Ngăn chặn bùng phát bệnh tay chân miệng ở Lâm Đồng
- Dược liệu
- 15:52 - 16/09/2020
Sau khi tiếp nhận thông tin học sinh của trường mầm non Phù Mỹ ở huyện Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng, đồng loạt mắc bệnh tay chân miệng, các cơ quan y tế của tỉnh và huyện đã khẩn trương khoanh vùng xử lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Trung tâm y tế huyện và Trạm y tế thị trấn Cát Tiên đã tiến hành điều tra, giám sát. Kết quả đến nay có12 trường hợp học sinh mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 1 trẻ em được chữa trị tại Trung tâm Y tế Cát Tiên, 11 học sinh được theo dõi điều trị tại nhà
Tổng số học sinh mắc bệnh tay chân miệng lên Trung tâm y tế huyện Cát Tiên đã lấy một số mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng để xét nghiệm, đồng thời cấp tốc khám sàng lọc bệnh tay chân miệng cho hơn 260 học sinh trường Mầm non Phù Mỹ. Kết quả không phát hiện thêm bệnh nhân nào.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng cũng đã cử lực lượng phối hợp với các cơ quan y tế huyện Cát Tiên tiến hành phun xịt thuốc khử khuẩn tại trường và nhà của các học sinh bị tay chân miệng, vệ sinh trường lớp, các dụng cụ học tập, vui chơi, tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người dân trên địa bàn, hạn chế tiếp xúc ca bệnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng là dạng bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh chân tay miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh chân tay miệng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.
Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tại các tỉnh phía Nam, bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.
Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh chân tay miệng, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.
Dấu hiệu của bệnh chân tay miệng:
Dấu hiệu bệnh chân tay miệng ở trẻ em thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da…
Nổi ban trên da: Đây là dấu hiệu đặc trưng thường gặp khi trẻ bị chân tay miệng. Trong 1-2 ngày khi phát bệnh, trẻ sẽ có những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bọng nước.
Những ban đỏ này xuất hiện nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Những nốt ban có kích thước từ 2-5mm ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục.
Dấu hiệu nổi ban trên da bé thường không đau, không ngứa và có thể kéo dài tới 10 ngày. Loét miệng: Khi các ban đỏ xuất hiện quanh miệng sẽ gây loét miệng. Những vết loét thường có đường kính từ 4-8mm và ở trong miệng, trên lưỡi và vòm miệng của trẻ khiến bé gặp khó khăn khi nuốt. Với những dấu hiệu bệnh chân tay miệng này nhiều cha mẹ lầm tưởng bé bị viêm loét miệng thông thường.Tuy nhiên, cha mẹ cần hết sức lưu ý với những biểu hiện này, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác bệnh.