CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:23

Chuyện về "Ngã ba ông Nhu" ở Hà Tĩnh

 

 

Ông Bùi Văn Nhu hiến đất làm ngã ba đường làng (Ngã ba ông Nhu)

Đổi thay đến không ngờ

Trên bản đồ Hà Tĩnh, xã Kỳ Thượng được ví như một góc trời đói nghèo lạc hậu với đá sỏi đất cằn, đường sá khó khăn bị bao bọc bởi những dãy núi cao và con sông Rào Trổ dữ dằn! Dĩ nhiên đó chỉ là nỗi ám ảnh của hơn 5 năm trước, còn bây giờ mọi thứ đang đổi thay đến không thể ngờ.

Ông Bùi Văn Nhu nay đã 70 tuổi là người bản địa, hơn ai hết ông hiểu thế nào về nỗi cơ cực của quê hương. Thuở nhỏ, ông đã phải phải vào rừng  đi mỏi cái chân, chùn cái gối để đốn củi, đốt than, đào khoai mài… kiếm sống. Mãi năm 1965, khi tròn 18 tuổi ông Nhu mới tạm biệt được công việc lên rừng mưu sinh để vào quân ngũ. Sau ngày đất nước giải phóng ông trở về quê hương xây dựng gia đình, và lại tiếp tục cái nghiệp "đòn xóc hai đầu"  ở chốn nước độc, rừng thiêng.

Ấy vậy, khi nhà nước bắt đầu có chủ trương cấm khai thác các nguồn lợi từ rừng tự nhiên, ông đã  lập tức mang chiếc đòn xóc của mình đặt trước bàn thờ tổ tông khấn vái thề giã từ nghiệp rừng! Rồi ông lặng lẽ gác cất nó lên xái bếp như muốn nhắc nhở với con cháu, hãy coi đó như một kỉ niệm buồn!

Đó cũng là thời điểm ở vùng miền thượng Kỳ Anh ra đời nhà máy bột ngọt Vedan, ông đã vận động bà con khai hoang trồng sắn công nghiệp, hợp đồng với nhà máy nhập sản phẩm bao tiêu đầu ra. Bên cạnh đó, ông còn tổ chức chăn nuôi và nhận thêm 3 sào ruộng khoán của hợp tác xã để trồng lúa, trồng khoai… cải tạo kinh tế gia đình.

Ngày tháng thoi đưa, dần dần cuộc sống từng bước vượt qua khó khăn thì  bất ngờ tai họa lại ập xuống gia đình ông khi vợ ông là bà Nguyễn Thị Đam đột ngột qua đời vào năm 2007, lúc bà mới 55 tuổi.  Vợ ông ra đi khi mọi thứ còn ngổn ngang trong lúc hai cô con gái đã đứng tuổi chưa kịp xây dựng gia đình, hai đứa con trai thì chưa có công ăn việc làm và học hành còn dang dở.

Mặc dù đã bước vào tuổi lục tuần, lẽ ra ông phải được nghỉ ngơi nhưng lại lâm vào cảnh “gà trống nuôi con”. Ngỡ rằng, mọi thứ an bài theo số phận!

Nhưng người cựu binh già Bùi Văn Nhu trước trách nhiệm cuộc sống, và với tình yêu quê hương khát khao cháy bỏng đã  làm nên điều không tưởng. Ngoài những công việc cũ, ông tiếp tục mày mò tìm hiểu và thực hiện các mô hình kinh tế vườn đồi như trồng chè, chăn nuôi gia súc. Ông cũng là một trong những người đầu tiên ở Kỳ Thượng nhận thức được việc xuất khẩu lao động là chủ trương đúng đắn, nên đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng cho hai người con trai đi lao động ở nước ngoài… Nhờ đó mà chẳng mấy chốc ông trở nên khá giả có điều kiện giúp đỡ  bà con làng xóm cùng làm ăn phát triển, từng bước mở mang bộ mặt quê hương.

 

Phong trào nông thôn mới làm đường điện ở thôn Phúc Môn

Xây dựng nông thôn mới là cơ hội vàng

Đặc biệt, với phong trào xây dựng nông thôn mới ở thôn Phúc Môn, ông là người vô cùng tâm huyết tham gia tích cực nhất. Với sự đóng góp tận tụy không hề mệt mỏi của ông, chỉ trong một giai đoạn thôn Phúc Môn đã có một bước đột phá vĩ đại, một cuộc bứt tốc thần kỳ cứ ngỡ như mơ!

Một câu hỏi  là tại sao trước một hoàn cảnh khó khăn, lại sống trên một miền đất nghèo nàn , phép mầu nào để giúp ông vượt qua số phận của chính mình chứ chưa nói tới sự đóng góp cho quê ông một cách lớn lao như thế?

Trả lời những thắc mắc này, chúng tôi được ông Bùi Tiến Thành, thương binh chống Mỹ, Bí thư Chi bộ thôn Phúc Môn, xã Kỳ Thượng tươi cười cho biết: Ông Bùi Văn Nhu là một người cựu chiến binh hiền lành đôn hậu và cởi mở với mọi người, ông luôn sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai với bất cứ việc gì bằng khả năng có thể nhất. Ông là tấm gương của bà con làng xóm, luôn đi đầu trong việc thực hiện các đường lối chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước.

Nhất là khi nhận thấy phong trào xây dựng nông thôn mới, một cơ hội lý tưởng để tạo nên  bước ngoặt cho quê hương. Ông đã xác định rõ vai trò trách nhiệm công dân của mình vận động từng nhà tham gia phong trào, tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ về công tác xây dựng nông thôn mới  không phải là dự án đầu tư của nhà nước mà là chương trình của dân, người dân tự làm chủ chương trình và hưởng lợi bằng chính thành quả của mình…

Chỉ tính riêng trong hai năm qua, ông đã kêu gọi bà con làm được hàng km đường bê tông nông thôn; dựng được hơn 70 cột điện cùng hệ thống bóng đèn thiết bị tiết kiệm điện trên tuyến đường làng; xây cống thoát nước, sửa sang nhà hội quán… và  phát động phong trào thu gom rác thải theo lịch sáng sớm hàng ngày, bảo đảm vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp, văn minh lối xóm.

Để tạo được niềm tin từ bà con, trước hết ông đã hiến hơn 1.000 m2 đất vườn cùng với cây cối có giá trị trên đất. Trong đó có hàng trăm cây tràm đang bắt đầu đi vào giai đoạn khai thác và hàng chục gốc quýt giống Kỳ Thượng nổi tiếng đã tồn tại từ lâu. Với những gốc quýt hiếm đó không những đem lại nguồn lợi kinh tế mà còn có một giá trị hết sức thiêng liêng đối với ông, bởi những mối ràng buộc bao đời!  Vậy mà việc hiến đất đã đành, ông còn tự bỏ tiền thuê máy cưa, máy ủi về tự làm chẳng phải đắn đo.

Việc mở ra Ngã ba Ông Nhu đã tạo điều kiện cho gần 600  hộ dân các các thôn Phúc Môn, Phúc Đỗ, Phúc Sơn, Phúc Lập chấm dứt tình trạng phải đi đường vòng qua tỉnh lộ 10, rút ngắn được từ 3km đến 7km khoảng cách.

Ngoài việc đóng góp tiền của vật chất và ngày công vô cùng lớn cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở quê hương. Có một việc làm hết sức cảm động là ông đã tự bỏ tiền, bỏ công, một mình xây nên chiếc cống Trọt Trửa thoát nước cho ruộng Trọt Nậy, một thửa ruộng dốc nằm ngay hai bên trên tuyến đường chính của làng chẳng khác nào một con sông chảy xiết mỗi khi có mưa to. Nơi đây đã có nhiều cháu nhỏ trong xã, ngay cả chính đứa cháu nội của ông là Bùi Tiến Đạt từng bị nước cuốn tại đoạn này sau khi cháu đi học về. Rất may, trên đường đón cháu ông đã phát hiện kịp thời lao xuống dòng nước cứu sống. Sự việc đó xẩy ra suốt mấy năm nay mà khi nhắc lại ông vẫn còn run, đến nỗi đến nay ông vẫn không thông báo cho con trai đang lao động ở nước ngoài được biết vì sợ con lo lắng!

 

Cống Trọt Trửa do ông Bùi Văn Nhu làm 

Lời kết

Kỳ Thượng là xã miền núi 135, xuất phát điểm thấp không những về kinh tế và nhiều lĩnh vực khác mà ngay trong cách nhìn nhận của đại đa số người dân, và thậm chí một số bộ phận cán bộ Đảng viên cũng còn nhiều hạn chế. Để làm thay đổi được bộ mặt nông thôn mới ở đây một cách toàn diện là không đơn giản một chút nào, và đó cũng không phải câu chuyện một sớm, một chiều.

Theo số liệu báo cáo mới nhất của UBND xã thì cuối năm 2014 thì tỷ lệ hộ nghèo ở thôn Phúc Môn mới giảm từ 35% xuống 18,2%; cả xã mới phấn đấu  đạt được 7/19 tiêu chí, nhưng phải nói rằng mỗi tiêu chí đạt được ở đây là một kỳ tích trong “cuộc đua nước rút” ở giai đoạn đầu thực hiện phong trào nông thôn mới tại Hà Tĩnh.

Không phải đợi chờ gì hơn, người dân ở đây đã đồng sức đồng lòng tham gia phong trào và đã hiến gần 5.500m2  đất, đóng góp gần 5.400 ngày công và hơn 1,3 tỷ đồng…trong đó người cựu binh già Bùi Văn Nhu ở thôn Phúc Môn là một điển hình được mọi người hết sức cảm phục và quý mến!

Nguyễn Ngọc Vượng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh