Nếu hôm đó, nhà báo đánh lại công an…
- Pháp luật
- 21:13 - 26/09/2016
Ở Hà Nội, nhà báo và công an vẫn được tiếng là phối hợp công việc với nhau khá nhịp nhàng và có mối quan hệ qua lại rất tốt. Công an thì khá mềm mỏng với báo chí và cũng hiếm có ở địa phương nào, báo chí cũng dễ dàng thông cảm cho công an như ở Hà Nội.
Thực tế đó, nhiều người làm báo, công an ở Thủ đô cảm nhận được.
Tình huống cảnh sát đánh phóng viên trên cầu Nhật Tân hôm 23/9 có thể coi là cá biệt, hiếm có ở Thủ đô.
Phóng viên bị cảnh sát áo đen đấm thẳng vào mặt. Phía sau là chỉ huy đội CSHS Đông Anh (mặc áo đỏ) đang chỉ tay, hò hét.
Vụ việc xảy khi hàng chục phóng viên tác nghiệp, quay phim, chụp ảnh, đưa tin về việc một tài xế taxi thiệt mạng ở cầu Nhật Tân. Tuy nhiên, khi đang tác nghiệp tại hiện trường, phóng viên Quang Thế của Báo Tuổi trẻ TP. HCM đã bị một người đuổi đánh, gây thương tích. Một số phóng viên khác cũng bị vài đối tượng cản trở tác nghiệp, hành hung. Thậm chí, có người còn bị đập cả các thiết bị ghi hình.
Ban đầu, vụ việc gây ồn ào và phỏng đoán, chưa biết các “đối tượng lạ” gây rối với các phóng viên là ai. Vì đã có rất nhiều vụ việc, có các đối tượng lạ quấy rối quanh khu vực làm việc của công an.
Về sau, khi một phóng viên khác công bố một đoạn video quay rõ cảnh cản trở, hành hung thì mới nhận ra đây chính là các cán bộ cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh, Hà Nội.
Đoạn video đã cho thấy một thực tế rõ ràng rằng, cán bộ Cảnh sát hình sự huyện Đông Anh hôm đó đã không kiềm chế được mình, cư xử lỗ mãng và trái luật. Thậm chí trước khi cảnh sát trẻ này lao vào phóng viên, còn có ai đó đứng chỉ tay, hò hét.
Chỉ tiếc rằng, lãnh đạo công an huyện Đông Anh khi đến làm việc ở Báo Tuổi trẻ đã lấp liếm khi nói rằng: “Anh em trẻ, chịu áp lực công việc nên cư xử không chuẩn mực”.
Hành vi đấm, đạp vào người khác (chưa nói là phóng viên) thì đúng là không chuẩn mực – thậm chí nên gọi là côn đồ.
Việc này, rõ ràng không thể dừng lại ở lời xin lỗi mà phải điều tra, làm rõ.
Nhiều người đặt ra giả thiết, nếu hôm đó, không phải phóng viên Quang Thế, mà là một phóng viên khác to con hơn, nóng tính hơn, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Vì trong nhóm nhà báo tác nghiệp hôm đó có vài người là võ sư.
Nhà báo H.T – một võ sư khi tham gia tác nghiệp hôm đó cũng bị một cảnh sát hình sự trẻ đưa tay đánh rơi máy quay xuống đất.
Thật may là người này đã giữ được bình tĩnh để không “đụng tay đụng chân”. Sau sự cố, nhiều đồng nghiệp hỏi vì sao anh không tự vệ để bảo vệ việc tác nghiệp đúng luật của mình, nhà báo này bình tĩnh: “Nếu hôm đó, có trọng tài, mình sẵn sàng tỷ thí ngay. Cả công an và nhà báo đều đang thực thi nhiệm vụ của mình, nếu đụng tay đụng chân mà không có trọng tài thì hóa ra côn đồ ngoài chợ à”. Và nhà báo H.T chọn cách cư xử bình tĩnh, khôn ngoan.
Nếu điều này xảy ra thì đúng là một vụ hỗn chiến xấu hổ, giữa một bên là lực lượng thực thi pháp luật, một bên là người đưa tin “tai mắt của nhân dân”. Thật không còn gì là thể thống! Lúc đó thì cả công an và nhà báo sẽ phải cúi gằm mặt không dám ngước lên nhìn người dân.
Người viết bài này đã tham khảo ý kiến một số luật sư và được cho biết: Nếu hôm đó, nhà báo phản ứng lại công an, có khi bị quy vào tội “Chống người thi hành công vụ” không biết chừng!
Nữ sinh lớp 12 Phạm Thị Mỹ Linh ở TP HCM đã lãnh án 9 tháng tù vì tát cảnh sát giao thông. Thì không biết cảnh sát đấm vào mặt, đạp vào lưng phóng viên sẽ nhận mức hình phạt nào. Hi vọng, không phải là “nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Giám đốc Công an Hà Nội có lẽ đang đứng trước một quyết định khó khăn!
CÙNG CHUYÊN MỤC
Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?
Tay chân miệng – cơn ác mộng mùa hè của bé yêu nhà bạn? Đừng chủ quan! Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm chỉ trong tích tắc. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách...
3 tháng trước
Tin nên đọc