CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:28

Ngành bảo hiểm trong bối cảnh toàn cầu hóa

 

Tham dự hội thảo có: PGS. TS Lê Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Lao động - Xã hội; TS Hoàng Bích Hồng, Trưởng Khoa Bảo hiểm cùng các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia và đại diện các công ty bảo hiểm.

PGS. TS Lê Thanh Hà phát biểu chỉ đạo Hội thảo

PGS. TS Lê Thanh Hà phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, PGS, TS Lê Thanh Hà nhấn mạnh: Toàn cầu hóa đã và đang tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi các nội dung, hình thức và hoạt động của tất cả các ngành, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm. Dưới sự tác động của toàn cầu hóa với sự ra đời của các công ty và tập đoàn tài chính xuyên quốc gia đang mở ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp bảo hiểm phát triển. Những thay đổi đan xen của các nhân tố thuận và nghịch là quá trình không đơn giản, bằng phẳng. Kể từ năm 2008 đến nay (sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới - WTO), bảo hiểm là một trong những lĩnh vực có mức độ cam kết mở cửa thị trường khá rộng trong dịch vụ tài chính.

Do vậy, việc tổ chức hội thảo này là rất cần thiết. PGS, TS Lê Thanh Hà mong các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận làm sâu sắc hơn vấn đề bảo hiểm trong bối cảnh toàn cầu hóa cả về lý luận và thực tiễn. Qua đó giúp Khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Lao động - Xã hội tiếp thu để thay đổi, điều chỉnh nội dung chương trình và nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn; để chuyên ngành bảo hiểm ngày càng có tính cạnh tranh, sát hơn với thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc kinh doanh khu vực Công ty Bảo hiểm Quân đội Việt Nam trình bày tham luận “Kinh nghiệm thực chiến trong thời kỳ thích ứng linh hoạt”

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc kinh doanh khu vực Công ty Bảo hiểm Quân đội Việt Nam trình bày tham luận “Kinh nghiệm thực chiến trong thời kỳ thích ứng linh hoạt”

Báo cáo đề dẫn, TS Hoàng Bích Hồng, Trưởng Khoa Bảo hiểm cho biết: Trong năm 2020 và 2021, nền kinh tế thế giới nói chung và ngành bảo hiểm nói riêng đã và đang chịu tác động to lớn từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chưa bao giờ những thay đổi và hành vi của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng như hành động của chính phủ các nước lại có mức độ ảnh hưởng và lan tỏa rộng lớn đến nhau như hiện nay. Đây cũng là kết quả tất yếu của xu hướng toàn cầu hóa đã và đang tồn tại trên thế giới.

Thêm vào đó, dưới tác động của đại dịch Covid-19, tầm quan trọng của các chuỗi cung ứng toàn cầu giảm thiểu rủi ro đang được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết đã cho thấy vai trò của ngành bảo hiểm trong nền kinh tế. Ngoài ra, bảo hiểm có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự tăng trưởng hài hòa và khả năng phục hồi bằng cách cung cấp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp phương tiện để chống chọi tốt hơn với các sự kiện gây sốc.

Để đáp ứng được với yêu cầu của toàn cầu hóa, ngành bảo hiểm cần có những động thái thay đổi để tận dụng thời cơ và đương đầu với thách thức trong bối cảnh mới, đồng thời có những biện pháp để đối phó với những hạn chế về việc đi lại do tác động của đại dịch.

TS. Hoàng Bích Hồng, Trưởng Khoa Bảo hiểm kết luận Hội thảo

TS. Hoàng Bích Hồng, Trưởng Khoa Bảo hiểm kết luận Hội thảo

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, một trong những đòi hỏi là làm sao nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đặc biệt là đối với ngành bảo hiểm vốn chịu tác động rất lớn của toàn cầu hóa. Với việc mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài, cạnh tranh thị trường bảo hiểm tại Việt Nam ngày càng gay gắt. Các doanh nghiệp trong nước muốn tồn tại và phát triển thì phải dựa vào nguồn nhân lực, trong đó chủ yếu là nhân lực do các trường đại học đào tạo.

Đối với Trường Đại học Lao động - Xã hội, hàng năm đã cung cấp cho thị trường lao động một lực lượng nhân lực bảo hiểm tương đối lớn. Và để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, trong những năm qua, Khoa Bảo hiểm luôn cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng để đào tạo ra các thế hệ sinh viên có trình độ cao. Ngoài việc tự nghiên cứu, Khoa cũng tổ chức các buổi hội thảo để giúp các thầy, cô học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn theo sát thực thế.

“Hội thảo “Ngành bảo hiểm trong bối cảnh toàn cầu hóa” là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia nghiên cứu và các cán bộ trong ngành tìm hiểu, trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến các khía cạnh hoạt động của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trong bối cảnh toàn cầu hóa; tổng kết đánh giá thực trạng ngành bảo hiểm trong những năm qua để đáp ứng các yêu cầu hội nhập và phát triển trong bối cảnh mới đồng thời đề xuất những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành bảo hiểm nói chung và ngành bảo hiểm ở Việt Nam nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay”, TS Hoàng Bích Hồng nêu rõ.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận và làm rõ nhiều vấn đề về bảo hiểm trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong đó tập trung vào 4 chủ đề chính:

Thứ nhất, ngành bảo hiểm trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tập trung nghiên cứu các vấn đề cấp bách hiện nay trong lĩnh vực bảo hiểm liên quan đến toàn cầu hóa như thách thức và cơ hội của doanh nghiệp bảo hiểm; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bảo hiểm; các quy định về chuẩn mực kế toán, giám sát hoạt động và các vấn đề về hoàn thiện chính sách trong xu thế hội nhập và phát triển. Ngoài ra, các đại biểu cũng trình bày các nghiên cứu về tác động của Covid-19 đến hoạt động của ngành bảo hiểm hiện nay và các gợi ý chính sách.

Thứ hai, tác động của khoa học công nghệ đến ngành bảo hiểm trong bối cảnh toàn cầu hóa với các bài viết và tham luận như: “Ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đến khả năng bảo hiểm rủi ro”; “Ứng dụng công nghệ blockchain trong kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa”… Các nghiên cứu trong chủ đề này tập trung phân tích các khía cạnh tác động của các yếu tố về công nghệ như trí tuệ nhân tạo, nền tảng kỹ thuật số, chuyển đổi số, insurtech đến ngành bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Thứ ba, các vấn đề về kinh doanh bảo hiểm trong bối cảnh hiện nay. Các nghiên cứu trong chủ đề này tập trung vào việc đánh giá nhiều khía cạnh cụ thể của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong các doanh nghiệp bảo hiểm, như: Các trường phái về lý thuyết quản trị; mối quan hệ giữa thương hiệu và ý định mua hàng hay các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ cụ thể của doanh nghiệp bảo hiểm. Từ đó, đề xuất các gợi ý chính sách cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Thứ tư, một số vấn đề về bảo hiểm xã hội trong bối cảnh hiện nay. Dưới tác động của toàn cầu hóa và đại dịch Covid-19, các nghiên cứu trong chủ đề này tập trung phân tích thực trạng cũng như những thách thức trong việc triển khai và tổ chức thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm.

THÙY HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh