THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:20

Quãng Ngãi: Trẻ nhập viện do bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng

Số trẻ nhập viện bệnh tay chân miệng chiếm gần 1/3 số ca bệnh tại khoa

Theo thống kê tại Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi, mỗi ngày trung bình có 10-20 trẻ phải nhập viện vì bệnh tay chân miệng, chiếm gần 1/3 số ca bệnh tại khoa.

Đây là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, gặp nhiều nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh lây nhanh từ trẻ này sang trẻ khác từ các chất tiết mũi, miệng, phân, nước bọt lúc trẻ bệnh ho, hắt hơi. Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của bệnh tương đối nhẹ. Phụ huynh nên chú ý quan sát, phát hiện sớm để điều trị bệnh kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch, Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết: "Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có những đặc điểm như là: Loét miệng, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối. Có thể kèm sốt hoặc không. Nếu trẻ chỉ có loét miệng và nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối thì có thể chăm sóc tại nhà và theo dõi những diễn biến bất thường ở trẻ".

Quãng Ngãi: Trẻ nhập viện do bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng - Ảnh 1.

Bác sĩ kiểm tra vết bỏng nước trên cơ thể trẻ bị tay chân miệng.

Khi bị mắc bệnh tay chân miệng mức độ nhẹ, có thể chăm sóc trẻ tại nhà. Tuy nhiên vì tính chất dễ lây lan và việc phát tán mầm bệnh phụ huynh cần thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tránh làm tăng số trẻ mắc bệnh tại gia đình và cộng đồng.

Nếu chăm sóc trẻ ở nhà thì phụ huynh nên thường xuyên đưa đi khám bệnh hằng ngày và đến ngày thứ 8 của bệnh. Chăm sóc trẻ phụ huynh phải để ý trẻ sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C, ngủ giật mình hay run tay, run chân, quấy khóc, đi loạng choạng hoặc không chịu chơi, sốt liên tục, trường hợp này phải đưa trẻ đi nhập viện.

Có chế độ ăn hợp lý trẻ bị tay chân miệng

Theo bác sĩ Thạch những trẻ bị tay chân miệng nên cho bé ăn đồ lỏng, dễ tiêu, có thể để vào ngăn mát để trẻ đỡ bị kích thích miệng, ăn dễ chịu hơn. Vệ sinh răng miệng thường xuyên cho trẻ. Nên cho trẻ nghỉ học ít nhất là 10 ngày để tránh lây lan. Xử lý chế phẩm thải của em như dịch nôn, phân sạch sẽ, tránh lây lan bệnh cho trẻ khác.

Khi trẻ bị tay chân miệng, vấn đề kiêng khem ăn uống cũng rất quan trọng. Mẹ không nên cho trẻ bị bệnh ăn những thức ăn cứng, nóng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các vết loét, khiến trẻ đau đớn, khó ăn và khó nhai nuốt. Khi trẻ không muốn ăn thì đừng bắt ép.

Để tránh lây lan bệnh tay chân miệng, khi chăm sóc trẻ tại nhà, phụ huynh cần:

- Vệ sinh sạch sẽ nơi ở của trẻ, tẩy trùng các vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn hoặc bằng Cloramin B.

- Quần áo của trẻ nên ngâm trong nước nóng và phơi nắng sau khi giặt.

- Dùng riêng chén, ly, muỗng…

- Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi thay tã, quần áo và làm vệ sinh cho trẻ.

Để đề phòng bệnh Tay chân miệng cho con, cha mẹ hãy xem thêm thông tin TẠI ĐÂY.

MT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh