CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:00

Nên thi trực tiếp hay trực tuyến?

Ngay từ đầu năm học, các em học sinh phải dự lễ khai giảng bằng hình thức trực tuyến, học tập trực tuyến. Đến thời điểm hiện tại khi gần kết thúc học kì I, việc tổ chức thi cuối kì cho các em vẫn là chủ đề cần các cấp lãnh đạo bàn luận và tìm ra giải pháp phù hợp với từng địa phương. Nhiều trường vẫn đang chờ chỉ đạo cụ thể từ các cấp để ra kế hoạch thi cuối kì phù hợp với tình hình hiện nay. Với học sinh lớp 1 là đối tượng được chuyển giao từ mẫu giáo lên bậc học mới, mọi thứ đối với các em đều mới mẻ và bỡ ngỡ, việc học tập, sinh hoạt đều theo thói quen “Cầm tay chỉ việc”. Học tập trực tuyến đã làm cho các em thêm áp lực, giảm sức tiếp thu và dễ gây chán nản.

Chị Lan có con học lớp 1 và lớp 4 của một trường công lập trên địa bàn TP Hà Nội chia sẻ: “Đối với học sinh cấp 1, việc tự giác ngồi học qua màn hình máy tính, điện thoại là cả một sự cố gắng của bản thân các em, của phụ huynh và của cả giáo viên phụ trách. Với bạn lớn lớp 4, tôi không lo lắng lắm vì con đã được làm quen với máy tính, quen với thao tác và tham gia thi trực tuyến vào cuối năm học 2020 – 2021, nhưng với bạn nhỏ học lớp 1, thật sự cả nhà đều lo lắng”. Đây cũng là điều băn khoăn của rất nhiều phụ huynh con con học lớp 1 năm nay.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Gần đây, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn kiểm tra định kì với học sinh Tiểu học, trong đó học sinh lớp 1, lớp 2 sẽ thực hiện bài kiểm tra định kì cuối học kì I trực tiếp tại trường, trừ 'trường hợp bất khả kháng' thì phải báo cáo. Bộ GD-ĐT cho biết giáo viên được phép linh hoạt trong đánh giá thường xuyên của quá trình dạy học, nhưng phải tổng hợp lại bằng đánh giá định kì, thể hiện qua bài kiểm tra cuối học kì I và cuối năm học.

Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, ở những địa phương mà học sinh không thể đến trường do dịch bệnh, các trường tổ chức kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ cho học sinh theo hình thức trực tuyến.Đối với những khu vực đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, học sinh có thể đến trường học tập, thì các trường khẩn trương ôn tập và củng cố kiến thức cho học sinh và thực hiện kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ trực tiếp. Đối với các em học sinh lớp 1, lớp 2 đang học qua truyền hình, quá trình học tập của các em thiếu sự tương tác, và nhà trường cùng các thầy/cô chưa có đánh giá chính xác việc các em thu nhận được kiến thức tới đâu. Vì vậy, trong điều kiện cho phép, cần tạo điều kiện tối đa để học sinh được tới trường củng cố kiến thức và được hướng dẫn thực hiện bài kiểm tra định kỳ trực tiếp.

Với lớp 3, 4, 5, học sinh cơ bản đã có ý thức và kỹ năng học tập, kỹ năng làm bài định kỳ theo đặc trưng của từng môn học trong quá trình học từ các năm trước. "Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tùy điều kiện thực tế ở các địa phương, các sở, phòng giáo dục chỉ đạo các trường hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tiếp hay trực tuyến. Đồng thời, các địa phương có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian thực hiện kiểm tra phù hợp với kế hoạch triển năm học này, kế hoạch năm học mới và tình hình dịch bệnh tại địa bàn", ông Độ cho biết.

Ngay từ đầu năm học, các hoạt động học tập, giao tiếp, lĩnh hội kiến thức đều qua màn hình máy tính, điện thoại. Giao tiếp với giáo viên cũng bằng hình thức đó. Bỗng một ngày các con được thông báo đến trường thi, với học sinh lớp 1, các con sẽ bỡ ngỡ, thậm chí có bạn còn không rời tay bố mẹ để vào trường, như vậy bài thi có chắc đạt hiệu quả!

Dịch bệnh Covid19 ngày càng phức tạp, các bậc phụ huynh luôn lo lắng cho sức khỏe của con em mình, có một số phụ huynh còn thay đổi việc làm của mình để tránh tiếp xúc nhiều, giúp con được an toàn hơn, với những phụ huynh đó, liệu họ có cho con đến trường để thi? Nếu chẳng may trong phòng thi có 1 bạn là f0 thì điều gì sẽ xảy ra?

Với các em lớp 1, ngay từ đầu năm học đã được giáo viên của mình tuyên truyền, khuyến cáo là không tự ý mở máy tính, mở thiết bị sử dụng điện khi không có người lớn ở nhà để phòng tránh tai nạn thương tích. Nếu nhà trường tổ chức cho HS thi cuối kì I vào giờ hành chính thì ai sẽ là người hướng dẫn HS vào thi khi bố, mẹ hoặc người lớn trong gia đình đi làm, có hay chăng bố mẹ các em nên xin nghỉ ở nhà để trông con thi?

Một trường hợp nữa, nếu nhà trường tạo điều kiện cho học sinh thi cuối kì I vào buổi tối khi có bố mẹ ở nhà thì bố mẹ sẽ là người đăng nhập, hướng dẫn con thi, nhưng hãy đặt mình vào vị trí bố mẹ các em, có ai đủ liêm chính để con mình tự làm bài rồi lấy điểm thực tế hay là bố mẹ lại nói “Con làm chậm thế, để bố/mẹ làm cho; hoặc sai rồi, đáp án này cơ mà!” Như vậy có đảm bảo chất lượng giáo dục! khi ấy câu “Học tài, thi phận” sẽ đúng trong trường hợp này.

Ở một số nước tiên tiến, với học sinh lớp 1, lớp 2 chỉ là tiền đề để học sinh hình thành nhân cách, đạo đức và kĩ năng sống, nên các em có thể vừa học vừa chơi, không áp lực, không căng thẳng. Việc thi cử là cần thiết để đánh giá trình độ của mỗi học sinh, tuy nhiên với tình hình hiện tại, để công bằng trong thi cử, đảm bảo được chất lượng bài làm đúng với năng lực của học sinh và để đảm bảo cho sức khỏe của con em mình, có nên chăng chỉ đánh giá học sinh theo hình thức đánh giá thường xuyên, còn về hình thức thi nên để cuối năm học hãy thực hiện!.

TA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh