CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:49

Nếu đưa tiền để nâng điểm, phụ huynh ở Hà Giang có thể phải chịu trách nhiệm hình sự

 

Luật sư Nguyễn Tiến Trung

 

PV: Xin luật sư cho biết góc nhìn pháp lý về sự việc nâng điểm xảy ra trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang

Luật sư (LS) Nguyễn Tiến Trung: Từ thông tin trên các phương tiện truyền thông, đối chiếu sự việc với các quy định pháp luật hiện hành tôi cho rằng sẽ có nhiều cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm ở nhiều mức độ khác nhau từ xử lý kỷ luật cảnh cáo, khiển trách cho đến truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dưới góc độ quản lý, Sở Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hà Giang cần phải thực hiện một số hành động cụ thể, trước tiên là ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác (Điều 81 - Luật cán bộ, công chức) trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Trọng Lương (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang) là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.

PV: Vậy trách nhiệm cụ thể đối với người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh là như thế nào, thưa luật sư?

LS Nguyễn Tiến Trung: Hành vi của ông Vũ Trọng Lương là đặc biệt nghiêm trọng, việc làm này không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật mà còn gây dư luận xấu, giảm uy tín của ngành giáo dục tỉnh Hà Giang nói riêng và chất lượng thi THPT năm 2018 trên cả nước nói chung. Đối chiếu hành vi nâng, sửa điểm của thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang với các quy định của pháp luật thấy rằng có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25-1-2017 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, tại điều 48 - điểm d về Xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi có quy định:

“d) Buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau đây:

- … …;

- Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh;

- Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm”.

Bên cạnh đó, tại Điều 118 - Luật giáo dục cũng quy định việc xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự khi có hành vi “Làm hồ sơ giả, vi phạm quy chế tuyển sinh, thi cử”. Cụ thể:

“1. Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:

… …

đ) Làm hồ sơ giả, vi phạm quy chế tuyển sinh, thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ”. 

Ngoài ra, việc ông Vũ Trọng Lương lợi dụng được phân công dùng máy tính quét bài thi trắc nghiệm để thực hiện việc sửa điểm cho thí sinh thì có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự tại

Điều 288 về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật) và

Điều 359 về Tội giả mạo trong công tác (sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu).

PV: Ở góc độ khác, hành vi của người nhờ nâng điểm có bị xử lý không? Nếu có thì theo quy định nào?

Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ cho rằng những thí sinh hoặc phụ huynh của thí sinh có hành vi đưa tiền để điều chỉnh điểm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội đưa hối lộ” (điều 364 BLHS) với mức hình phạt tù cao nhất là 20 năm; người trung gian, môi giới phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội môi giới hối lộ” (điều 365 BLHS), có hình phạt tù cao nhất là 15 năm; và cá nhân nào được xác định nhận hối lộ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội nhận hối lộ”, với mức hình phạt cao nhất là tử hình (Điều 354 BLHS).

PV: Xin cảm ơn luật sư!

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh