CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:59

Ngân hàng nào đang có nhiều nợ xấu nhất hiện nay?

 

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra, tính đến hết năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (nợ tiềm ẩn, có khả năng không mất vốn, phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng) và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% tổng dư nợ cho vay trong nền kinh tế. Tuy nhiên nếu tính cả nợ tiềm ẩn thì tỷ lệ này lên tới 10,08%, cao hơn rất nhiều con số thực.

Trong khi đó, nếu chỉ tính riêng nợ xấu nội bảng, thì đến hết quý I, tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên 160.000 tỷ đồng, riêng 12 ngân hàng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I đã chiếm tới 38% tổng nợ xấu nội bảng.

Nhà băng nào nhiều nợ xấu nhất?

Kết thúc 3 tháng đầu năm có hơn 160.000 tỷ đồng nợ xấu nội bảng của các TCTD trong hệ thống, con số này tương đương 2,56% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Riêng 12 nhà băng công bố báo cáo tài chính quý I đã nắm giữ tới 61.238 tỷ đồng nợ xấu nội bảng. Những ngân hàng sở hữu khối lượng nợ xấu lớn như BIDV 16.251 tỷ đồng, Sacombank 10.083 tỷ đồng, VietinBank 7.917 tỷ đồng...

 

Sacombank, BIDV là những ngân hàng có khối lượng nợ xấu đã bán cho VAMC lớn nhất tính đến hết năm 2016. Đồ họa: Quang Thắng.

 

Hiện tại chỉ có Vietcombank là ngân hàng duy nhất sạch nợ xấu đã bán cho VAMC.

Trong số 12 nhà băng, nhiều cái tên vẫn còn hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu bán cho công ty chuyên quản lý quỹ của các TCTD này.

Tính đến hết năm 2016, tổng nợ xấu 12 nhà băng này đã bán cho VAMC khoảng 73.974 tỷ đồng.

Xét về nợ xấu nội bảng, BIDV là ngân hàng có khối lượng nợ xấu lớn nhất hệ thống. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ đã bán cho VAMC thì Sacombank đang là nhà băng đứng số 1 nợ xấu cả về khối lượng và tỷ lệ trên dư nợ tín dụng.

Theo đó, tổng cộng nợ xấu nội bảng và đã bán cho VAMC của Sacombank lên hơn 47.843 tỷ đồng. Điểm sáng duy nhất trong khối nợ xấu của nhà băng này chính là số nợ có khả năng mất vốn đã giảm gần 7% so với đầu năm, xuống còn hơn 6.600 tỷ đồng.

 

BIDV, Vietinbank, VPBank là những nhà băng có mức nợ xấu gia tăng nhiều nhất trong quý I. Đồ họa: Quang Thắng.

 

Kết thúc quý I, chỉ có Sacombank và VIB là 2 nhà băng ghi nhận mức nợ xấu giảm so với đầu năm. 10 nhà băng có mức nợ xấu gia tăng phải kể tới BIDV, nợ xấu tăng thêm 1.822 tỷ đồng, VietinBank và VPBank cùng có mức tăng hơn 1.100 tỷ đồng.

Đối chiếu tỷ lệ nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 3% tổng dư nợ tín dụng, hiện nay có 3 nhà băng ghi nhận mức nợ xấu vượt ngưỡng cho phép, bao gồm Sacombank, VPBank và Eximbank. Lần lượt tỷ lệ nợ xấu của 3 ngân hàng này ở mức 4,9%; 3,5% và 3% trên tổng dư nợ cho vay, xét trên báo cáo tài chính hợp nhất các ngân hàng này công bố. Xét theo báo cáo tài chính riêng lẻ ngân hàng, nợ xấu của VPBank thấp hơn nhiều so với 3%, hai đơn vị là Sacombank, Eximbank cũng giảm so với mức trên. 

Đòi nợ xấu là đòi tiền của người dân đã gửi vào ngân hàng

Theo nhiều chuyên gia kinh tế và các lãnh đạo ngân hàng, nợ xấu từ lâu đã là một trở lực lớn, ảnh hưởng không chỉ tới ngành ngân hàng mà tới cả nền kinh tế.

Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn tín dụng ngân hàng. Việc tồn tại những khoản nợ xấu khổng lồ đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền chết không thể đưa vào nền kinh tế.

Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết điểm nghẽn trong xử lý nợ xấu của các ngân hàng chính là khâu xử lý tài sản.

Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết tại Vietcombank, có một doanh nghiệp vay tiền xây khách sạn ở Nha Trang hơn 1.000 tỷ đồng, quá hạn không trả nợ cũng không bàn giao lại tài sản cho ngân hàng.

Lãnh đạo này cho biết nếu khách hàng hợp tác không trả được nợ mà giao tài sản đảm bảo cho ngân hàng xử lý, thì ngay lập tức có thể thu hồi nợ gốc.

 

Theo ông Nguyễn Đức Hưởng: "Đòi nợ xấu chính là đòi tiền của người dân đã gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng". Ảnh: NHNN.

 

Còn theo ông Nguyễn Đức Hưởng – Cố vấn cấp cao tại LienVietPostBank, việc xử lý nợ xấu không phải chuyện riêng của ngành ngân hàng mà là của nền kinh tế.

“Đòi nợ xấu chính là đòi tiền của người dân đã gửi tiết kiệm vào ngân hàng”, ông Hưởng khẳng định.

Theo vị này, chủ nợ cần phải có quyền thu giữ tài sản đảm bảo khi khách hàng không thể thanh toán khoản nợ đến hạn.

Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất phải luật hóa đề án xử lý nợ xấu chứ không chỉ dừng lại ở mức nghị quyết, vì xử lý nợ xấu là vấn đề dài hạn, không thể giải quyết trong ngắn hạn.

“Làm ngân hàng từ chủ nợ lại trở thành con nợ. Chúng tôi đứng để cho vay nhưng phải quỳ để đòi nợ, phải đi xin, gõ cửa từng khách hàng, có trường hợp vài năm mới xử lý được dứt điểm nợ”, ông Hưởng chia sẻ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh