THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:35

Nâng cao hiệu quả đầu tư vùng dân tộc miền núi

Ngày 8/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và viện trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc miền núi. Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng  đại biểu của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ  đang hoạt động tại Việt Nam.


 

Hơn 200 triệu USD vốn đầu tư

Vùng dân tộc miền núi chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên của Việt Nam, là địa bàn sinh sống của gần 12,3 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước  và chiếm đến hơn 50% dân số nghèo. Đây là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường du lịch và kinh tế cửa khẩu, nhưng cũng là vùng khó khăn nhất, vùng sâu, vùng xa, biên giới địa hình hiểm trở, chia cắt phức tạp, dân cư phân tán, tỷ lệ đói nghèo cao nhất cả nước. Sản xuất chưa phát triển, trình độ dân trí thấp, chất lượng giáo dục thấp, nguồn nhân lực hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý và phát triển xã hội, bản sắc văn hóa ngày càng mai một, rừng bị tàn phá..., vấn đề di dân tự do diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh, chính trị của đất nước.

 

Vì vậy, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay có 130 chính sách dân tộc. Các chính sách khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín các địa bàn vùng dân tộc và miền núi. Ngân sách nhà nước tuy còn khó khăn nhưng Nhà nước đã ưu tiên bố trí nguồn lực kết hợp với nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và địa phương để hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc và miền núi.

 

Bộ đội Biên phòng giúp dân dẫn đường nước sạch tại huyện Bát Xát (Lào Cai)                 Ảnh: MD.

 

Tại hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương cho biết, thực hiện Quyết định số 2214/QĐ – TTg về Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, tính đến tháng 11/2014, trên địa bàn các địa phương vùng dân tộc và miền núi đã thu hút được 3.953 triệu USD, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại là 265 triệu USD, số vốn vay là 3.688 triệu USD. Dự kiến, số vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước  cho các địa phương có đông đồng bào dân tộc, miền núi là 1.385 tỷ đồng; vốn nước ngoài cho các địa phương có đông đồng bào dân tộc miền núi dự kiến sẽ giải ngân là 4.593 tỷ đồng tương đương khoảng 219 triệu USD.

 

Hội nghị đã nghe báo cáo về tình hình kinh tế xã hội ở Việt Nam và chính sách thu hút đầu tư và viện trợ nước ngoài cho vùng dân tộc thiểu số của Bộ KH&ĐT, những định hướng, công tác vận động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ cho vùng dân tộc thiểu số từ lãnh đạo Ban điều phối viện trợ nhân dân. Các đại biểu cũng thảo luận về phương hướng và biện pháp thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” và Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013-2017.

 

Cần có chính sách thu hút các nguồn lực

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: Các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, gắn việc qui hoạch với phát triển sản xuất và ổn định dân cư. Công tác quy hoạch phải gắn với quy hoạch tổng thể của cả nước, của vùng, tình hình thực tế của từng địa phương và đặc điểm của từng dân tộc. Phải khai thác tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất, chế biến nông, lâm nghiệp ở các tiểu vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy đặc sản; phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng phát triển thủy lợi vừa và nhỏ gắn với thủy điện theo quy hoạch.

 

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có chính sách hợp lý để thu hút mạnh mẽ nguồn lực để nâng cấp hạ tầng giao thông dưới nhiều hình thức đầu tư khác nhau như: Từ nhà nước, từ các đối tác phát triển, từ cộng đồng. Đặc biệt, huy động rộng rãi các nguồn tài trợ, gắn với đổi mới phương thức triển khai, nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, công tác an sinh xã hội. Tập trung vào các vấn đề về nhà ở, trường học, trạm xá, chăm sóc sức khỏe người dân, bảo tồn văn hóa các dân tộc, nước sạch, vệ sinh môi trường.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, ứng dụng công nghệ và chuyển giao khoa học công nghệ. Phổ biến, nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt qua hợp tác với các đối tác phát triển. Bên cạnh đó, cũng cần chỉ ra những hạn chế, bất cập của cơ chế chính sách; của công tác phối hợp tổ chức thực hiện để sớm bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách và nguồn lực phát triển vùng dân tộc, miền núi.”

 

Tại hội nghị, các tổ chức quốc tế đã cam kết trong 3 năm tới sẽ triển khai 261 chương trình, dự án nhân đạo và hỗ trợ phát triển với tổng số tiền trên 200 triệu USD tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam cũng cam kết sẽ viện trợ hơn 10.000 tỷ đồng, tương đương 480 triệu USD để hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội khu vực này trong năm 2015.   

  N. Síu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh