Ngành điện gắn biển công trình Trung tâm Điều khiển xa tại Nam Định
- Huyệt vị
- 21:53 - 20/09/2019
Ông Vũ Dũng Tiến – Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực Nam Định cho biết: Việc xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển xa là một trong những công trình trọng tâm của phong trào thi đua lao động sản xuất phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019 của Công ty Điện lực Nam Định, góp phần xây dựng lưới điện thông minh đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh trong thời đại công nghiệp 4.0.
Theo ông Trần Mạnh Sỹ - Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định, thực hiện định hướng của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, Công ty Điện lực Nam Định đã và đang thực hiện đầu tư xây dựng lưới điện thông minh để thích ứng với thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về dịch vụ điện phục vụ khách hàng. Cùng với phong trào thi đua gắn liền với thực hiện tốt chủ đề năm 2019 về "Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện", Ban Giám đốc và Công đoàn Công ty đã phát động phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển xa điều hành lưới điện khu vực tỉnh Nam Định.
Theo đó, giai đoạn 2018 - 2019, Công ty thực hiện đầu tư hơn 48 tỷ đồng để cải tạo phòng điều khiển tại trụ sở Công ty thành Trung tâm Điều khiển xa với việc xây dựng mới hệ thống máy chủ, hệ thống Camera, hệ thống hiện thị giám sát, thu thập dự liệu, điều khiển thao tác từ xa các thiết bị trong quá trình vận hành lưới điện. Kết nối thu thập thông tin giám sát quá trình quản lý vận hành từ các Trạm 110 kV và điều khiển các thiết bị trên lưới điện trung áp về Trung tâm điều khiển; cải tạo nâng cấp 02 TBA 110 kV thành các trạm biến áp không người trực có thiết bị điều khiển xa.
Song song với việc đầu tư, chuyển đổi Phòng Điều khiển thành Trung tâm Điều khiển xa, Công ty chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực để có đủ năng lực, trình độ vận hành thông suốt Trung tâm. Trong năm 2019, Công ty đã tổ chức đào tạo cho 23 cán bộ, nhân viên điều hành trung tâm bao gồm 13 trưởng kíp, 02 kỹ sư phương thức, 02 điều độ viên và 6 kỹ sư điều khiển hệ thống SCADA. Sau khi hoàn thành Trung tâm Điều khiển xa Nam Định, Công ty cũng đã lập các quy trình vận hành hệ thống công nghệ, vận hành và xử lý sự cố, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ…. tại 2 trạm biến áp 110kV không người trực là Ý Yên và Trực Ninh, sẵn sàng cho công tác kết nối và điều khiển từ xa.
Theo dự kiến, giai đoạn 2 từ năm 2020 đến năm 2021, Công ty Điện lực Nam Định sẽ tiếp tục cải tạo toàn bộ 9 trạm biến áp 110 kV còn lại thành các trạm biến áp không người trực có điều khiển xa và kết nối toàn bộ các thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung áp về Trung tâm Điều khiển xa, thực hiện thí điểm kết nối hệ thống đo đếm trên lưới điện hạ áp của Thành phố Nam Định về Trung tâm Điều khiển xa.
Thông tin về việc xây dựng lưới điện thông minh áp dụng các công nghệ hiện đại, ông Sỹ cũng cho biết, đơn vị đã đầu tư lắp đặt công tơ điện tử 1 pha, 3 pha, các thiết bị đóng cắt từ xa trên lưới điện trung áp như Recloser, LBS, Rơle kỹ thuật số…cũng như áp dụng các công nghệ hiện đại vào quản lý, vận hành lưới điện như sửa chữa, vệ sinh lưới điện Hotline, đo nhiệt độ đường dây bằng camera nhiệt, do kiểm tra phóng điện cục bộ PD; sử dụng Plycam kiểm tra lưới điện trên cao để kịp thời phát hiện, xử lý các khiếm khuyết trên lưới điện, nâng cao rõ rệt độ tin cậy cung cấp điện.
Việc xây dựng Trung tâm điều khiển xa là một bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hoá, tự động hoá hệ thống điện theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, góp phần nâng cao năng suất lao động, độ tin cậy cung cấp điện, chất lượng điện năng, đảm bảo an ninh chính trị, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Nam Định. Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định cũng chia sẻ thêm, lợi ích rõ nét nhất khi đưa Trung tâm điều khiển vào vận hành là nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động.
Trước kia, với chế độ trực 3 ca 5 kíp, mỗi trạm biến áp 110 kV truyền thống đòi hỏi phải có ít nhất 10 nhân viên vận hành thay phiên nhau trực. Khi đưa Trung tâm điều khiển vào vận hành và chuyển các trạm biến áp sang mô hình vận hành không người trực, các điều độ viên tại phòng Điều độ - nay Trung tâm điều khiển sẽ trực tiếp quản lý, giám sát và điều khiển thiết bị tại các trạm biến áp này. Như vậy, tại các trạm biến áp 110 kV sẽ không còn nhân viên vận hành trực tiếp, lực lượng này sẽ được Công ty sử dụng, bố trí vào các công tác khác. Đối với lưới điện, toàn bộ các thiết bị được điều khiển từ xa qua hệ thống mạng viễn thông dùng riêng và hệ thống các nhà mạng cung cấp. Đóng cắt thiết bị từ xa, đảm bảo vận hành an toàn tuyệt đối cho con người và thiết bị.