THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:29

Ngành dệt may: Làm gì để đón nhận cơ hội từ TPP

 

Luôn thiếu nhân lực  

Theo dự báo mới được Ngân hàng Thế giới, sau khi TPP đi vào thực tế, sản lượng XK dệt may của Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 41%, tương ứng với giá trị XK tăng thêm 11,5 tỷ USD đến năm 2020. Với đa số các dòng thuế quan được hạ xuống 0% là cơ hội không thể tốt hơn để XK dệt may gia tăng, đặc biệt là vào những thị trường quan trọng như Mỹ. Bên cạnh đó, nguồn đầu tư nước ngoài trong ngành dệt may cũng đã sẵn sàng đổ vào Việt Nam để được hưởng những lợi ích này.

Theo phân tích của ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đối với lĩnh vực dệt may, Hiệp định TPP sẽ có một số tác động lớn. Ngoài kim ngạch XK vào TPP trong những năm tới có thể tăng 15 - 20%/năm, thì TPP giúp tạo việc làm, giải quyết vấn đề lao động, nhất là lao động nông thôn. Do lao động dệt may không đòi hỏi nhiều lao động lành nghề, kỹ năng cao như một số ngành khác.

Do yêu cầu về LĐ của ngành này tăng cao nên khả năng đáp ứng của cơ sở đào tạo không theo kịp, dẫn đến tình trạng tranh giành LĐ giữa các DN trong ngành tăng lên mức báo động. Khi tình trạng này xảy ra, các DN càng ngại đào tạo người LĐ, vì khả năng họ rời bỏ Cty sau khi được đào tạo là quá lớn. Giải pháp được nhiều DN áp dụng là tăng thu nhập để giữ chân người LĐ hơn là tập trung đào tạo.

Tổng nhân lực của ngành dệt may hiện khoảng 2,5 triệu người, nhưng lao động công nghiệp chỉ chiếm khoảng 15%. Nghiêm trọng hơn, trên cả chuỗi cung ứng, trừ những khâu liên quan đến sản xuất may và sợi, thì nhân lực của ngành thiếu toàn diện, gần như không có đơn vị nào đào tạo lực lượng này.

Cảnh giác “bẫy” thu nhập thấp

Ông Erwin Schweisshelm, Giám đốc đại diện Viện FES tại Việt Nam chia sẻ, dệt may là một ngành công nghiệp nhẹ di chuyển với tốc độ rất nhanh về nơi có lao động giá rẻ. Ngành công nghiệp dệt may bắt đầu xuất hiện ở Tây Âu, rồi lan sang Đông Âu, rồi lại chuyển sang Trung Quốc. Do đó, ông Schweisshelm lưu ý cần phải quan tâm yếu tố lao động giá rẻ trong việc xây dựng chính sách khi thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.

Các chuyên gia cũng tập trung phân tích, trong ngành dệt may, các quốc gia đang phát triển dễ rơi vào cái bẫy năng suất lao động thấp và kẹt ở đó, nếu các quốc gia này không có những chiến lược, chính sách đúng đắn. “Indonesia là một quốc gia như vậy”- theo chia sẻ của ông Gatot Arya Putra, chuyên gia Phân tích chiến lược và Nghiên cứu Indonesia- “Với Indonesia, dệt may là một ngành quan trọng nhưng chúng tôi đã không có chiến lược đúng đắn và bị rơi vào bẫy năng suất lao động thấp”.

Cái bẫy ở đây được ông Putra lý giải do các nước đang phát triển cứ mãi cạnh tranh nhau vì những giá trị rất thấp trong chuỗi giá trị ngành dệt may. Theo đó, giá trị thấp thì trả lương cho nhân viên thấp; mà lương thấp thì chỉ đủ cho chi phí sinh hoạt, còn đâu để đầu tư cho phát triển nghề nghiệp. Thêm nữa, công nghệ ngành dệt may Indonesia đã rất lạc hậu dẫn đến năng suất thấp nhưng chính phủ lại không có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp nâng cấp công nghệ sản xuất.

“Hàn Quốc và Đài Loan cũng từng đi con đường dệt may và đối mặt với bẫy năng suất lao động thấp, nhưng họ đã vượt qua nhờ những chính sách hỗ trợ hợp lý của Nhà nước để chuyển sang những ngành công nghiệp khác có giá trị cao hơn. Nếu Việt Nam muốn đi theo con đường của Hàn Quốc thì rất cần Chính phủ phải biết làm gì ngay từ hôm nay. Để thoát khỏi cái bẫy này, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt chính sách công nghiệp và hỗ trợ về tài chính để giúp DN nâng cao năng suất lao động trong ngành này”, ông Putra khuyến nghị.Nếu ngành dệt may Indonesia vẫn còn loay hoay với những máy móc lạc hậu, năng suất thấp thì dệt may Việt Nam, như chia sẻ của ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thì Việt Nam có năng suất lao động kỹ thuật đứng top 3 trên toàn thế giới. Bài toán của Việt Nam, theo ông Trường, nằm ở chi phí quản trị công và vấn đề hợp tác giữa các DN dệt may trong nước. “DN cố gắng đầu tư công nghệ tiên tiến nhất, thì nâng cao được năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất. Nhưng nếu chi phí quản trị công ngày càng tăng thì tổng chi phí của DN khó có thể giảm được”, ông Trường phân tích.

Theo các chuyên gia, DN dệt may Việt Nam cần phải tỉnh táo, tự thân vận động để tận dụng được lợi thế mà TPP mang lại, bằng các chuẩn bị kỹ hơn về nguồn nhân lực, tìm hiểu những quy định, tiêu chuẩn bắt buộc tuân thủ, tăng cường liên kết giữa các DN liên quan và dự phòng nhiều vấn đề nảy sinh, chứ không nên trông chờ vào việc sẽ có phép màu tăng trưởng xảy ra, mà không phải trả giá.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh