THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:47

Dấu ấn của “Tư lệnh” ngành LĐ-TB&XH: Phạm Thị Hải Chuyền

Những dấu ấn khó quên
Với vẻ giản dị thường thấy, câu đầu tiên Bộ trưởng vui vẻ nhắc đến tập thể anh em trong Bộ: “Nếu nhìn lại 5 năm vừa rồi, tập thể lãnh đạo Bộ, anh em, lãnh đạo các đơn vị đều tâm huyết, có nhiều cố gắng và thực hiện với một quyết tâm cao, hoàn thành nhiều chính sách mới với các nhóm đối tượng trong lĩnh vực Lao động (LĐ), người có công (NCC), các đối tượng bảo trợ xã hội”. Bộ trưởng cho biết, Bộ trưởng vẫn còn nhiều trăn trở với ngành.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trao đổi với các nhà báo bên hành lang Quốc hội 
Cũng ít người biết rằng, nữ “Tổng tư lệnh” ngành LĐ-TB&XH từng là đại biểu trẻ nhất tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ  IV(năm 1976) khi mới 24 tuổi, Bí thư huyện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc. Được Quốc hội tín nhiệm giữ cương vị “Tư lệnh” Ngành LĐ-TB&XH  từ tháng 8/2011, một nhiệm kỳ không phải là dài, nhưng Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã tạo nên những dấu ấn khó quên trong tư duy lập kế hoạch, điều hành các chính sách lao động, người có công và xã hội, xuyên suốt từ trung ương tới địa phương. 
Chia sẻ về công tác điều hành của cá nhân Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, đại biểu QH Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng: “Đảm nhiệm vị trí “Tư lệnh” Ngành LĐ-TBXH, Bộ trưởng Chuyền với tư duy sắc sảo và tinh thần đổi mới trong chỉ đạo, điều hành đã giúp một ngành chuyên về chính sách lao động, việc làm và người có công phát triển, tạo dấu nhiều đổi mới, hướng tới đảm bảo an sinh xã hội. Điều này, chúng tôi đánh giá rất cao ở Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền”.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, sinh năm 1952, ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa X, XI và cũng không phải người “xa lạ” với ngành LĐ-TB&XH. Vì trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, bà đã từng giữ chức Phó Trưởng Ty Lao động tỉnh Hà Bắc (1986- 1992). Sau đó, bà được tín nhiệm giao đảm nhận lần lượt các trọng trách quan trọng khác. Và tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, thay người tiền nhiệm Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Trung ương Đảng khóa XI.
Chia sẻ về nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: “Nhiệm kỳ 5 năm, là Bộ trưởng, việc chính là xây dựng luật, triển khai Luật. Và những Luật ấy phải sát thực tế, để những đối tượng được hưởng chính sách thấy hài lòng. Đấy là mục tiêu cao nhất”. Chia sẻ bên hành lang QH, Bộ trưởng cũng cho biết, đây là nhiệm kỳ nhiều Luật nhất, có 6 Luật : Bộ luật Lao động sửa đổi, Luật Dạy nghề, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật tTẻ em, và đặc biệt có Pháp lệnh Người có công sửa đổi. 
Còn rất nhiều trăn trở với ngành
Với những Luật mới, hay pháp lệnh ấy, như NCC từ trước khi sửa pháp lệnh đến khi ban hành mức hưởng cao hơn, đời sống NCC được cải thiện. Bộ trưởng chia sẻ: “Việc Chính phủ đồng ý nâng mức chuẩn trợ cấp, từ 180 nghìn đồng/ tháng lên 380 nghìn đồng/ tháng, tuy mức đấy nếu nhìn chung còn thấp so với nhu cầu thực tế của từng đối tượng, nhưng với khả năng ngân sách của Chính phủ thì đó cũng là những cố gắng. Các chính sách đều được tăng so với trước. Trăn trở của tôi còn nhiều lắm. Nếu kinh tế mà phát triển thì mức trợ cấp, các chính sách đối với người LĐ, NCC… dành cho các đối tượng sẽ được cao hơn. Và như vậy sẽ ổn định xã hội hơn, và người dân phấn khởi”. Đồng thời Bộ trưởng cũng không quên bày tỏ tin tưởng đối với người kế nhiệm sau mình.
Bộ trưởng trao đổi với đại biểu Quốc hội
Ngoài những trăn trở đối với chính sách NCC, Bộ trưởng vẫn còn đó canh cánh nỗi lo cho người lao động. Liên quan đến mặt bằng tiền lương của người lao động, theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, dù Chính phủ đã có lộ trình nâng lương tối thiểu vùng hàng năm, nhưng so với nhu cầu tiêu dùng tối thiểu thì người lao động bình thường vẫn khó khăn. Bộ trưởng nói: “Chính phủ rất trăn trở nhưng khi nghe tình hình của doanh nghiệp cũng lại thấy trăn trở, nếu lương tăng cao nữa sẽ rất khó cho họ. Chính bởi vậy phải làm thế nào cởi được nút thắt, để doanh nghiệp có điều kiện phát triển tốt hơn, từ đó đời sống của người lao động sẽ được cải thiện hơn. Đó là cách tốt nhất chứ không phải yêu cầu doanh nghiệp nâng lương cho người lao động khi họ còn khó khăn. Ngược lại cũng không thể chấp nhận khi doanh nghiệp làm ăn tốt mà đời sống người lao động lại thấp”,

Bộ trưởng cũng cho rằng, tới đây khi đã hội nhập TPP, và ASEAN trở thành một cộng đồng chung, nếu người lao động cứ trình độ, kỹ năng như hiện nay sẽ rất khó có việc làm tốt. “Cùng với việc Nhà nước tạo các cơ chế, tôi mong muốn người lao động phải chủ động trong chất lượng lao động của mình, như kỹ năng, ý thức và chuyên môn nghiệp vụ để có được việc làm tốt hơn. Đối với các bạn trẻ, tôi khuyên nếu có kiến thức rồi thì nên chủ động vay vốn, mở doanh nghiệp, chủ động tìm hướng đi mới, đó chính là hướng đi tốt nhất để tạo được nhiều việc làm”, Bộ trưởng nhấn mạnh

“Hưu rồi, tôi vẫn ưu tiên cho ngành”

Trong nhiệm kỳ của mình, cá nhân Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã tạo dấu ấn trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành LĐ-TB&XH vượt qua nhiều thử thách, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xuất khẩu LĐ, giảm nghèo... Cùng với đó, là việc triển khai Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về  Tổng rà soát Chính sách NCC, xây dựng Chương trình giảm nghèo đa chiều, chú trọng thúc đẩy tăng năng suất LĐ khi Cộng đồng ASEAN hình thành, thúc đẩy thực hiện các cam kết của Hiệp định TPP, đã được Chính phủ ký kết- Các lĩnh vực này được bà luôn coi là những vấn đề trọng tâm trong suốt nhiệm kỳ qua. 

Còn nhớ, năm 2015, dù gặp nhiều biến động trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn đạt mốc kỷ lục đưa 120.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài, giúp hàng vạn hộ gia đình thoát nghèo, thậm chí trong số đó có hàng nghìn LĐ khi trở về nước đã vươn lên làm giầu. Việc đưa LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, không chỉ tăng về số lượng mà còn dần tăng về chất lượng khi LĐ trình độ cao Việt Nam đã có nhièu cơ hội sang Nhật Bản, CHLB Đức, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),... làm việc trong một số ngành nghề, lĩnh vực mới đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao. 
Bên cạnh việc giám sát thường xuyên các doanh nghiệp trong công tác tuyển chọn, đào tạo LĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài, những năm qua ngành LĐ-TB&XH không ngừng triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo cho người LĐ. Có thể thấy, đó là dự án Hỗ trợ đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Việc làm và Dạy nghề; Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu LĐ, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững giai đoạn 2009- 2020. Để hướng tới mục tiêu việc làm bền vững cho người LĐ, nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ; trong đó có đề xuất sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Người có công. Cũng trong  2015-năm tiến hành rà soát và xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, giai đoạn 2016- 2020. Có thể khẳng định, Chương trình Tổng rà soát NCC được triển khai đồng bộ, toàn diện trên phạm vi cả nước là một trong những sự kiện nổi bật của Ngành LĐ-TB&XH thời gian qua. 
Đúng như đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) chia sẻ, những công việc của Bộ LĐ-TB&XH là rộng lớn và khá “nặng”, đặc biệt với vị “Tổng tư lệnh” là nữ. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng,  Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã đảm đương, “quán xuyến” rất linh hoạt, mềm dẻo, nhưng cũng không kém phần cương quyết. Ngay cả các thắc mắc đa chiều của cử tri, của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng đều giải đáp thấu đáo, làm thỏa mãn thông tin của các đại biểu. 
Một cách chừng mực và khiêm nhường, Bộ trưởng không chỉ đánh giá riêng hoạt động điều hành của Ngành LĐ-TB&XH nhiệm kỳ vừa qua, một cách ngắn gọn: Những thành tựu của công cuộc đổi mới  của đất nước 30 năm qua( 1986-2016) là không thể phủ nhận, trong đó có sự đóng góp lớn của Ngành LĐ-TB&XH trong đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền vẫn trầm ngâm:  “Tôi vẫn trăn trở lắm, vì nước ta trải qua chiến tranh rất dài, đối tượng người có công rất lớn, hơn 8 triệu NCC, gần 3 triệu người hưởng trợ cấp thường xuyên…
Do đó, Bộ trưởng bày tỏ kỳ vọng: "Người kế nhiệm tôi, không chỉ kế thừa, phát huy mà cần thực hiện điều hành tốt hơn nữa. Hưu rồi, tôi vẫn ưu tiên cho ngành”, Bộ trưởng cho biết, vì với 5 năm gắn bó, tình yêu với ngành, với rất nhiều người dân trong cuộc sống vẫn còn sâu nặng lắm… 

Thanh Nhung / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh