Lâm Đồng: Nâng cao chất lượng lao động nông thôn
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:10 - 06/03/2015
Nghề nông nghiệp hút học viên
Theo số liệu của Sở LĐ-TBXH Lâm Đồng vừa công bố, trong 5 năm (2010 - 2014,) toàn tỉnh đã tổ chức được 1.050 lớn dạy nghề với 30.577 học viên theo học. Trong đó có 29.394 người hoàn thành chương trình học nghề (chiếm 96,1%). Nếu chia theo đối tượng học nghề thì cao nhất là lao động nông thôn (14.583 người - 49,61%), tiếp đến là người ở huyện nghèo và xã nghèo (5.123 người - 17,43%), người dân tộc thiểu số (5.092 người - 17,32%), người nghèo (4.179 người - 14,22%)... và thấp nhất là người khuyết tật (220 người - 0,75%) và đối tượng chính sách (197 người - 0,67%). Chia theo nhóm ngành học, nhóm ngành nông nghiệp chiếm 65,5% (cao nhất), tiếp đến là nhóm ngành công nghiệp và xây dựng (25,02%) và thấp nhất là ngành dịch vụ (9,48%)
Báo cáo của các địa phương cho thấy, trong 5 năm qua, số lượng lao động nông thôn sau học nghề có được việc làm là 25.121 người - chiếm 85,3% tổng số lao động được học nghề theo chương trình đào tạo nghề lao động nông thôn của tỉnh. Trong đó, nhóm nghề nông nghiệp có số lượng người lao động tìm được việc làm ổn định chiếm cao nhất: 90,18%; kế đến là nhóm nghề dịch vụ: 77,43%; và thấp hơn là nhóm nghề công nghiệp và xây dựng: 76,15%. Sở dĩ nhóm nghề nông nghiệp đạt tỷ lệ có việc làm ổn định sau học nghề cao là vì trước khi tham gia học nghề, hầu hết các học viên là người lao động đã có tư liệu sản xuất và có điều kiện để áp dụng những kiến thức và kỹ năng nghề vào thâm canh, sản xuất.
Cũng theo ông Trương Ngọc Lý, trong 5 năm qua, nhóm nghề nông nghiệp được quan tâm đặc biệt trong dạy nghề lao động nông thôn theo nhu cầu thực tế nên trong triển khai thực hiện đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Một ví dụ cụ thể đó là nghề chăn nuôi bò sữa: Lao động nông thôn sau học nghề đã biết được kỹ thuật ủ chua để dự trữ thức ăn cho bò, biết cách tự chăm sóc và phòng trị bệnh cho vật nuôi, biết cách phát hiện những thứ bệnh phổ biến ở bò, biết cách tiêm thuốc và thụ tinh hoặc đỡ đẻ một cách khoa học cho bò sữa.
Hoặc như, với ngành trồng dâu nuôi tằm, sau khi học nghề, nhiều học viên ở huyện Đức Trọng đã mạnh dạn thay đổi giống dâu cho năng suất cao hơn, giảm chi phí canh tác, thay đổi phương pháp nuôi tằm bằng nong trước đây sang phương pháp nuôi dưới sàn cho năng suất cao hơn (tăng từ 20% - 30%). Với nhóm nghề chăm sóc và canh tác cây cà phê, nhiều học viên sau học nghề đã mạnh dạn chuyển đổi cây giống, ghép giống mới để năng suất đạt được cao hơn và chất lượng sản phẩm cây trồng được cải thiện theo hướng tích cực hơn.
Dự báo để tránh rủi ro
Bộ LĐ-TBXH cho biết, đến thời điểm hiện tại, Lâm Đồng là tỉnh duy nhất trong cả nước tiến hành khảo sát kết quả sau học nghề theo đề án đào tạo nghề lao động nông thôn trong 5 năm từ 2010 đến nay. Ví dụ, trong hai năm gần đây (2013 và 2014), việc khảo sát đã được tiến hành ở tất cả 12 trông tổng số 12 huyện và thành phố của tỉnh.
Ông Trương Ngọc Lý, cho biết: “Trong hai năm 2013 và 2014, Lâm Đồng là tỉnh duy nhất và đầu tiên trong cả nước tiến hành khảo sát kết quả sau học nghề: Năm 2013 khảo sát 3.285 người, năm 2014 khảo sát 4.576 người; thời điểm khảo sát từ tháng 10 năm trước đến tháng 10 năm sau. Công tác khảo sát do cán bộ LĐ-TBXH các xã hoặc cán bộ đoàn thể cấp xã, cán bộ thôn, lớp trưởng các lớp học nghề thực hiện. Và, kết quả khảo sát phải được công khai tại các xã có lớp dạy nghề”. Hơn thế, trước khi triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Sở LĐ-TBXH Lâm Đồng cũng đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của 6.000 hộ dân tại 44 thôn thuộc 12 xã của 12 huyện và thành phố trong tỉnh. Kết quả: 51% số hộ có nhu cầu học nghề với 52 nghề được đề xuất; trong đó, nhóm nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp chiếm 58%, nghề công nghiệp và xây dựng chiếm 25% và nhóm nghề dịch vụ chiếm 17%.
Việc khảo sát trước và sau khi đào tại nghề cho lao động nông thôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện đề án là nhận định của lãnh đạo Sở LĐ-TBXH Lâm Đồng qua 5 năm triển khai đề án.
Trên cơ sở khảo sát đó, Sở LĐ-TBXH sẽ có những điều chỉnh hợp lý trong việc tăng cường cơ sở vật chất và các trang thiết bị dạy nghề; trong hoạt động phát triển chương trình, giáo trình và học liệu dạy nghề. Đến thời điểm hiện tại, Lâm Đồng có 7 trung tâm dạy nghề công lập do Sở LĐ-TBXH quản lý. Tổng số nghề được đầu tư cho 7 trung tâm công lập và Trường trung cấp nghề Bảo Lộc là 16 nghề. Trong đó, nhóm nghề nông nghiệp có 6 nghề, gồm: Chăn nuôi - thú y, sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp, trồng và chăm sóc cà phê, trồng rau, trồng lúa chất lượng cao và trồng nấm. Nhóm công nghiêp và xây dựng gồm 9 nghề, như sửa chữa xe máy, hàn - cơ khí, thiết bị động lực, điện dân dụng, điện tử dân dụng, điện công nghiệp...
Đến nay, Sở LĐ-TBXH đã hợp đồng với các đơn vị chuyên môn tiến hành chỉnh sửa 13 chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên đưa vào sử dụng chung cho các cơ sở dạy nghề: Xây lát và ốp gạch đá, may công nghiệp, thú y, lắp đặt và sửa chữa hệ thống nước dân dụng, lắp đặt và sửa chữa hệ thống điện dân dụng, gò hàn, sửa chữa máy kéo công suất nhỏ, trồng nấm, trồng và chăm sóc cà phê, móc len, thêu tay, trồng và chăm sóc hoa đồng tiền và nuôi bò sữa.
Sở LĐ-TBXH Lâm Đồng còn cho biết: Năm 2015, số lao động nông thôn sẽ được hỗ trợ học nghề là 12.000 người; và, con số này của giai đoạn 2016 - 2020 là 62.000 người.