THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:53

Ngành du lịch sắp được “cứu vãn”?

Giảm giá kịch sàn vẫn ế khách

Các khách sạn trên phố cổ Hà Nội vốn có lượng khách chủ yếu là khách nước ngoài. Do đó, lệnh cấm nhập cảnh khiến những khách sạn này rơi vào cảnh "trống phòng" nhiều ngày qua. Nhiều khách sạn trên các tuyến phố như Hàng Giầy, Hàng Buồm, Cầu Gỗ,... đều chung tình cảnh "cửa đóng, cài then", vắng bóng khách du lịch. Một số khách sạn tuy có hoạt động nhưng chỉ mang tính cầm chừng vì đã giảm đến 70% giá phòng.

Ngành du lịch sắp được “cứu vãn”? - Ảnh 1.

Ngành kinh doanh khách sạn điêu đứng vì Covid -19.

Cụ thể, với các khách có nhu cầu nghỉ theo giờ giá phòng chỉ từ 80.000 đến 200.000 đồng cho 2 giờ đầu tiên. Khách có nhu cầu nghỉ qua đêm, giá phòng cũng chỉ từ 200.000 đến 500.000 đồng.

Báo cáo mới nhất của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, ngoài tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ngày Quốc khánh 2/9 năm nay được nghỉ 1 ngày nên lượng khách du lịch đến Hà Nội không nhiều. Các cơ sở lưu trú du lịch khá vắng khách, mặc dù giá dịch vụ tại các cơ sở lưu trú giảm tới 40-60%.

Tiêu biểu như khách sạn Pan Pacific ưu đãi hơn 40% còn 1,9 triệu đồng/đêm phòng Deluxe, tặng 500.000 đồng cho dịch vụ ẩm thực, ưu đãi 30% ăn uống tại nhà hàng và bar; InterContinental Hanoi Landmark 72 giá 4 triệu đồng/đêm với ưu đãi: Buffet sáng, trưa hoặc bữa tối cho 2 người, miễn phí nâng hạng phòng, ưu đãi 20% tại nhà hàng, quán bar, giảm 30% khi đặt phòng thứ 2; miễn phí dịch vụ trong khách sạn. Đặc biệt, khách sạn Metropole giá 1,160 triệu đồng/ngày bao gồm phòng ngủ thuộc khu vực Opera Wing, sử dụng hồ bơi, phòng gym và một số đồ uống không cồn tại bar...

Mặc dù giảm giá mạnh nhưng công suất bình quân sử dụng buồng phòng khá thấp, ước tính khối khách sạn 1-5 sao đạt 10,6%, giảm 53,4 % so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể: Khách sạn Lotte đạt 30%, Khách sạn Metropole 25%, Crown Plaza Hà Nội 18%; Deawoo 7%...

Nguyên nhân phân khúc khách sạn cao cấp 3-5 sao như: Hilton, Hanoi Opera, Melia, Authentic Hanoi, Thắng Lợi,... rơi vào khủng hoảng trầm trọng bởi các khách sạn này chủ yếu phục vụ khách quốc tế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, hiện lượng khách quốc tế sang Việt Nam rất ít.

Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt chuẩn phục vụ khách, mặc dù các cơ sở đồng loạt đưa ra các gói giảm giá dịch vụ từ 40-50% tuy nhiên lượng khách vẫn rất vắng. Tại các khách sạn, nhà hàng và các trung tâm thương mại, mua sắm, ăn uống, giải trí... lượt khách và sức mua rất hạn chế, ước doanh thu giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng hợp báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội cho thấy, tính đến ngày 31/8, Hà Nội có khoảng 950 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động với khoảng 16.000 lao động tạm thời không có việc làm.

Mở lại đường bay quốc tế - "cứu cánh" ngành du lịch

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất mở lại 6 đường bay quốc tế từ ngày 15/9. Các điểm đến dự kiến nối lại đường bay gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia. Với kế hoạch khai thác này, dự kiến số lượng hành khách nhập cảnh hàng tuần gần 5.000 khách, tại cả Hà Nội và TP.HCM. Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế công bố các yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc đối với hành khách khi nhập cảnh và công bố danh sách phòng xét nghiệm real-time PCR do Chính phủ Việt Nam phê duyệt để thông báo các đối tác, hành khách.

Ngành du lịch sắp được “cứu vãn”? - Ảnh 2.

Mở lại đường bay quốc tế sẽ giúp phục hồi nền kinh tế không khói.

Để có thể triển khai kế hoạch khai thác thường lệ nêu trên, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế công bố các yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc đối với hành khách khi nhập cảnh và công bố danh sách phòng xét nghiệm real-time PCR do Chính phủ Việt Nam phê duyệt để thông báo các đối tác, hành khách.

Theo các chuyên gia, đường bay quốc tế mở cửa trở lại là cách "cứu vãn" ngành hàng không khôi phục du lịch, thông thương hàng hóa để phục hồi nền kinh tế. Tại châu Á, Singapore tiên phong mở đường bay đi một số nước từ đầu tháng 9. Trong thực tế, Thái Lan, Nhật Bản và Hong Kong cũng đã kêu gọi nối lại các đường bay quốc tế để cứu hàng không, giao thương hàng hóa...

TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông cho rằng, xem xét mở lại đường bay quốc tế là cần thiết. Vấn đề quan trọng nhất là bao giờ mở lại và mở như thế nào cho an toàn. Thực tế trong thời gian qua, chúng ta vẫn thực hiện những chuyến bay quốc tế mà vẫn bảo đảm được công tác phòng dịch. Tuy đây không phải là những chuyến bay mở, khai thác thương mại. "Theo quan điểm của tôi, nên xem xét mở lại đường bay quốc tế nhưng phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm an toàn phòng dịch. Đóng cửa mãi cũng không được nhưng một khi mở lại thì phải an toàn" – TS Nguyễn Hữu Đức nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, TS Lê Đăng Doanh cho biết: "Một số nước trên thế giới đã mở những khu du lịch, khách sạn chất lượng cao làm địa điểm cách ly cho khách du lịch mới đặt chân đến nước họ nhưng thuộc diện phải cách ly y tế. Đây còn gọi là những khu cách ly có tính chất du lịch và phải trả phí. Chúng ta cũng có thể mở những khu nghỉ dưỡng, những khách sạn chất lượng cao để làm nơi cách ly cho khách du lịch như thế".

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng của cả nước ước tính đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, giảm 54,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10%). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Khánh Hòa giảm 76,6%; TP.HCM giảm 72%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 67,2%; Quảng Nam giảm 66,5%; Kiên Giang giảm 64,7%; Đà Nẵng giảm 63,6%; Hà Nội giảm 42,2%...

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh