được Đảng, Nhà nước giao phó.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã cảm ơn nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền và cho biết, ông cùng tập thể lãnh đạo bộ sẽ nỗ lực đổi mới để hoàn thành nhiệm vụ " Tôi xin trân trọng cảm ơn Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã trao cho tôi trọng trách Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, tôi ý thức rất rõ ràng, đây là vinh dự nhưng trên hết vẫn là trách nhiệm nặng nề được giao phó với cương vị đứng đầu một Bộ có vai trò, vị trí quan trọng, có quy mô lớn, chức năng nhiệm vụ nặng nề; công việc gắn với cuộc sống thường ngày của người dân"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng hoa Nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền
Giải quyết trước mắt những vấn đề còn tồn đọng
Về nhiệm vụ trước mắt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tập thể lãnh đạo các đơn vị: Thứ nhất, tập trung rà soát, đánh giá lại tổng thể các chính sách an sinh xã hội trên mọi lĩnh vực để sửa đổi bổ sung, ban hành thay thế các chính sách mới sao cho phù hợp. Thứ hai, cần tăng cường quản lý, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu lao động, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ ba, rà soát, thực hiện đầy đủ các chính sách, huy động mọi nguồn lực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công. Thứ tư, thực hiện tốt chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, cải thiện quan hệ lao động, điều kiện lao động, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đổi mới căn bản toàn diện vấn đề đào tạo, dạy nghề theo hướng tiếp cận thị trường. Thứ năm, đẩy mạnh giảm nghèo theo hướng bền vững, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội, tăng cường bảo đảm các quyền của trẻ em...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo những vấn đề cần sớm thực hiện
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng bày tỏ trăn trở trước những vấn đề còn tồn đọng của ngành “Chúng ta có 8 triệu người có công, gần 3 triệu người hưởng chính sách trợ cấp xã hội, nhưng trong điều kiện thu nhập của bộ phận dân cư này còn rất thấp, cuộc sống tối thiểu còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, một bộ phận đáng ra phải được hưởng chính sách này nhưng vì nhiều lý do khác nhau bộ phận này chưa được hưởng. Tiếp đó, vấn đề nâng lương của người lao động trong các doanh nghiệp cũng đang nhức nhối…Bên cạnh đó, hiện nay, gần 200.000 sinh viên của chúng ta không có việc làm và thất nghiệp. Đây là hệ lụy rất lớn, vì vậy ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động, tìm kiếm thị trường thì cần phải tập trung đổi mới căn bản vấn đề dạy nghề. Rồi trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội, làm thế nào để môi trường sống của người dân được bình yên. Đối với lĩnh vực trẻ em thì cần quan tâm đến nhóm trẻ em đặc biệt, trẻ em bị xâm hại …Cái gì chúng ta đang “nợ” dân thì tập trung xử lý cái đó trước…”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ