THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:46

Chưa có hệ thống đào tạo chuyên nghiệp cho ngành bán lẻ,

 

Ngành bán lẻ hiện nay chưa có hệ thống đào tạo chuyên nghiệp

Công nghệ bán lẻ hiện đại

Theo các chuyên gia, xu hướng ngành bán lẻ toàn cầu là luôn thay đổi và phát triển trở thành công nghệ bán lẻ hiện đại, trong đó hiện nay, sự tích hợp giữa bán hàng tại cửa hàng thực và giao dịch thương mại điện tử đang rất phổ biến. Hiện nay, xu hướng bán lẻ hiện đại đã thể hiện rõ rệt và hầu như tất cả các định dạng bán lẻ trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam.

Ông Ralf Matthaes – Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Infocus Mekong Research cho biết, người dân ngày càng thay đổi cách tiêu dùng. Trong khi các doanh nhân biết rõ hơn về xu hướng tiêu dùng, có niềm tin hơn về sự phát triển của nền kinh tế, thì phần lớn người tiêu dùng vẫn còn hoài nghi, thiếu niềm tin, và tỏ ra dè dặt trong tiêu dùng. Sự bùng nổ của giao dịch thương mại điện tử cùng uy tín của các hãng bán lẻ đang thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ ngành bán lẻ, 80% doanh thu bán lẻ của Việt Nam đến từ các cửa hàng nhỏ lẻ.

Các doanh nghiệp đều nhận thấy tiềm năng của thị trường bán lẻ, nhưng để chiếm lĩnh thị trường thì rõ ràng đây là những thách thức không dễ vượt qua. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận xét, ngành bán lẻ Việt Nam sau một thời kỳ phát triển mạnh nay đã có dấu hiệu chững lại. Mục tiêu 40% mức bán lẻ hiện đại 2020 rất khó thực hiện. Đến nay, Việt Nam mới chỉ đạt tỷ lệ bán lẻ hiện đại khoảng 27-28%. Một trong những khó khăn để phát triển ngành bán lẻ ở Việt Nam chính là vấn đề nhân sự và công nghệ.

Nhu cầu nhân sự chất lượng cao

Công nghệ bán lẻ hiện đại trên thế giới luôn thay đổi. Các loại hình bán lẻ trên thế giới như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh đều đã có mặt ở Việt Nam nhưng mức độ phát triển chưa đồng đều, đội ngũ nhân sự chưa tốt. Cũng theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, rất nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội mong muốn thành lập một cơ sở đào tạo chuyên nghiệp về bán lẻ để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về những khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự ngành bán lẻ ở Việt Nam, ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng giám đốc Tiki.vn nêu ra thực tế một số doanh nghiệp bán lẻ có sự tăng trưởng nhanh như Lazada hay Tiki đều gặp thách thức về nhân sự. Tốc độ tuyển dụng nhân sự, đào tạo nhân sự chất lượng cao không theo kịp tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp.

Bà Trịnh Lan Phương, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Bibo Mart - chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp các sản phẩm dành cho mẹ và bé chia sẻ, khó khăn đầu tiên của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chính là nguồn nhân sự. Bibo Mart đã đầu tư rất nhiều vào đào tạo, sau khi tìm được nhân sự xác định sẽ gắn bó lâu dài, doanh nghiệp đã mạnh dạn thuê các chuyên gia giỏi từ nước ngoài về đào tạo cho nhân viên. Các bạn trẻ Việt Nam thường xác định học hết cấp 3 là thi đại học, học đại học xong là muốn tìm được công việc liên quan đến ngành được đào tạo, các công việc bán hàng, phục vụ chỉ được xem là một công việc tạm thời. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thiếu những trường đào tạo chuyên về bán lẻ. Vì vậy, để có nguồn nhân sự bán lẻ chính quy là rất khó khăn. Trong tương lai, bà Phương cũng mong muốn Việt Nam sẽ có những trường đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán lẻ.

Tại Việt Nam, tỷ lệ dân số thành thị tăng khoảng 3-4% mỗi năm, tương đương 3,5 triệu người, là một thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Bình quân mặt bằng bán lẻ hiện nay tại Hà Nội là 0,26 m2/người, TP HCM là 0,12 m2/người – thấp hơn rất nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok (0,89 m2/người), Singapore (0,75 m2/người), Bắc Kinh (0,65 m2/người)…

ANH QUANG - VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh